Thầy cô háo hức trở lại trường

GD&TĐ - Vào thời điểm cận kề năm học mới, hầu hết giáo viên đã trở lại trường, sơn sửa, chuẩn bị cơ sở vật chất và xây dựng kế hoạch đón trò ra lớp.

Giáo viên Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chèng (Si Ma Cai, Lào Cai) sơn sửa lại trường lớp. Ảnh: NVCC
Giáo viên Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chèng (Si Ma Cai, Lào Cai) sơn sửa lại trường lớp. Ảnh: NVCC

Sẵn sàng đón trò ra lớp

Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chèng nằm ở vùng cao huyện Si Ma Cai (Lào Cai) với đa phần học sinh dân tộc thiểu số. Nhiều em lớn lên trong gia đình nghèo khó, có em bố mẹ đi làm xa quanh năm nên ít được quan tâm đến việc học hành. Với đặc thù này, hàng năm, cô Hoàng Thị Thuỷ và đồng nghiệp đều trở lại trường sớm hơn quy định để chuẩn bị đồ dùng dạy học, nghiên cứu chương trình học và sửa soạn trường lớp đón học sinh.

Cô Thuỷ tâm sự: “Sau thời gian nghỉ hè, quay lại trường tập huấn, tôi thấy vui mừng đan xen hồi hộp. Chỉ ít ngày nữa, học trò sẽ trở lại trường. Cô trò có thể hỏi thăm nhau những chuyện diễn ra trong suốt mùa Hè. Chỉ 2 - 3 tháng không gặp nhưng nhiều em cao lên, có em đen đi… Dù chỉ là những thay đổi nhỏ nhất của học trò tôi cũng nhận ra và suy nghĩ về những thay đổi đó. Gắn bó với nhiều thế hệ học sinh vùng cao Si Ma Cai nhưng năm nào, sau hè, tôi đều hồi hộp khi đến thời điểm được gặp các em...”.

Những tuần cuối tháng 8, cô Thuỷ cùng đồng nghiệp tất bật sơn, sửa trường lớp. Là giáo viên Mỹ thuật, cô Thủy cố gắng trang trí thật đẹp để học sinh trở lại trường sẽ có không gian học tập mới, thoáng đãng, sạch đẹp. Điều đó sẽ giúp các em vơi bớt cảm giác nhớ nhà, nhanh chóng bắt nhịp với sinh hoạt, học tập ở trường lớp.

“Khi công tác chuẩn bị cơ sở vật chất hoàn thành, chúng tôi sẽ gọi điện đến trưởng thôn để nhờ thông báo cho phụ huynh kế hoạch tựu trường, khai giảng năm học mới.

Với những em nhà xa trường, cha mẹ không có điều kiện đưa con ra lớp, thầy cô sẽ đến tận nơi đón các em” - cô Thuỷ cho biết và thông tin thêm, một số học sinh nhà cách trường hơn chục cây số, đi lại khó khăn, thậm chí phải qua sông, suối. Do đó, đi đón học sinh, giáo viên nhà trường phải đặc biệt thận trọng, bảo đảm tối đa điều kiện an toàn.

Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, cũng như bao đồng nghiệp, cô Thủy bày tỏ mong muốn ngành Giáo dục, các bộ ban ngành, xã hội sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa tới chính sách xã hội cho học sinh và giáo viên, đặc biệt là vùng cao, sâu xa, huyện khó khăn. Bởi theo cô Thủy, sự ủng hộ của các cấp, ban, ngành sẽ trở thành điểm tựa, động lực để thầy trò an tâm dạy và học.

Cô Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Lạng Sơn cũng bày tỏ, sau nghỉ hè, giáo viên thường chung cảm xúc háo hức đón học sinh trở lại. Trước đó, các thầy cô hết mình với hoạt động tu bổ trường lớp, sát khuẩn khu nội trú, lau rửa từng cái bát, đôi đũa, dụng cụ nấu ăn... để cuộc sống sinh hoạt của học trò nơi trường lớp an toàn, sạch đẹp nhất.

“Hi vọng, năm học mới, cô trò nhà trường sẽ có nhiều thắng lợi mới. Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn luôn là ngôi trường hạnh phúc của học sinh, giúp phụ huynh an tâm và trao trọn niềm tin”, cô Vương Xuân Thuận chia sẻ.

Giáo viên Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) hỗ trợ học sinh trở lại trường. Ảnh: INT

Giáo viên Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) hỗ trợ học sinh trở lại trường. Ảnh: INT

Gỡ khó trước thềm năm học mới

Thầy Nguyễn Đăng Khoa, Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh Nghệ An chia sẻ: Trong kỳ nghỉ hè, tôi và đồng nghiệp đều trông ngóng ngày gặp lại học trò. Trước đó, để hiểu hơn hoàn cảnh của các em, chúng tôi đã dành thời gian đến thăm nhà, trò chuyện với học sinh, phụ huynh; Gia đình và học sinh có điều gì khó khăn đều được các thầy cô tư vấn, chia sẻ và cùng tìm cách tháo gỡ.

“Trong năm học, thầy cô ít có cơ hội tiếp xúc với phụ huynh cũng như hiểu hết hoàn cảnh từng em. Vì vậy, để tạo sự gần gũi hơn từ ngày đầu năm học giữa thầy và trò, chúng tôi chủ động nắm bắt khó khăn mà học sinh gặp phải. Qua đó, giáo viên có phương án đề xuất với nhà trường hỗ trợ, giúp học sinh an tâm trở lại học tập. Thăm gia đình học sinh, các thầy cô cũng tích cực động viên học sinh học hành, phụ huynh quan tâm đến việc học của con”, thầy Khoa cho biết.

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh cũng giúp thầy cố có sự định hướng sát thực, phù hợp trong học tập; đồng hành hiệu quả với các em trên hành trình vươn tới ước mơ từ tri thức. Với học sinh nội trú phải xa gia đình từ sớm, sự quan tâm, động viên của thầy cô càng giúp các em có điểm tựa, vững tin vào học tập và cuộc sống.

Thầy Khoa chia sẻ thêm, đối với người thầy vùng cao, đến nhà học trò cũng là cơ hội để nghiên cứu phong tục tập quán, văn hóa bản địa; trên cơ sở đó xây dựng bài giảng phong phú, vận dụng kiến thức thực tế để lồng ghép vào các nội dung chuyên môn, mang đến cho học sinh nhiều hơn nữa những bài giảng hấp dẫn.

Dạy học theo Chương trình GDPT mới với lớp 4, cô Ôn Thị Lý, Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ - Hà Giang) đã dành thời gian nghiên cứu công nghệ thông tin, thiết kế các bài giảng điện tử, soạn giáo án theo chương trình mới trên máy tính... Học sinh lớp 4 sẽ tiếp nhận khối lượng kiến thức quan trọng, cùng đó bước vào học tập theo chương trình mới nên cô Lý mong muốn sẽ xây dựng được nhiều bài giảng hay, phù hợp với năng lực của học sinh nhà trường, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học.

Học sinh càng sớm nắm bắt kiến thức, chương trình mới bao nhiêu thì học tập càng hiệu quả bấy nhiêu. Tiếp thu chắc bài giảng cũng tránh cho các em tâm lý ngại, sợ học vì lên cao kiến thức khó… Với học sinh dân tộc, thầy cô động viên, hỗ trợ trong học tập, sát sao từ ngày đầu tới trường thì hiệu quả giáo dục tốt bấy nhiêu. Do đó, việc chuẩn bị chuyên môn kĩ càng sẽ giúp cho giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ…

Ở môi trường bán trú, nội trú, khi học sinh chia tay thầy cô về nghỉ hè sẽ là thời điểm cảm nhận rõ nhất trường lớp vắng lặng. Những ngày đó, mỗi giáo viên đều cảm thấy trống vắng, nhớ trò nhớ nghề. Vì vậy, gần thời điểm sắp quay lại trường, nhiều thầy cô dù nhà xa trường, ở khác tỉnh… vẫn trả phép sớm hơn để bắt tay vào chuẩn bị trường lớp, đón học trò... - Cô Vương Xuân Thuận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.