Muôn vàn khó khăn
Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Hà Lâu (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên) có 445 học sinh, trong đó có 139 học sinh THCS, còn lại tiểu học. Cô Nguyễn Thị Kim Xuyên - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: Trường miền núi, 97% học sinh là người đồng bào dân tộc, còn lại là người Kinh, các em theo bố mẹ lên làm kinh tế.
Trường có 3 điểm lẻ và một điểm trung tâm. Nhiều năm gần đây, nhà trường được quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Đặc biệt, những điểm trường lẻ cách trung tâm xã 9 km cũng được tu sửa phòng học, cải tạo khuôn viên đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Theo cô Xuyên, Hà Lâu là xã thuần nông của huyện Tiên Yên. Điều kiện dân cư còn nhiều khó khăn, người dân không thể quan tâm chu đáo đến việc học hành của con em. Vì vậy, ngoài việc dạy học, các thầy, cô giáo thường xuyên vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ quần áo, sách vở cho trò.
Thầy trò Trường Tiểu học và THCS Đại Rực 2, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TG |
Thực hiện Chương trình GDPT 2018, dù thời gian đầu thiết bị dạy học về muộn nhưng thuận lợi của chương trình là có nhiều học liệu điện tử. Vì thế, thầy cô linh động ứng dụng công nghệ thông tin giảng dạy, bảo đảm chất lượng đề ra. Tuy nhiên, nhà trường đang thiếu khu vui chơi, bãi tập cho trẻ nên thực hiện các hoạt động giáo dục trong chương trình còn hạn chế. Vì thế, qua rà soát, nhà trường đã lập tờ trình báo cáo phòng GD&ĐT kêu gọi các đơn vị hỗ trợ.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng nhiều năm gần đây, Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Hà Lâu đều có học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Năm học vừa qua, dù ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng nhà trường cũng có 2 học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Địa lý.
Tương tự, Trường Tiểu học và THCS Đại Rực 2, huyện Tiên Yên trú trên địa bàn xã còn nhiều khó khăn, mới thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn từ năm 2017. Đa phần học sinh đều là con em đồng bào, phụ huynh làm nông lâm nghiệp nên không dễ đáp ứng các điều kiện học tập của con em mình.
Dù được các cấp quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục, đặc biệt ưu tiên cho các lớp 1, 2 và lớp 6 thực hiện Chương trình GDPT 2018 nhưng so với các trường khu vực trung tâm, nhà trường còn nhiều thiếu thốn. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Minh, trường còn thiếu phòng Nghệ thuật, sân chơi bãi tập chưa bảo đảm, bếp ăn bán trú xuống cấp cần được đầu tư sửa chữa.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TG |
Trường Tiểu học và THCS Bản Sen, huyện Vân Đồn tuy là trường xã đảo khó khăn nhưng cơ sở vật chất được quan tâm, đầu tư nên khá khang trang, sạch đẹp.
Tuy nhiên, từ khi xã Bản Sen thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn cũng là lúc bếp ăn bán trú vắng học trò. Theo cô Nguyễn Thị Giang Hậu - Hiệu trưởng nhà trường, bếp ăn khang trang nhưng phải để trống. Bởi sau khi thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, học sinh không được trợ cấp tiền ăn, phụ huynh làm ngư nghiệp thu nhập không ổn định nên không đăng ký cho con ăn bán trú.
Ngoài ra, dù cơ sở vật chất phục vụ cho các lớp học được đầu tư nhưng nhiều lớp bàn ghế học sinh đã xuống cấp chưa được thay. Nhà trường đã báo cáo phòng ban xin sớm được đầu tư phục vụ cho năm học mới.
Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học và THCS Đại Rực 2, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. |
Tất cả vì trò
Cô Trần Thị Thu Hường - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đại Rực có 7 năm dạy lớp 1, trong đó 2 năm dạy chương trình mới. Theo chia sẻ của cô Hường, Chương trình GDPT 2018 có nhiều cái hay, đặc biệt là học liệu điện tử. Các cô dùng phần mềm và các học liệu điện tử nên một số khó khăn về phương tiện được khắc phục.
Tuy nhiên, học sinh vùng cao còn dè dặt. Có phụ huynh không biết chữ nên việc phối hợp cùng thầy cô kèm cặp trẻ vô cùng khó khăn. Vì thế, cô Hường luôn tranh thủ mọi thời gian trống để quan tâm, giúp các em tiến bộ từng ngày.
Để trò hào hứng đến lớp và chăm chú học, cô Hường tự tay làm các bảng phụ kẻ ô ly, làm các thẻ chữ, hình ảnh con vật có viết phần vần cho học sinh tương tác hiệu quả.
Khó khăn nhất với thầy, cô giáo ở Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Hà Lâu là quãng đường di chuyển từ nhà tới trường. Đa phần thầy cô không phải người địa phương, để đến trường họ phải băng qua đường đồi núi đến 30 km, thậm chí 50 km khi dạy ở điểm trường lẻ. Ngày nắng còn đỡ vất vả. Trời mưa, nhiều thầy cô đến trường trong bộ đồ lấm lem bùn đất. Ngã xe, trầy xước chân tay là chuyện thường ngày với giáo viên nơi đây.
Cô Vương Thị Thanh Nhung - giáo viên nhà trường - chia sẻ: Vì tình yêu thương trẻ và yêu nghề dù phải đi dạy học “nghĩa vụ” xa nhà đến vài chục cây số cô và các đồng nghiệp vẫn sẵn sàng. Công tác tại trường từ năm 2017, năm nào cô Nhung cũng có học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Ngoài giờ dạy, cô tranh thủ ôn đội tuyển. Thậm chí cuối tuần còn xin phép phụ huynh chở trò về nhà để vừa chăm sóc con cái, vừa ôn tập cho trò.
Cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đã 17 năm, điều mà cô Nhung và nhiều giáo viên khác trăn trở đó là đồng lương giáo viên miền núi còn eo hẹp, đời sống gặp nhiều khó khăn. “Ngày trước chưa cắt phụ cấp thu hút, lương giáo viên dạy Địa lý THCS như tôi cũng tạm ổn. Nhưng từ ngày thay đổi chính sách, xã Hà Lâu không thuộc diện đặc biệt khó khăn thì trợ cấp thu hút của giáo viên bị cắt”, cô Nhung băn khoăn.