Năm học 2023-2024, tỉnh Lạng Sơn có 660 đơn vị, trường học (giảm 10 trường so với năm học 2022-2023), 11 trường PTDTNT, 92 trường PTDTBT, 651 điểm trường (363 mầm non; 225 tiểu học; 61 điểm TH&THCS).
Toàn tỉnh có 210.205 học sinh, sinh viên; 20.919 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Duy trì sĩ số lớp học
Báo cáo tại Hội nghị, bà Hà Thị Khánh Vân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cho biết, năm học 2023-2024, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường đối với nhà trẻ: 49,63; trẻ mẫu giáo: 98,92; trẻ mẫu giáo 5 tuổi: 99,93% (duy trì ) và trẻ 6 tuổi vào học lớp 1: 100%.
Công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp lớp 6 THCS: huy động 100% số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học (vào PT DTNT: 3,3% số học sinh lớp 6).
Số học sinh trường PT DTBT TH và THCS là 8.405 (chiếm 14,8% học sinh cấp tiểu học, THCS)
Đối với tuyển sinh lớp 10: trúng tuyển THPT: 8480 (chiếm 78,5% số học sinh lớp 9); trường PT DTNT: 630 (chiếm 7,2% số học sinh trúng tuyển).
Toàn ngành đã tích cực, chủ động tham mưu kịp thời, hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2023-2024.
Triển khai kịp thời nghiêm túc nhiệm vụ, kế hoạch theo Chỉ thị nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh. Thúc đẩy trong toàn ngành phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. Kết quả giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến vượt bậc. Đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, chất lượng kì thi được nâng lên.
Bên cạnh đó, bà Khánh Vân cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế mà ngành Giáo dục phải đối mặt như: tỉnh còn nhiều điểm trường lẻ, lớp ghép; thiếu giáo viên, cơ cấu bộ môn không đồng đều, nguồn tuyển còn hạn chế, chất lượng nguồn tuyển chưa cao, chưa thu hút được nhiều sinh viên giỏi…
Chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn chưa có nhiều chuyển biến. Công tác tự kiểm tra ở nhiều nơi chưa đạt hiệu quả; việc thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị trực thuộc Sở gặp nhiều khó khăn, thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đồng bộ.
Cơ sở vật chất của một số đơn vị đã xuống cấp, chưa được nâng cấp kịp thời; hạ tầng CNTT của nhiều trường vùng khó khăn còn chưa đảm bảo.
Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia một số nơi còn gặp nhiều khó khăn về tiêu chí cơ sở vật chất hoặc một số trường sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,10%
Năm học 2023 -2024, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2024 tỉnh Lạng Sơn đạt 99,10% cao hơn năm 2023 là 0,84%. Điểm trung bình các môn của tỉnh là 6,43 tăng 0,26 điểm so với năm 2023.
Toàn tỉnh có 90 thí sinh đạt điểm 10 các môn thi tốt nghiệp Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao trong tổ chức kỳ thi; công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo các sở ngành, các đơn vị liên quan huy động sức mạnh tổng hợp, phối hợp, hỗ trợ ngành giáo dục tổ chức tốt kỳ thi.
Theo bà Hà Khánh Vân: “Để có kết quả cao như vậy, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh và Hội đồng thi Sở GD&ĐT chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, đúng kế hoạch, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Công tác tổ chức thi ở tất cả các khâu thực hiện nghiêm túc, không có cán bộ coi thi và thí sinh vi phạm quy chế thi”.
Bên cạnh đó, Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia THPT các môn văn hóa năm học 2023 – 2024 cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, toàn tỉnh có có 87 thí sinh dự thi với 9 môn thi. Kết quả có 33/87 thí sinh đạt giải (tỉ lệ 37,93%) tăng 17 giải so với năm học 2022-2023. Trong đó có 1 giải Nhất, 12 giải ba và 20 giải khuyến khích.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, 11, 12 cấp tỉnh năm học 2023- 2024 có 3630 thí sinh dự thi 9 môn văn hoá (Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh và Tiếng Trung Quốc).
Kết quả cụ thể: Đối với lớp 9: có 400/699 thí sinh đạt giải (tỉ lệ 57,2%). Đối với lớp 11: có 884/1559 thí sinh đạt giải (tỉ lệ 56,7 %); lớp 12: có 818/1372 thí sinh đạt giải (tỉ lệ 59,6%).
15 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo về GD&ĐT gắn kết với các cuộc vận động, các phong trào thi đua; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 63-NQ/TU, ngày 29/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về tiếp tục đổi mới căn bản, phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030
Tích cực tham mưu cho HĐND ban hành nghị quyết về lĩnh vực GD&ĐT: chính sách đặc thù đối với trường THPT chuyên Chu Văn An tỉnh Lạng Sơn; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí; Quy định hỗ trợ sữa học đường cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học
Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2024 đã được UBND tỉnh phê duyệt; Triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, nhiệm vụ năm học 2024-2025 .
Tích cực thực hiện Kết luận 01-KL/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ về đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua trong ngành giáo dục. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, đạo đức lối sống đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; Tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình “Đảng viên tuổi 18”.
Củng cố, duy trì vững chắc và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu số trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2025.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong giáo dục và đào tạo.
Xây dựng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD. Triển khai đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng trình độ đào tạo theo Luật giáo dục 2019 và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, học sinh, sinh viên.
Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm chất lượng các hoạt động GDĐT.
Bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa nhà trường lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn, đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”.
Tiếp tục thực hiện Đề án rà soát, sắp xếp hệ thống trường, lớp học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; có các giải pháp tích cực nhằm giảm các điểm trường, lớp ghép, giảm các trường có quy mô nhỏ.
Tổ chức triển khai nhiệm vụ tại Tiểu dự án 1-Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập, công tác xoá mù chữ, củng cố và phát triển hệ thống các trường PTDTBT, NT.
Thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy, học và quản lý giáo dục;
Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh: Triển khai hiệu công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, chăm sóc sức khoẻ cho học sinh, sinh viên; các điều kiện về vệ sinh và an toàn thực phẩm trong nhà trường.