Thầy cô kiêm 'bảo mẫu'

GD&TĐ - Với nỗ lực chăm lo giáo dục con em đồng bào dân tộc, hệ thống các trường PT dân tộc nội trú, bán trú Lạng Sơn đạt nhiều kết quả ý nghĩa.

Các em học sinh trường PTDT bán trú xã Bắc La huyện Văn Lãng
Các em học sinh trường PTDT bán trú xã Bắc La huyện Văn Lãng

Kéo con em đồng bào dân tộc đến trường

Triển khai chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Lạng Sơn đã chỉ đạo các trường nội trú, bán trú tập trung đổi mới phương pháp, đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học; tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục thông qua trải nghiệm về văn hóa, phong tục tập quán, kỹ năng sống, hướng nghiệp.

Nắm bắt đặc thù học sinh con em đồng bào ở địa phương, thầy cô giáo ở các trường PT dân tộc nội trú, bán trú không chỉ dạy học mà còn thêm kiêm vai trò người chăm sóc, uốn nắn cho học trò.

b82ad3bc2850910ec841-2405.jpg
Thầy cô chăm lo từ giờ học đến bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh bán trú

Bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng Phòng GD&ĐT Cao Lộc trao đổi: Nhiều học sinh bán trú do nhà xa, cuối tuần vẫn ở lại trường, cho nên giáo viên cũng tự nguyện ở lại trông nom, chăm sóc và giúp các em ôn bài. Các thầy cô làm việc như vậy là không quản thời gian, công sức.

Chia sẻ về công việc, cô giáo Bế Minh Xuyến, Hiệu trưởng trường PT dân tộc bán trú Tiểu học xã Bắc La huyện Văn Lãng hào hứng kể: “Các thầy cô giáo ngoài giờ lên lớp lại trở thành như bố mẹ, bảo ban các em từ nói năng giao tiếp đến vệ sinh cá nhân, giữ an toàn, rồi lại cùng các em nhảy dây, kéo co, chơi chuyền… Mỗi phòng bán trú, chúng tôi còn bố trí nột thầy/cô ở cùng các em để yên tâm”.

Nhờ sự tận tâm của thầy cô, các em không còn rụt rè bỡ ngỡ, mà cảm thầy hòa đồng gắn kết với lớp với trường, hào hứng trong học tập, chủ động trong rèn luyện kĩ năng. Niềm vui của các em cũng chính là hạnh phúc của các thầy cô giáo.

Đối với hệ bán trú, chất lượng giáo dục của các trường đã có nhiều cải thiện. Học sinh được học tập trong môi trường ổn định, nhiều chế độ hỗ trợ, giúp tăng tỷ lệ chuyên cần và hạn chế tình trạng bỏ học.

Những năm qua, tỷ lệ học sinh Tiểu học hoàn thành cấp học luôn đạt 100%. Số học sinh Tiểu học học tiếp lên THCS đạt 94,5%. Không có hiện tượng học sinh bỏ học. Tỷ lệ học sinh THCS hoàn thành cấp học và tốt nghiệp THCS luôn đạt 100%.

93bb313ccad0738e2ac1-491.jpg
Niềm vui của các em học sinh bán trú

Với hệ nội trú, kết quả dạy học cũng rất tích cực so với các trường phổ thông cùng cấp học trên cùng địa bàn: Tỷ lệ học sinh xếp loại Tốt, Khá về học tập và rèn luyện đều cao hơn mức trung bình toàn tỉnh; mức Đạt chiếm tỉ lệ thấp hơn; không có học sinh xếp loại mức Chưa đạt về rèn luyện và học tập.

Số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS học lên cấp THPT các năm học đạt trên 99,4%. Số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT học Đại học, Cao đẳng các năm học đạt trên 74,9%. Đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy hiệu quả của việc duy trì học tập trong môi trường nội trú từ sớm.

Có thể thấy, hệ thống các trường bán trú đã huy động tối đa học sinh tiểu học, THCS là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đến trường, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; các trường nội trú góp phần đáng kể nâng cao tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được tiếp cận với bậc học cao hơn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc.

Chung tay vào cuộc

Lạng Sơn hiện có 11 trường PT dân tộc nội trú, 86 trường PT dân tộc bán trú, với mạng lưới phủ kín toàn bộ 11 huyện/thành, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh dân tộc tại các địa bàn khác nhau.

Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 4.146 học sinh học tại các trường nội trú, tỷ lệ học sinh dân tộc nội trú/học sinh dân tộc đạt 6,4%; có 16.569 học sinh tại các trường bán trú, với 9.955 em sinh hoạt tại trường, tỷ lệ học sinh bán trú /học sinh dân tộc đạt 8,7%.

fe907e6985853cdb6594-9107.jpg
Các cô giáo cùng học sinh tham gia trò chơi dân gian

Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ học tập và sinh hoạt mặc dù chưa đồng bộ, nhưng cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu trong công tác chăm sóc, giáo dục trên địa bàn. Địa phương đã chung tay trách nhiệm với ngành giáo dục, giúp các nhà trường khắc phục khó khăn, đảm bảo điều kiện học tập sinh hoạt cho con em đồng bào.

Thông qua Tiểu dự án 1 - Dự án 5.1 về củng cố phát triển các trường nội trú, bán trú, Lạng Sơn đã xây dựng, cải tạo, bổ sung 180 phòng học, 117 phòng học bộ môn, hơn 1200 thiết bị dạy học; 231 phòng ở, nhà vệ sinh, công trình nước sạch…

Tại xã Bắc La huyện Văn Lãng, cả hai trường bán trú cấp tiểu học và THCS đều có diện tích nhỏ hẹp, khu phòng ở và khu nấu ăn đều chưa đảm bảo. “Trước tình hình nhu cầu thực tế, Đảng ủy đã chỉ đạo ĐHND, UBND xã nghiên cứu, xây dựng quy hoạch mở rộng diện tích cho các nhà trường bán trú tại địa phương” - ông Luân Văn Khánh, Phó Bí thư Đảng ủy xã vui mừng thông tin.

2-2859.jpg
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đến thăm, động viên và khảo sát thực tế điều kiện trường PTDT bán trú xã Bắc La huyện Văn Lãng

Bà Nguyễn Thị Tám, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Lãng chia sẻ: “Ngành giáo dục chủ động báo cáo những khó khăn vướng mắc, tham mưu để địa phương chỉ đạo và hỗ trợ. HĐND, UBND huyện đã có các chính sách để bố trí kinh phí giải quyết việc đầu tư nâng cấp cơ sở trường lớp, chi trả hỗ trợ giáo viên phải dạy liên trường”.

Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết: Ngành đang tăng cường phối hợp UBND các huyện, các cơ quan liên quan, để đảm bảo quá trình nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất diễn ra đồng bộ và hiệu quả; xây dựng kế hoạch dài hạn về đầu tư cơ sở vật chất theo từng giai đoạn, đảm bảo các trường nội trú, bán trú có lộ trình phát triển bền vững và phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ