Qua đây, lắng nghe các ý kiến từ thực tiễn, chuẩn bị cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể bắt đầu từ năm học 2020 – 2021.
Tại buổi làm việc, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đã báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác Bộ GD&ĐT một số kết quả của giáo dục Nghệ An trong những năm vừa qua.
Dù địa phương còn gặp nhiều khó khăn nhưng những năm qua với truyền thống hiếu học, tỉnh Nghệ An luôn xem là nhiệm vụ quốc sách hàng đầu và dành nhiều ưu tiên cho công tác giáo dục.
Đoàn công tác Bộ GD&ĐT làm việc với Sở GD&ĐT Nghệ An cùng đại diện một số Phòng GD&ĐT, trường phổ thông trên địa bàn tỉnh |
Thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, những năm qua ngành giáo dục Nghệ An đã chỉ đạo, hướng dẫn Phòng GD&ĐT, các trường trên địa bàn bám sát các văn bản của Bộ áp dụng vào thực tiễn.
Thúc đẩy giáo dục toàn diện như khuyến khích giáo viên chủ động phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, đưa giáo dục STEM vào trường học...Trong đó, thực hiện công văn 4612 vào trong chương trình hiện hành để các nhà trường, giáo viên sẵn sàng tinh thần, chủ động khi thực hiện chương trình mới.
Tuy nhiên, thực tế giáo dục Nghệ An vẫn còn những bất cập, khó khăn khi áp dụng chương trình phổ thông mới, thay sách giáo khoa như: chưa đồng bộ về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục chênh lệch giữa các vùng miền…
Tại buổi làm việc, đại diện các Phòng Giáo dục và đào tạo, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh cũng có những đề xuất, ý kiến thẳng thắn với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trực tiếp trao đổi, lắng nghe ý kiến học sinh về hoạt động dạy - học trong nhà trường |
Nổi cộm nhất vẫn là chưa bố trí đủ giáo viên để tổ chức dạy học theo chương trình mới.
Đơn cử tại TP. Vinh, để đảm bảo dạy 2 buổi/ngày ở tiểu học, các trường hợp đồng giáo viên thỉnh giảng, hoặc dạy tăng tiết và thu tiền phụ huynh để trả tiền thừa giờ trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện. Nhưng nếu thực hiện chương trình phổ thông mới thì không được thu tiền phụ huynh.
Với tỷ lệ 1,35 giáo viên/lớp hiện nay thì việc triển khai dạy chương trình mới rất khó khăn.
Bên cạnh đó, còn có các vấn đề bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; xác định sớm chương trình để có lộ trình chuẩn bị về giáo viên, trang thiết bị, cơ sở vật chất; sớm công bố đề án đổi mới thi cử để các trường chủ động dạy – học; khó khăn về quản trị, tài chính nhà trường; về công tác thi đua khen thưởng còn một số bất cập ảnh hưởng đến động lực phấn đấu của nhà giáo, người lao động…
Dạy học theo chương trình mới chú trọng phát huy năng lực người học, giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn và đưa ra các nhiệm vụ cho học sinh |
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tiếp thu, trả lời ý kiến từ các đơn vị cơ sở giáo dục tại Nghệ An. Thứ trưởng cho biết trong thời gian tới, Bộ sẽ có một số điều chỉnh, bổ sung trong các văn bản, thông tư để đáp ứng thực tiễn giáo dục.
Bộ cũng có trách nhiệm bồi dưỡng năng lực giáo viên chuẩn bị cho chương trình mới; tham mưu với trung ương, các bộ ngành liên quan có chính sách phù hợp, khuyến khích giáo dục phát triển, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Sở, Phòng GD&ĐT phát huy vai trò, năng lực quản lý và trong tham mưu với chính quyền địa phương để chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình phổ thông mới.
Giáo dục hiện nay đang chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực toàn diện người học thì toàn ngành phải xem đây là một cuộc cách mạng nhằm thay đổi mục tiêu, nội dung, phương pháp. Chính vì thế, ngành giáo dục phải thay đổi toàn bộ và không được coi nhẹ trong quá trình thực hiện.
Đối với các nhà trường, các thầy cô giáo cần tích cực đổi mới tư duy, nhận thức, sáng tạo dạy học. Đồng thời việc sử dụng cơ sở vật chất trong các cơ sở giáo dục cũng cần được phát huy hiệu quả hơn nữa, tránh lãng phí đầu tư.