Thầy cô vùng cao nỗ lực giúp học sinh xét tuyển trường phù hợp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thầy cô lại tất bật cho nhiệm vụ mới là hỗ trợ, hướng dẫn học sinh đăng ký xét tuyển cao đẳng, đại học. Vượt qua nhiều khó khăn, thầy cô vùng cao Lai Châu luôn nỗ lực để giúp học sinh xét tuyển vào trường phù hợp với năng lực và hoàn cảnh.

Cô Bùi Thị Thanh Huyền hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển. Ảnh: TG
Cô Bùi Thị Thanh Huyền hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển. Ảnh: TG

“Quên” ăn giúp trò nhập dữ liệu

Nhà cô Bùi Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường Phổ thông DTNT Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu) ở ngay cạnh trường. Trong ngày đầu tiên các trường cao đẳng, đại học “mở cửa” tuyển sinh, cô đã đón những “vị khách đặc biệt” ghé thăm. Đó là những học sinh của trường nơi cô giảng dạy. Các em đến để nhờ cô hỗ trợ việc đăng ký xét tuyển.

Mặc dù, xuất phát đến trường từ sáng sớm nhưng với khoảng cách gần 80km, phải đến giữa trưa (ngày 22/7), em Sùng A Hừ, ở bản Tà Tổng, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè mới có mặt tại nhà cô Huyền.

Sùng A Hừ kể: “Em lên trường để lấy học bạ và cũng để nhờ thầy cô giúp đăng ký dự tuyển vào trường đại học. Vì nhà em ở xa, mạng Internet lại yếu nên khi thầy cô gửi video hướng dẫn em không xem được. Em cũng quên mất tài khoản nên đến nhờ cô Huyền cấp lại”.

“Ngay trong ngày đầu các trường đại học tuyển sinh, đã có 3 học sinh đến nhà để nhờ tôi giúp đỡ. Do các em ở xa nên lúc đến nhà tôi cũng đã quá trưa. Thế là cô trò lại cặm cụi nhập liệu, nhập minh chứng để các em đăng ký xét tuyển”, cô Huyền kể.

Cô Nguyễn Thị Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT Ka Lăng - cho biết: “Năm nay, toàn trường có 127 thí sinh tham dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, có 96 em đăng ký xét tuyển cao đẳng và đại học. Nhà trường đã thành lập tổ tư vấn tuyển sinh để hỗ trợ, giúp đỡ những học sinh gặp khó trong quá trình đăng ký xét tuyển”.

Là giáo viên dạy Tin học, cô Huyền được chọn vào tổ tư vấn tuyển sinh, hỗ trợ các em những vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin. Mặc dù vậy, nhiệm vụ giúp đỡ học sinh vẫn còn đó những khó khăn.

Theo cô Huyền, nhà trường đóng chân trên địa bàn vùng khó, học sinh đa số đến từ các xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè. Nhiều em ở những nơi sóng điện thoại không thuận lợi, không thể xem video hướng dẫn mà tổ tư vấn tuyển sinh gửi qua nhóm Zalo.

“Vì là trường nội trú, các em ở xa đi về hết nên chúng tôi chỉ gửi video hướng dẫn qua số điện thoại học sinh hoặc nhóm Zalo của lớp. Tuy nhiên, do mạng Internet yếu, nhiều em không xem được video nên chưa biết cách nhập minh chứng. Đã có nhiều em chủ động liên hệ với thầy cô để nhờ giúp đỡ. Nếu như các em vẫn ở trường, chúng tôi có thể hướng dẫn tập trung như giảng dạy một tiết Tin học bình thường” – cô Huyền chia sẻ.

Theo hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2022 của Bộ GD&ĐT, thí sinh trên cả nước sẽ đăng ký nguyện vọng xét tuyển từ ngày 22/7, hạn cuối đến 17 giờ ngày 20/8. Trong khoảng thời gian nói trên, thí sinh có thể đồng thời đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn. Như vậy, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển của mỗi thí sinh cũng là không giới hạn.

Cô Huyền chia sẻ: “Nhờ điểm đổi mới này mà số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển cao đẳng, đại học của trường nay đã tăng thêm 2 học sinh. Sau ngày đầu tiên đăng ký, toàn trường đã có 47/98 học sinh nhập được minh chứng lên hệ thống xét tuyển”.

Toàn tỉnh Lai Châu có trên 2.000 thí sinh đăng ký xét tuyển cao đẳng, đại học.

Toàn tỉnh Lai Châu có trên 2.000 thí sinh đăng ký xét tuyển cao đẳng, đại học.

Trở thành những tư vấn viên

Trường THPT huyện Sìn Hồ có 136 học sinh lớp 12. Trong đó, có khoảng 100 học sinh ở xa trường, điều kiện kinh tế, đi lại gặp nhiều khó khăn. Trường chỉ có 35 em đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Thầy Trần Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT huyện Sìn Hồ - chia sẻ: “Trường nằm trên địa bàn miền núi, hạ tầng Internet còn nhiều khó khăn và hạn chế đối với thí sinh. Do vậy, nhà trường đã thành lập tổ hỗ trợ tuyển sinh, phân công cán bộ giáo viên trực và giúp đỡ học sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng”.

Theo đó, tổ tư vấn tuyển sinh của Trường THPT Sìn Hồ có 8 thầy cô, gồm: 4 giáo viên chủ nhiệm, 4 giáo viên hỗ trợ về tin học và tư vấn nguyện vọng. Ngay sáng 23/7, học sinh đã tập trung ở trường để thầy cô tư vấn, hướng dẫn.

Thầy Đinh Danh Toàn, thành viên tổ tư vấn, cho biết: “Trong quá trình tư vấn tuyển sinh, nhiều học sinh gặp khó khăn trong việc đăng ký nguyện vọng. Chúng tôi đã hướng dẫn, tư vấn tìm trường, chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của các em. Khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, các em có thể thay đổi nguyện vọng phù hợp với năng lực của bản thân và nhu cầu của xã hội”.

Mặc dù có hoàn cảnh khó khăn, nhưng em Tần Phàn Long, học sinh lớp 12A2, lại thích ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, khi theo học ngành này sẽ tốn nhiều học phí, bởi mỗi kỳ học lên đến 7,5 triệu đồng. Thầy cô đã tư vấn cho em chọn trường, chọn nghề phù hợp với năng lực kinh tế của gia đình.

“Tôi tư vấn cho em các trường sư phạm, vì sẽ không mất học phí. Nhưng lựa chọn cuối cùng vẫn là ở các em. Nếu cảm thấy vẫn thích và mong muốn theo đuổi ngành đã chọn, tôi tư vấn cho các em có thể vừa học vừa làm. Khi đó, các em có thể giảm bớt được gánh nặng về kinh tế cho gia đình”, thầy Toàn chia sẻ.

Em Tần Phàn Long chia sẻ: “Em rất vui khi được thầy cô tư vấn tìm trường và chọn nghề. Em sẽ cân nhắc chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và hoàn cảnh kinh tế của gia đình bởi thời gian em có thể thay đổi nguyện vọng còn gần 1 tháng nữa”.

Năm học này Trường THPT huyện Mường Tè có 147 học sinh. Điều đặc biệt là cả 147 em đều đăng ký xét tuyển cao đẳng và đại học.

Theo thầy Ma Văn Kiểm - Phó Hiệu trưởng nhà trường, ngay từ khi học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, nhà trường đã tư vấn cho các em cơ hội chọn ngành nghề phù hợp khi có thể tự do thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi.

“Nhà trường đã thành lập ngay tổ tư vấn tuyển sinh gồm 4 giáo viên chủ nhiệm và 3 thầy được Sở GD&ĐT tập huấn. Tổ tư vấn có trách nhiệm giúp đỡ học sinh khi gặp phải khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký trực tuyến. Đồng thời, tư vấn nguyện vọng để các em có thể chọn đúng ngành nghề phù hợp”, thầy Kiểm cho biết thêm.

Là giáo viên phụ trách phần tổ tư vấn tuyển sinh, thầy Phạm Duy Hải, giáo viên Trường THPT Mường Tè, chia sẻ: “Chúng tôi đã tư vấn cho toàn bộ học sinh đăng ký xét tuyển cao đẳng, đại học. Rất có thể, sau khi biết điểm thi, những em được điểm cao lại muốn theo học hoặc gia đình định hướng cho đi học chuyên nghiệp. Bởi nếu năm nay không đăng ký thì năm sau, lúc các em thay đổi ý định lại không còn cơ hội”.

Cũng theo thầy Toàn, sau khi các trường đại học “mở cửa” tuyển sinh, nhà trường đã thông tin tới học sinh thông qua số điện thoại và nhóm Zalo. Hiện, đơn vị đã chuẩn bị sẵn hệ thống máy tính để hỗ trợ các em tra cứu điểm thi và đăng ký xét tuyển đại học đối với những học sinh có nhu cầu.

Tỉnh Lai Châu có 3.676 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp. Trong đó, có 1.988 thí sinh xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học; 176 thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Lai Châu, việc thí sinh đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp có thể dẫn đến thay đổi số lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh cao đẳng, đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ