Thầy cô vượt lũ vào trường khắc phục hậu quả

GD&TĐ - Ngày 16/9, 100% trường học ở Quảng Ninh đã đón học sinh trở lại, việc dạy và học diễn ra bình thường sau thời gian gián đoạn vì bão, lũ.

Đường vào Trường TH và THCS Đại Dực 1 sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Đ.T
Đường vào Trường TH và THCS Đại Dực 1 sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Đ.T

Vì học sinh thân yêu

Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều trường học ở huyện miền núi Tiên Yên bị tốc mái, vỡ cửa kính, hỏng thiết bị dạy học, đổ tường, hàng rào... Với nỗ lực cao nhất, các trường đã huy động lực lượng tập trung khắc phục hậu quả nhằm đón các học sinh trở lại trường sớm nhất.

Trường TH và THCS Đại Dực 1, gồm một trường chính và điểm trường lẻ Khe Ngàn cách nhau 4km. Toàn trường có 273 học sinh ở 2 cấp và 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Học sinh chủ yếu là người Sán Chỉ.

Thầy Lê Đức Trọng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những ngày qua các thầy, cô giáo đã khẩn trương dọn dẹp trường học và đến nay học sinh đi học trở lại. Hiện tại nhà trường chưa tổ chức ăn bán trú do chưa có điện, nước.

Một số học sinh cấp THCS Đại Dực 1 vẫn nghỉ học vì gia đình có đồi keo, đồi quế bị thiệt hại nhiều nên các em ở nhà giúp bố mẹ. Các gia đình tranh thủ cây còn đang tươi, huy động nhân lực lên để bóc vỏ quế đem bán và bóc vỏ keo hoặc cắt cành, vớt vát được tý nào hay tý đó. Do đặc thù trên vùng cao nên nhà trường cũng tạo điều kiện để các em giúp gia đình.

“Các em được trở lại trường sớm là điều rất đáng mừng. Tôi rất cảm động trước tinh thần vì học sinh thân yêu của tập thể thầy, cô giáo. Các thầy cô đã không ngại vất vả, xa xôi để vào trường dọn dẹp, khắc phục hậu quả do bão gây ra”, thầy Trọng chia sẻ và cho hay, ngày 7/9 khi bão đổ bộ vào đã làm cây xanh đổ gãy, tốc mái tôn… Sau đó lại có mưa to kéo dài gây sạt lở, lũ đổ về làm bùn đất tràn vào trường. Riêng nhà ăn bán trú bị đất trên đồi sạt lở vào gây thiệt hại nặng.

thay co vuot lu vao truong khac phuc hau qua (7).jpg
Nước lũ tràn vào điểm trường Hà Tràng Đông (Trường Mầm non Đông Hải). Ảnh: Đ.V
thay co vuot lu vao truong khac phuc hau qua (3).jpg
thay co vuot lu vao truong khac phuc hau qua (5).jpg
thay co vuot lu vao truong khac phuc hau qua (4).jpg
Thầy, cô giáo Trường TH và THCS Đại Dực 1 dọn bùn đất sau bão, lũ. Ảnh: Đ.T

Do đặc thù là huyện miền núi nên cứ mưa dài ngày là có hiện tượng ngập lụt xảy ra, nhưng chưa bao giờ gây thiệt hại lớn như lần này, vì vừa bị ảnh hưởng của bão vừa ảnh hưởng của lũ. Sáng 8/9, thầy Trọng cùng các thầy, cô giáo đi bằng xe máy từ trung tâm huyện vào trường khoảng 25km để dọn dẹp, song các ngả đường cây gãy đổ la liệt, sạt lở đất đá nghiêm trọng. Thầy cô phải để xe máy lại và đi bộ suốt quãng đường dài qua những chỗ sạt lở, đập tràn để vào trường.

“Lúc đó mưa rất to, nhiều chỗ đập tràn bị ngập, nước chảy xiết, chúng tôi phải nắm tay nhau tạo thành hàng để cùng đi. Khi vào đến trường nhìn cảnh tượng như vậy chúng tôi rất xót. Nhân cơ hội lúc trời vẫn mưa và nước vẫn còn trong trường, các thầy cô đã kết hợp để kéo bùn đất ra”, thầy Trọng nói.

Theo thầy Trọng, nhiều thầy cô ở lại trường buổi tối để sáng hôm sau tiếp tục dọn dẹp. Đấy là hình ảnh, tinh thần rất cao. Các thầy cô cũng tỏa đi các nhà học sinh để thống kê thiệt hại của các em. Sau đó kêu gọi mọi người ủng hộ, người thì cho sách, người cho quần áo để các em khắc phục ngay thời điểm đó.

“Tôi thật sự rất cảm động tinh thần của các thầy cô hết lòng vì học sinh. Các thầy cô quên cả tính mạng của mình, vượt núi băng rừng như vậy để vào được trường và đến được nhà các học sinh. Nhiều nhà của thầy cô bị ảnh hưởng do bão lũ, nước ngập ngang nhà chưa dọn xong nhưng đã đến trường để dọn trường, nắm bắt tình hình học sinh”, thầy Trọng xúc động.

thay co vuot lu vao truong khac phuc hau qua (9).jpg
thay co vuot lu vao truong khac phuc hau qua (1).jpg
Các cô giáo và phụ huynh dọn bùn đất tại điểm trường Hà Tràng Đông. Ảnh: Đ.V

Nhiều giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng

Trường Mầm non Đông Hải, xã Đông Hải (huyện Tiên Yên) với 4 điểm trường đều bị ảnh hưởng của bão số 3 làm gãy đổ đồ chơi ngoài sân trường, đổ mái vòm, bay mái tôn. Ngày 9/9, do lũ về đột ngột nên điểm trường Hà Tràng Đông bị ngập sâu 1 mét nên bị hư hại một số đồ dùng, nhà bếp bị hỏng tủ lạnh, loa và đổ tường bao. Sau khi nước rút, nhà trường đã huy động toàn bộ các giáo viên cùng với các phụ huynh dọn dẹp trường học.

Cô giáo Đào Thị Viền - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, 100% giáo viên của trường là người địa phương. Sau bão nhà trường đã huy động các cô đến để nạo vét bùn, cắt tỉa cây xanh. Những ngày sau đó tiếp tục tổng vệ sinh. Khi đảm bảo vệ sinh môi trường, nhà trường vận động phụ huynh cho con đến trường. Do chưa có điện nên nhà trường đã kết hợp với phụ huynh trang bị mỗi điểm trường 3 máy nổ để phục vụ việc học tập.

Để giảm thiệt hại do bão số 3, cô Viền cho biết, nhà trường đã chủ động chằng chống gia cố tài sản trước khi bão đổ bộ.

“Trong sáng 7/9, chúng tôi trực ở trường, khi đến 8 giờ trời mưa và gió to nên tôi đã thông báo cho tất cả mọi người di chuyển về nơi an toàn. Chưa bao giờ tôi thấy một cơn bão nào to như thế này. Khi tôi ở trong nhà mà cảm thấy còn bị rung lắc. Có những cơn gió nhìn qua khe cửa mà cây còn đổ dạt xuống, sức gió rất mạnh kèm tiếng hú khiến chúng tôi rất sợ. Còn trận lũ tôi cũng chưa bao giờ từng thấy. Nhiều người dân họ nói, đến nay 60 năm nhưng cũng chưa từng thấy trận lũ nào lớn đến vậy”, cô Viền nói.

Theo cô Viền, nhà trường có 47 cán bộ giáo viên thì có hơn 20 giáo viên gia đình bị tốc mái, bị ngập lụt, trôi tài sản. Trong đó có 3 gia đình giáo viên bị nặng nhất, do có tài sản nuôi trồng thủy sản trên biển bị thiệt hại nhiều nhất lên đến 4 tỷ đồng.

“Khi nước rút, chúng tôi huy động giáo viên đến nhà những đồng nghiệp bị ảnh hưởng để hỗ trợ dọn dẹp, tổng vệ sinh. Nhà trường cũng huy động được 18 triệu đồng để động viên tinh thần các thầy cô”, cô Viền nói. Đối với các em học sinh, nhà trường đã kêu gọi nhà tài trợ và tặng mỗi cháu 500 nghìn đồng. Nhà trường cũng dùng quỹ để tặng quà Trung thu, mỗi cháu 500 nghìn đồng kèm một gói bánh.

Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, toàn tỉnh có 631 trường học từ mầm non đến phổ thông. Theo thống kê ban đầu, có khoảng 80% trường học bị ảnh hưởng trực tiếp do bão. Trong đó, cấp THPT có 38/60 trường học bị thiệt hại với tổng số 220 phòng học và phòng chức năng. Ở cấp huyện quản lý có 234/571 trường học bị thiệt hại với tổng số 890 phòng chức năng, phòng học. Không có trường, lớp học bị sập đổ, hầu hết chỉ bị tốc mái tôn, vỡ cửa kính, gãy đổ lan can, rơi téc nước, gãy đổ cây xanh...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ