Bám bản 'gieo mầm' tương lai

GD&TĐ - “Muốn bám trụ ở bản vùng cao thì bên cạnh tình yêu nghề, thầy cô còn phải được bà con quý mến, đùm bọc…"

Một giờ học của thầy Quàng Văn Pọm và học sinh lớp ghép tại điểm bản Huổi Anh.
Một giờ học của thầy Quàng Văn Pọm và học sinh lớp ghép tại điểm bản Huổi Anh.

Trên đây là chia sẻ của cô Trần Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tủa Thàng số 2, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) tâm sự.

Ngày lên lớp, tối làm dân bản

Sau khi học sinh cuối cùng rời lớp, trở về nhà, thầy giáo Quàng Văn Pọm, Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Tênh Phông, huyện Tuần Giáo vội vàng thay trang phục. Như một nông dân thực thụ, thầy cặm cụi chăm vườn rau nhỏ. “Đây là nguồn vui, song cũng là cách để cải thiện bữa ăn cho thầy trò chúng tôi tại điểm trường”, thầy Pọm nói.

Năm học này, thầy phụ trách tại điểm bản Huổi Anh với 10 học sinh lớp ghép 1 + 2. Mặc dù chỉ cách trung tâm hơn 10km, song với nhiều lý do nên phần lớn thời gian trong năm học thầy Pọm ở lại điểm bản. “Trên này là vùng cao, mưa gió đi lại rất nguy hiểm nên những ngày mưa tôi sẽ ngủ lại bản. Vừa rồi, gần kết thúc năm học, tôi muốn có thêm thời gian củng cố lại kiến thức cho các em nên không về”, thầy Pọm tâm sự.

Tại điểm bản, thầy được bố trí 1 phòng công vụ. Thời gian rảnh thầy thường đến từng nhà học sinh. Vừa để tìm hiểu đời sống, thăm hỏi, trò chuyện và đây cũng là cách để hòa nhập với cuộc sống bà con. “Thường xuyên xuống bản giúp tôi hiểu hơn về phong tục, tập quán, đời sống bà con. Hơn nữa, mỗi lần như vậy mà thấy bà con làm gì tôi cũng hỗ trợ và làm theo. Nhờ vậy, bà con càng tin tưởng, quý mến. Khi thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong công tác vận động học sinh ra lớp thuận lợi hơn rất nhiều”, thầy Pọm chia sẻ.

Cũng như thầy Pọm, hơn 10 năm trở thành giáo viên, thầy Lò Văn Thoàn, Trường PTDTBT Tiểu học Trung Thu (huyện Tủa Chùa) đã đi hết các điểm bản trong xã. Không chỉ thuộc từng cung đường lên bản, mỗi gia đình có con em học tại đây đều được thầy ghé thăm, giúp đỡ. “Mới đầu thì bà con còn e ngại, sau thì quen, rồi có nhà còn xem như người thân. Lâu lâu không thấy lại gọi điện hỏi thăm”, thầy Thoàn bộc bạch.

Lối dẫn lên căn nhà của thầy giáo Đàm Anh Tuân, Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Tênh Phông.

Lối dẫn lên căn nhà của thầy giáo Đàm Anh Tuân, Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Tênh Phông.

Năm học này, thầy phụ trách điểm Trung Vàng Khổ. Đây là thôn khó khăn và cách xa trung tâm nhất (12km). Trong đó, 1/3 chặng là đường dân sinh, hẹp và trơn trượt. Vì thế, trong suốt 1 năm phụ trách vừa qua, già nửa thời gian thầy phải ở lại bản. Đặc biệt, mùa mưa rừng ở đây kéo dài tới tận tháng 10, 11. Cộng thêm việc chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại chập chờn nên Trung Vàng Khổ gần như biệt lập với bên ngoài. Vì năm học trước, thầy Thoàn phụ trách lớp 1 nên năm nay tiếp tục được giao dạy đuổi lên lớp 2, với 19 học sinh.

“Thôn có gần 150 hộ, 100% là đồng bào Mông. Bà con sống rải rác nên khoảng cách giữa các nhà khá xa. Một ngày không thể đi hết được. Nhưng một năm vừa rồi đủ để tôi nắm rõ vị trí mỗi nhà, hoàn cảnh từng học sinh”, thầy Thoàn nói.

Thấu hiểu sự thiệt thòi ấy, thầy cố gắng san sẻ với bọn trẻ, từ miếng thịt trong bữa cơm, đến quyển vở, cái bút. Thầy muốn, trước khi học chữ thì ở giữa vùng khó này, bữa cơm đầy đủ thịt, cá, rau xanh và những trò chơi, món quà hấp dẫn sẽ kéo bọn trẻ ham tới lớp hơn.

Sự gần gũi, gắn bó và tình yêu thương dành cho bọn trẻ của thầy Thoàn cũng như nhiều giáo viên khác ở đây đều được bà con thấu hiểu. Bởi vậy nên theo Trưởng bản Sùng A Sang tâm sự thì người dân rất coi trọng và xem thầy cô như người thân trong gia đình. “Bà con chẳng có gì, nhưng hễ trồng được quả bí, cây rau thì đều muốn bớt lại mang lên cho giáo viên. Thầy cô đón nhận là chúng tôi vui rồi!”, ông Sang nói.

Cô giáo Giàng Thị Sú, Trường Mầm non Sính Phình cùng học sinh tại điểm bản Phiêng Páng.

Cô giáo Giàng Thị Sú, Trường Mầm non Sính Phình cùng học sinh tại điểm bản Phiêng Páng.

Ấm áp nghĩa tình

Kết thúc mỗi giờ dạy, thầy giáo Đàm Anh Tuân, Trường PTDTBT Tiểu học THCS Tênh Phông, huyện Tuần Giáo lại hồ hởi trở về tổ ấm của mình, căn nhà vỏn vẹn 35m2, dựng hoàn toàn bằng khung gỗ và lợp tấm pro xi măng. Đây là nơi thầy sinh sống cùng vợ (nhân viên nấu ăn cùng trường) và cô con gái út tròn 3 tuổi.

Ngôi nhà nằm ngay trên quả đồi nhỏ, phía sau lưng trường học. Con đường dẫn lên là những bậc tam cấp, được xếp hoàn toàn bằng những phiến đá xám. Bao bọc xung quanh là hoa tầm xuân. Do thời tiết thường xuyên mát mẻ, mây mù phủ kín nên hoa nở quanh năm.

Thầy Tuân luôn nhắc đến tổ ấm của mình một cách đầy tự hào. Không phải bởi vẻ đẹp nên thơ và dung dị, mà theo thầy chia sẻ đây là “món quà” đầy ý nghĩa của bà con địa phương ưu ái dành tặng. Thầy Tuân quê ở Thái Bình. Năm 2007, thầy một mình tìm đường lên Điện Biên xin việc.

Ngày ấy, người có chuyên môn về Tin học còn rất ít nên thầy nhanh chóng được tiếp nhận và phân công về giảng dạy tại Trường THCS Tênh Phông (Đến năm 2020, trường được sáp nhập liên cấp Tiểu học và THCS). Sau 1 năm công tác, chị Nguyễn Thị Huế - vợ thầy Tuân cũng lên theo.

“Thời gian đầu, vợ chồng tôi hết sức khó khăn. Lương thấp, lại chưa có nhà nên cuộc sống tạm bợ. Nhất là khi sinh con đầu lòng. Bà nội lên chăm cháu một thời gian không chịu được đã bỏ về. Hơn một năm sau tôi cũng cho con về quê cùng ông bà để có điều kiện ăn, ở, sinh hoạt tốt hơn”, chị Huế nhớ lại.

Thầy Mai Xuân Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm 2010, một người dân địa phương đã cắt ra một phần đất của gia đình cho thầy Tuân mượn để làm nhà riêng. Bà con không lấy bất cứ chút kinh phí nào, đồng thời cam kết sẽ không đòi lại nếu vợ chồng thầy không rời đi.

Có đất, tập thể giáo viên trong trường và bà con ở bản cùng chung tay hỗ trợ. Người đi lấy gỗ, người góp sức… Chỉ trong hơn một tháng, căn nhà đã hoàn thành. Nhờ sự hỗ trợ này, vợ chồng thầy Tuân có thêm động lực xây dựng “tổ ấm”, xác định gắn bó lâu dài với Tênh Phông. Từ đó đến nay, thầy cô đã sinh thêm 1 bé gái.

“Nhà trường có tổng số 25 giáo viên. Hơn nửa trong số này đều là người dưới xuôi lên công tác. Thầy cô đều gắn bó và yêu nghề. Nhưng phải thừa nhận là một động lực rất lớn là từ sự tin tưởng, yêu mến và sẻ chia của bà con ở đây. Ngoài cho mượn đất, giúp sức dựng nhà, bà con còn rất nhiệt tình khi thầy cô, nhà trường cần sự hỗ trợ”, thầy Hà bộc bạch.

Vợ chồng thầy giáo Đàm Anh Tuân trong căn nhà được dựng lên nhờ sự hỗ trợ của bà con địa phương.

Vợ chồng thầy giáo Đàm Anh Tuân trong căn nhà được dựng lên nhờ sự hỗ trợ của bà con địa phương.

Cho cô… “mượn con”

Một tuần mới tại điểm bản của cô giáo Giàng Thị Sú, Trường Mầm non Sính Phình (huyện Tủa Chùa) bắt đầu bằng hành trình vượt gần 20km ngược núi. Vì trời không mưa, cô Sú xuất phát từ nhà lúc 5 giờ sáng. Sau hơn một giờ vật lộn trên con đường đất đỏ và đá hộc men sườn núi, cô Sú mới đến được điểm bản. Dãy nhà mới xây gồm 2 phòng học khang trang nổi bật giữa làn sương mờ bao phủ. Toàn bộ cơ sở vật chất này mới được một tổ chức từ thiện đầu tư xây dựng, bàn giao đầu năm 2023.

Cánh cổng được làm bằng tấm thép đan còn đóng, song rất đông học sinh đã đứng ngoài chờ sẵn. Vừa thấy cô giáo, bọn trẻ hối nhau ùa ra đón. Chúng khúc khích chia nhau túi kẹo cô Sú mang từ thị trấn vào. Sau màn chào hỏi ngắn gọn, cô giáo bắt tay vào công việc đầu ngày là vệ sinh cá nhân cho từng trẻ.

Điểm trường lẻ Phiêng Páng có tới 40 học sinh, với đủ các lứa tuổi và 100% là người Mông. Do thiếu giáo viên nghiêm trọng nên nhà trường không thể bố trí thêm người. Một mình cô Sú đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc, giảng dạy kiêm luôn cả việc “làm mẹ” của bọn trẻ. Cô tâm sự: Do nhà các em đa phần ở xa lớp, bố mẹ bận mải đi nương nên phần lớn thời gian trong ngày là ở với cô. Thời gian đầu mới nhận lớp, cô Sú đều đặn đi về mỗi ngày. Nhưng vì trẻ đông, mất nhiều thời gian chăm sóc, nhiều hôm phụ huynh đến đón muộn nên cô giáo cũng phải “đi sớm, về khuya”.

Phiêng Páng cách trung tâm gần 20km. Đường hoàn toàn bằng đất và đá hộc nên dù trời nắng, đi lại cũng hết sức khó khăn. Cách trở về giao thông cộng thêm việc chưa có sóng điện thoại khiến bản được xem như “ốc đảo”. Đặc biệt là vào những ngày mưa lớn, sương mù, không thể di chuyển nên cô Sú phải ở lại bản, có thời gian kép dài cả tháng.

Giữa chốn rừng xanh, cô Sú coi lớp học là nhà, bà con dân bản là người thân và học trò như con ruột. Để khỏa lấp “khoảng trống” về thời gian, tình cảm gia đình, cô lấy học sinh làm niềm vui mỗi ngày. “Không biết là tôi nương tựa các con, hay các con tựa vào tôi. Nhưng chắc chắn là không có tụi nhỏ, tôi sẽ cô đơn lắm!”, cô Sú bảo.

Bởi coi bọn trẻ như con nên cô dành mọi sự quan tâm, chăm sóc và tình thương cho chúng. Từ 5 giờ sáng dậy đun nước nóng để pha rửa mặt, tay chân cho bọn trẻ. Rồi chải tóc, chỉnh trang quần áo cho từng đứa… khiến hôm nào cô cũng “xoay như chong chóng”. Trưa đến, cả “căn nhà” náo nhiệt bởi tiếng bọn trẻ hò nhau ăn cơm, dọn bát…

“Cả ngày có học sinh thì vui rồi. Ai cũng bảo, tối đến là khoảng thời gian sợ nhất của cô giáo cắm bản. Nhưng ở đây tôi không cô đơn vì mỗi tối đều có ít nhất 3 - 5 con lên ngủ cùng. Bọn trẻ cứ ríu rít bên cạnh đòi tôi kể chuyện, đọc thơ… chẳng còn thời gian đâu mà buồn”, cô Sú bộc bạch.

Chia sẻ về thói quen này, cô Sú kể, trước kia, tại bản có cả điểm trường tiểu học nên lúc nào cũng có vài giáo viên ở cùng. Nhưng từ năm 2020, học sinh tiểu học được đưa hết về trung tâm, tại bản chỉ còn mầm non. Sau nhiều lần thấy cô giáo một mình cô đơn tại điểm trường, bà con đã quyết định thay nhau cho con lên ngủ cùng.

Nhờ những “đứa con mượn”, cô Sú dễ dàng vượt qua chuỗi ngày ròng rã cắm bản tưởng chừng đơn độc. Để rồi, khi mặt trời xuống núi, nơi điểm trường nhỏ nằm giữa thung sâu vẫn ríu rít, rộn vang tiếng cười. “Hôm nay cũng là một ngày như thế, tôi lại mượn con!” - cô Sú nói cùng niềm hạnh phúc hiện rõ trong ánh mắt rưng rưng dõi theo bọn trẻ…

Phụ huynh ở đây tâm lý lắm. Ngày nào đưa con đến lớp cũng hỏi cô giáo hôm nay có ở lại không. Hễ cô gật đầu là tối kiểu gì cũng có vài phụ huynh đưa con lên. Họ bảo cho cô mượn để đỡ buồn. Thường thì bà con chỉ cho trẻ mẫu giáo lớn lên vì ở lứa tuổi ấy các con đã tự giác, biết nền nếp, tôi không phải chăm sóc, dỗ dành nhiều, cô Sú trải lòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ