Mấy hôm nay báo đài đưa tin về việc Bộ luật Lao động sửa đổi và đề cập đến chuyện “tiền lương chồng gửi vào tài khoản vợ”.
Trong bữa ăn tối, vợ tôi bảo: "Đằng nào mỗi tháng tiền lương anh cũng phải chuyển cho em, hay anh làm cái uy quyền để chuyển thẳng vào tài khoản của em cho tiện, đỡ phải chuyển đi chuyển lại".
Nghe vợ nói, tôi hơi khựng lại, lúng túng. Thú thật, tiền lương tôi chuyển vợ không phải toàn bộ, tôi giữ lại một phần để chi tiêu. Đàn ông, cũng phải có tiền mua bao thuốc, ăn trưa, xăng xe, bạn bè xã giao... Đưa hết, chẳng lẽ từ nay tôi phải ngửa tay xin lại?
Vả lại, số tiền tôi đưa vợ cùng tiền lương của cô ấy cũng đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình, còn thừa để cô ấy chi tiêu bản thân, mua sắm. Do vậy, tôi không thấy việc đưa hết tiền lương của mình là cần thiết.
Tôi còn chưa nói gì thì mẹ tôi ngồi một bên thủng thẳng: "Con có thẻ lương của mình rồi, lương thằng Hùng chuyển vào thẻ mẹ là được. Con ngày ngày bận đi làm, mấy khi đi chợ mua sắm đâu. Chuyển thẳng tiền lương thằng Hùng cho mẹ, mẹ cầm mua bán, đỡ phải chuyển đi chuyển lại. Đằng nào, đầu tháng con chả phải đưa cho mẹ".
Vợ tôi tái mặt nói: "Quy định là chuyển vào tài khoản cho vợ chứ có nói là chuyển cho bố mẹ đâu. Chỉ đi chợ thì làm sao cần hết lương của chồng con. Còn bao nhiêu khoản chi, tiền học hành cho các cháu, điện nước... Nếu mẹ cầm chẳng lẽ con lại phải xin lại chi phí kia".
Mẹ tôi cũng tá hỏa: "Thế chị đưa tôi tiền thì được, tôi đưa lại tiền cho chị thì chị thấy mất mặt à? Chị đừng tưởng tôi già rồi không biết. Luật quy định là chỉ cần hai người thỏa thuận là có thể chuyển thẳng, vợ chồng hay bố mẹ gì đều được hết. Chị đừng có trộm đổi khái niệm. Tôi có mà đi guốc trong bụng chị ấy".
Vợ tôi cũng chẳng vừa: "Chúng con có gia đình riêng, có con con cái rồi, làm sao lại không được tự quản tiền lương của mình. Vợ quản tiền chồng là điều đương nhiên. Trước cũng là mẹ quản tiền của bố đấy thôi, có đưa bà nội đâu mà giờ mẹ muốn quản chúng con".
Mẹ tôi nghe vợ tôi nói vậy thì tỏ thái độ ra mặt, bà rời bàn ăn và bỏ lên gác, trước khi đi còn thêm câu: "Nhà này loạn rồi!".
Từ đó đến nay, mẹ tôi lúc nào cũng mặt nặng mày nhẹ. Không chịu đi chợ búa gì, cũng chẳng thèm đón cháu. Bà tuyên bố thẳng: "Con anh chị đẻ ra thì đi mà đón về. Tôi già rồi, chẳng quản được nhiều thế. Vả lại, làm nhiều lại bị nói quản quá nhiều".
Khổ nỗi trẻ con tan học lúc nào cũng sớm hơn giờ tan tầm của người lớn. Chưa kể, từ chỗ làm vợ chồng tôi, vượt qua bao điểm ách tắc về đến được trường học của chúng cũng còn mất thêm một quãng thời gian nữa. Đón con muộn khiến chúng giận dỗi, cô giáo ý kiến... mà ngày nào cũng xin về sớm là không được.
Đón được con về nhà lại phải tắm rửa cho nó, vợ thì tất bật chạy qua siêu thị mua đồ về nấu nướng. Tôi chẳng có cơ hội để đi xã giao sau giờ làm như trước đây, khổ không nói nổi.
Tôi bàn với vợ, hay mình để mẹ cầm lương của tôi (Tôi tin chắc mình có thể lấy được tiền từ tay mẹ tôi dễ hơn vợ). Chứ cứ tình trạng này, hai vợ chồng đều mệt nằm sấp xuống, rồi cơ quan dị nghị, mất nhiều hơn được.
Mẹ tôi đình công khiến vợ tôi đi làm về còn phải đi chợ nấu ăn. Ảnh minh họa. |
Vợ tôi cũng có vẻ nản lòng sau hơn 1 tuần tất bật nên cũng đành ưng thuận. Cứ tưởng thế là xong ai dè mẹ tôi lại muốn lấn thêm một bước.
Bà bảo: "Ngay cả lương của chị cũng chuyển cho mẹ giữ luôn đi. Mẹ thấy anh chị đi làm lương không thấp mà cũng chẳng để dành được mấy, tiêu xài phung phí, quần quần áo áo thay đổi suốt ngày. Giờ cu Bi còn nhỏ chưa tiêu tốn mấy, sau này nó học lên cao rồi còn phải tính chuyện lo cho nó du học cho bằng bạn bằng bè. Cứ "bàn tay to" như mấy đứa thì lấy đâu ra. Giờ còn trẻ thì phải nhìn xa về sau chứ".
Vợ tôi sững sờ: "Sao mẹ biết con không có tích trữ, chỉ dựa vào vài bộ quần áo mà phán xét là con hoang phí. Nhưng con nói thật mẹ có giữ thẻ cũng vô dụng thôi vì giờ người ta tiêu tiền qua các ứng dụng điện thoại cả rồi. Mẹ giữ hay không con muốn tiêu vẫn tiêu cơ mà. Bọn con lớn cả rồi nên mẹ đừng lo quá, con biết phải làm thế nào mà".
Mẹ tôi không ngờ có việc này nên khựng lại một lúc, sau đó bà giận dỗi bỏ thêm câu: "Tôi có nói thế đâu. Hay cô sợ tôi lấy mất tiền của cô nên không muốn đưa tôi giữ, tôi cũng vì vợ chồng cô chứ nào có lợi lộc gì!".
Nhưng có vẻ lần này vợ tôi quyết không nhượng bộ, cô ấy không muốn mẹ tôi quản cả tiền lương của mình. Cứ thế này, gia đình tôi còn lâu mới yên ổn được.
Thế đấy, chỉ vì cái quy định mới về tiền lương mà gia đình tôi lâm vào mâu thuẫn sâu sắc. Giá mọi việc vẫn cứ bình tĩnh như trước kia có phải tốt hơn không?