Thầy cô ơi, chúng em nhớ trường rồi!

GD&TĐ - Thầy, cô giáo vùng cao Yên Bái thường nói vui rằng, mùa Hè là mùa leo rừng, vượt núi, đi đến bản làng vùng sâu, vùng xa vận động trẻ đến trường.

Niềm vui của các em học sinh khi gặp lại thầy, cô giáo.
Niềm vui của các em học sinh khi gặp lại thầy, cô giáo.

Dù có những chặng đường đầy gian khó, nhưng đối với các thầy, cô giáo nơi đây, khát khao đến lớp của học trò là động lực lớn để họ thêm cố gắng.

Mùa tìm trẻ đến trường

Gần 20 năm bám bản nuôi dạy trẻ vùng cao ở Trường Tiểu học và THCS La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, đều đặn mỗi ngày, cô giáo Đỗ Thị Loan vượt 5km đường mòn dốc hun hút đến điểm trường.

Dịp nghỉ hè, cô Loan lại men theo đường rừng núi đến nhà học trò để vận động phụ huynh cho học sinh quay lại trường đúng lịch. Mặc dù, nhà trường và các cô giáo đã phải tuyên truyền cho các em ra năm học mới bằng nhiều hình thức, kể cả thông báo trên loa nhưng năm học trước, đến ngày khai giảng nhiều phụ huynh vẫn quên không đưa con đến lớp…

Cô Loan tâm sự, đôi lúc cũng thoáng có sự nhụt chí, nhưng đến ngày khai giảng thấy những ánh mắt thơ ngây của các em nhỏ người Mông tôi lại có nguồn động viên và thôi thúc cố gắng nhiều hơn.

Cũng tại Mù Cang Chải, Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Nậm Có là một trường khó khăn nhất nhì của huyện bởi nhiều điểm trường lẻ, cách xa trung tâm xã lại không có điện, không sóng điện thoại... Từ năm 2015, khi nhận công tác tại đây, cô giáo Cứ Thị Pàng Dinh quá quen với việc cứ nghỉ hè là đi từng bản làng vận động trẻ đến trường. Để các em đi học, cô Dinh cùng đồng nghiệp phải tự tay lo thủ tục giấy tờ cho các em nhập học.

“Thậm chí, nhiều gia đình ở đây giấy tờ thiếu đủ thứ như chưa có giấy đăng ký kết hôn, chưa có sổ hộ khẩu hay giấy khai sinh cho con. Gặp những trường hợp đó, mình lại phải vận động họ và đưa xuống xã để làm thủ tục, giấy tờ luôn” - cô Dinh chia sẻ.

Còn ở Phúc Sơn - xã khó khăn nhất của thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, cô giáo Nguyễn Thị Thiện cùng nhà trường gặp hết khó khăn này đến vướng mắc khác trong công tác tuyển sinh trên vùng rẻo cao này.

“Phụ huynh của các em hầu hết đi làm ăn ở xa. Các con gửi cho ông, bà nhưng họ hầu hết không biết chữ nên việc vận động con trẻ đủ tuổi đến trường gặp rất nhiều trở ngại. Chưa kể, dân cư ở đây thưa thớt, đường đi khó khăn. Nhiều nhà không thể đi xe máy vào mà phải đi bộ 3 - 4km đường đồi núi. Một số hộ dân ở ven suối nên chúng tôi phải lội qua suối mới đến được nhà. Có khi đến nhà rồi chờ đến tối muộn còn chưa thấy phụ huynh về”, nữ giáo viên Trường Mầm non Phúc Sơn nói.

thay co oi chung em nho truong roi (5).jpg
Sự háo hức và mong đợi ngày tựu trường của học sinh vùng cao.

Câu chuyện thầy, cô giáo đi “gom” học trò ngày hè còn diễn ra ở nhiều xã vùng cao của huyện nghèo Trạm Tấu. Do học sinh nơi đây thuộc các dân tộc thiểu số, lại ở tuổi mới lớn, ham chơi nên cứ sau hè lại ở nhà hoặc theo bố mẹ lên nương rẫy.

“Niềm vui lớn nhất của thầy cô là các em tới trường đầy đủ, chăm học. Khi có việc cần nghỉ học các em đã hình thành ý thức phải xin phép thầy, cô và sau đó cũng quay lại trường học, không bỏ học như trước” - thầy Lê Quốc Toản (Trường Phổ thông DTBT TH và THCS Làng Nhì) bày tỏ.

“Có những hôm chúng tôi đi bộ vượt rừng vào bản làng xa xôi vận động con trẻ đến trường, đến rộp cả bàn chân mà không gặp phụ huynh, tủi thân đến bật khóc. Nhưng rồi hình ảnh các em học sinh còn nhiều thiếu thốn, mình có thêm quyết tâm, cố gắng bằng mọi cách phải gieo con chữ, ươm mầm xanh để các con có tương lai tốt hơn”, cô Nguyễn Thị Hưng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phúc Sơn (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) tâm sự.

thay co oi chung em nho truong roi (1).jpg
Mỗi khi trả phép, các thầy cô lại có một mùa tìm trẻ đến trường nhiều vất vả.

“Cô ơi bao giờ chúng em được đến lớp”?

Tháng 8, tháng cuối cùng của dịp hè, các em nghỉ học ở nhà cùng cha mẹ của mình, thì từng nhóm thầy, cô giáo của Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải) đã đến từng nhà trong bản để thực hiện công tác phổ cập giáo dục.

Đến mỗi gia đình các em học sinh đều vui mừng chạy đến đón thầy cô. Những nụ cười hồn nhiên trên khuôn mặt của học trò thân yêu làm cho nhiều thầy, cô giáo ứa nước mắt, xúc động.

“Nhiều em nhanh nhảu: Thầy cô ơi nhà em ở gần đây thôi, em mời thầy cô vào nhà em đi ạ! Cô ơi bao giờ chúng em được tới lớp? Thầy cô ơi chúng em nhớ trường rồi! Thầy cô ơi em thích được ăn cơm cùng các bạn ở lớp bán trú...”, cô giáo Nguyễn Hiền xúc động kể.

Những lời nói của học sinh làm cho các thầy, cô cảm thấy ấm lòng dù biết con đường đến trường của các em vào những ngày mưa gió vất vả nhưng các em vẫn muốn đến với ngôi nhà hạnh phúc lớn của mình. Các em vui vì được cùng bạn bè chinh phục những kiến thức mới giúp các em có được hành trang vững chắc khi bước vào những cấp học cao hơn dần trở thành công dân có ích cho đất nước, đưa vùng cao tiến kịp với miền xuôi.

“Trước tình cảm của học trò, chúng tôi thấy thật ấm lòng, vững tin và hạnh phúc với nghề mình đã chọn, với nhiệm vụ được giao, với nơi mình đang công tác - Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Khắt”, cô Nguyễn Hiền bày tỏ.

Thầy giáo Hoàng Long Giang - Hiệu trưởng Trường Mầm Non Kim Nọi (huyện Mù Cang Chải) phấn khởi cho biết: Được sự quan tâm của UBND huyện, Phòng GD&ĐT Mù Cang Chải điểm trường La Phu Khơ thuộc Trường Mầm non Kim Nọi được ngân hàng Vietcombank hỗ trợ đầu tư xây dựng khối phòng học trị giá 2,5 tỷ đồng từ tháng 3/2024 đến nay đã hoàn thiện.

“Chúng tôi rất phấn khởi, năm nay có ngôi trường khang trang để các cháu được vui chơi học tập, đủ ấm vào mùa Đông và mát mẻ vào mùa Hè. Đây cũng là động lực, là sự tuyên truyền rất tốt để các bậc phụ huynh ở La Phu Khơ quan tâm hơn tới việc cho con em mình ra lớp”, thầy Giang tâm sự.

Đối với các thầy, cô giáo vùng cao Yên Bái, những hân hoan, đam mê của học trò vùng khó trên con đường chinh phục tri thức cũng là niềm hạnh phúc của họ mỗi khi bước vào năm học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.