Điểm mới trong phương pháp của cô Lê Thị Mộng Nhã là tìm hiểu, phát hiện những đam mê, khao khát của học sinh để khơi dậy kịp thời.
Vận dụng cải tiến phương pháp bồi dưỡng thay vì những giờ học lý thuyết nhàm chán như trước đây, học sinh được thể hiện chính mình trước tập thể. Bước đầu hình thành các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ theo đường hướng giao tiếp cho học sinh.
Các bước chuẩn bị
Cách thức được cô Lê Thị Mộng Nhã thực hiện như sau:
Lập các kế hoạch tuyển chọn, kế hoạch bồi dưỡng, ra đề khảo sát, sưu tầm tài liệu, tìm hiểu sâu về nội dung và hình thức cuộc thi Olympic tiếng Anh, nghiên cứu công văn chỉ đạo của ngành...để đảm bảo thực hiện đúng, chính xác.
Thực hiện phối hợp với Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên môn Tin học, cán bộ Thư viện, phụ huynh và học sinh để có công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất và kinh phí.
Giáo viên cần chuẩn bị tài liệu tự luyện Olympic tiếng Anh khối 3, 4, 5; các bộ đề thi do giáo viên sưu tầm được; máy tính; đường mạng; tai nghe; ...
Lập một kế hoạch cụ thể về việc tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi từ đầu năm học và xin ý kiến chỉ đạo của Ban giám hiệu.
Kế hoạch phải đầy đủ thông tin theo yêu cầu, vạch ra công việc cụ thể năm, tháng, tuần.
Kế hoạch còn phải dự nguồn cho đội tuyển học sinh giỏi của năm học sau, cụ thể là học sinh khối 2. Giáo viên tiếng Anh cần liên hệ với giáo viên chủ nhiệm lập danh sách học sinh giỏi để bồi dưỡng trong hè.
Tiến hành ra đề khảo sát để chọn ra đội tuyển học sinh giỏi đảm bảo về chất và lượng.
Ra đề khảo sát dành cho khối 4, 5 do các em được học một số kiến thức ở những năm học trước và giáo viên đã nắm được trình độ thực tế của học sinh.
Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh để cùng tuyển học sinh khối 3.
Kết hợp với cán bộ phụ trách Thư viện cung cấp tài liệu tự luyện Olympic tiếng Anh của nhiều nhà xuất bản, bộ đề thi học sinh giỏi khối 3, 4, 5 và các tài liệu khác được giáo viên sưu tầm từ thư viện Violet cho học sinh.
Tham khảo ý kiến giáo viên Tin học về nội dung và hình thức cuộc thi.
Nghiên cứu văn bản chỉ đạo các cấp về những nội dung có liên quan để phổ biến đến học sinh.
Tiến trình bồi dưỡng
Sau khi thành lập đội tuyển học sinh giỏi ở ba khối lớp, giáo viên tiến hành giảng dạy theo kế hoạch.
Do chưa có một phân phối chương trình nào cho việc bồi dưỡng học sinh nên giáo viên phải dạy những kiến thức nâng cao theo phân phối chương trình cấp học, cung cấp nhiều kiến thức về từ vựng, ngữ pháp từ những kinh nghiệm do giáo viên tích luỹ được.
Đồng thời giáo viên hướng dẫn học sinh chữa các bộ đề Tự luyện Olympic tiếng Anh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Sử dụng khẩu lệnh bằng tiếng Anh để học sinh quen dần với những câu nói thông thường, chú trọng phát âm của học sinh và kịp thời sửa sai. Lồng ghép các trò chơi trong quá trình giảng dạy lí thuyết để tránh gây nhàm chán cho học sinh khi cần thiết.
Hướng dẫn thực hành trên máy tính, giáo viên giúp học sinh tìm hiểu khái quát về máy tính, sử dụng thành thạo các chức năng của phòng máy.
Trong quá trình giảng dạy trực tuyến, giáo viên cần theo sát học sinh để xử lí kịp thời những vấn đề cần thiết.
Giáo viên tiến hành đăng kí cho học sinh tham gia tự luyện trên máy tính, đồng thời cùng tự luyện với các em để tiếp cận những đề khó, hay, mới lạ mà sao chép làm tư liệu cho những năm học sau. Hướng dẫn các em đăng nhập nhiều địa chỉ mới và mở từ điển trên Internet để kiểm tra những từ mới, từ khó mà các em chưa được học.
Sắp xếp thời khoá biểu cụ thể cho từng khối lớp sao cho hàng tuần học sinh vừa được thi trực tuyến vừa được bồi dưỡng về kiền thức chuyên môn để các em khắc sâu kiến thức hơn.
Nội dung bồi dưỡng
Bồi dưỡng bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và ngữ pháp căn bản cho các em trong giờ dạy lí thuyết.
Với kĩ năng nghe (Listening): Giáo viên cần phổ biến các dạng bài nghe, hướng dẫn kĩ năng nghe áp dụng sáng kiến “Rèn kĩ năng nghe cho học sinh tiểu học” được viết ở năm trước.
Sử dụng phần mềm Balabolka (của Sở GD&Đt Bến Tre), Talk-it-
windows-malavida thiết lập các dạng bài tập nghe cho học sinh như Listen and number, Listen and check, Fill in the mising words, ...
Với kĩ năng nói (Speaking): Gợi ý cho học sinh những chủ đề nói đơn giản, gần gũi với thực tế và theo những chủ điểm trong chương trình sách giáo khoa như về cá nhân, trường lớp, bạn bè, thế giới xung quanh, ...
Đặt câu hỏi theo từng chủ đề giúp học sinh thảo luận dễ dàng hơn, vận dụng sáng kiến “Lồng ghép trò chơi trong giờ học tiếng Anh” đã áp dụng ở những năm trước giúp học sinh hứng thú hơn khi thảo luận. Theo sát sửa lỗi cho học sinh, đặc biệt quan tâm phát âm của học sinh.
Tạo điều kiện để học sinh có thể hùng biện trước lớp, thành viên khác nhóm đặt câu hỏi tranh luận. Giáo viên chỉ bổ sung khi cần thiêt.
Kĩ năng đọc (Reading): Cung cấp các dạng bài đọc hiểu như Read and anwser, Read and complete, Read and choose the correct anwser, True or false,... Nội dung bài đọc cần đa dạng giúp học sinh làm quen nhiều từ mới.
Hướng dẫn học sinh cách đọc như thế nào để tránh mất thời gian mà vẫn hiểu nội dung chính và hoàn thành các bài tập. Làm một vài câu mẫu giúp các em nắm vững hơn.
Kĩ năng viết (Writing): Yêu cầu học sinh viết câu, đoạn văn ngắn, hội thoại theo chủ điểm trong phần kĩ năng nói trên lớp hoặc về nhà. Giáo viên sửa sai và cho học sinh viết lại hoàn chỉnh.
Cung cấp, giới thiệu các bài viết mẫu của học sinh giỏi năm trước, bài mẫu của giáo viên, bài viết từ sách hay, phù hợp cho học sinh tham khảo thêm.
Ngữ pháp (Grammar): Chương trình tiếng Anh Tiểu học không yêu cầu giáo viên dạy ngữ pháp tuy nhiên học sinh giỏi cần nhiều kiến thức về ngữ pháp giúp các em hệ thống toàn bộ những gì đã học.
Ngoài ra điều này còn giải đáp những thắc mắc của học sinh cụ thể như sau: “Tại sao chúng ta viết I get up at six o’clock nhưng She gets up at six o’clock?”
Cần cung cấp cho học sinh Tiểu học những chủ điểm ngữ pháp như present simple tense, present proggressive tense, past simple tense, future simple tense, intension future with “be going to”, modal verb,...
Ra đề cho học sinh làm trên lớp, kể cả bài làm ở nhà. Giáo viên chấm bài, chữa lỗi cho học sinh cẩn thận, đầy đủ đồng thời nêu ra những hạn chế của từng học sinh. Giúp các em thấy những lỗi sai của mình để khắc phục.
Giáo viên cung cấp cho học sinh những tên sách, danh mục sách, loại sách và yêu cầu học sinh tìm đọc ở thư viện (Vở bài tập bổ trợ nâng cao lớp 3, 4, 5; Vở luyện bài tập lớp 3, 4, 5; 50 bộ đề lớp 3, 4, 5; Activity book 1, 2; ...).
Tổng hợp kiến thức từ vựng và mẫu câu trong chương trình sách giáo khoa bộ “Let’s learn English”, “Let’s Go”, “Tiếng Anh” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam truyền đạt đến học sinh.
Cung cấp tất cả 8 dạng bài thi cho học sinh, hướng dẫn các em cách làm cụ thể từng dạng bài, nêu ví vụ minh chứng.
Để thực hiện thành công, cô Lê Thị Mộng Nhã cho rằng, giáo viên cần đầu tư nhiều thời gian cho việc tìm kiếm tài liệu hay phục vụ giảng dạy, phương pháp phong phú, trình độ chuyên môn cao, yêu nghề và có tâm huyết với nghề.
Học sinh phải yêu thích môn học, có tinh thần tự học là chính, có nhiều sáng tạo và đầu tư vào môn học.
Phụ huynh học sinh cần quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho con em như trang bị máy tính; đường mạng; tai nghe và USB chứa tài liệu (tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi; tài liệu tự luyện Olympic lớp 3, 4, 5; Bộ đề tự luyện Olympic tiếng Anh các cấp; ...)