Bồi dưỡng 500 tổ trưởng chuyên môn về thực hiện chương trình GD phổ thông mới

GD&TĐ - Sáng ngày 29/10, tại Trường ĐH Vinh (Nghệ An), Bộ GD&ĐT tổ chức khóa Bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc khóa Bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc khóa Bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông

Dự khai mạc khóa bồi dưỡng có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, đại diện Vụ Giáo dục Trung học, các cục, vụ liên quan thuộc Bộ cùng hơn 500 tổ trưởng chuyên môn các trường phổ thông của 9 tỉnh khu vực phía Bắc.

Chuẩn bị triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch và triển khai bồi dưỡng cán bộ quản lý, hiệu trưởng, giáo viên cốt cán và tiếp đến là tổ trưởng bộ môn các trường phổ thông của cả nước.

Có hơn 500 giáo viên là tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông của 9 tỉnh phía bắc tham gia bồi dưỡng tại Trường ĐH Vinh
 Có hơn 500 giáo viên là tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông của 9 tỉnh phía bắc tham gia bồi dưỡng tại Trường ĐH Vinh

Tổ trưởng chuyên môn trường phổ thông có vai trò đặc biệt quan trọng vì đây là những giáo viên đã qua thực tiễn giảng dạy, có năng lực chuyên môn tốt, được đồng nghiệp tôn vinh và đi đầu trong thực hiện đổi mới dạy – học tại đơn vị giáo dục.

Phát biểu khai mạc bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận và đánh giá cao đội ngũ giảng viên nguồn của ĐH Vinh có năng lực, mạnh mẽ, tâm huyết, xây dựng tài liệu công phu.

Thứ trưởng đề nghị các thầy cô là tổ trưởng chuyên môn dùng hết tư duy, năng lực của mình ngay từ khóa bồi dưỡng này. Lấy mục tiêu chất lượng là mục tiêu số 1 trong lớp học, học tập cách thức tổ chức lớp học, triển khai ở thực tế tốt hơn.

Sau khóa học, các tổ trưởng chuyên môn phải đạt được 3 yêu cầu: Nắm được chương trình giáo dục phổ thông mới; nắm được chương trình bộ môn mình phụ trách cùng với phương pháp giảng dạy; nắm được cách đánh giá theo hướng phát huy năng lực người học. Từ đó, góp phần bồi dưỡng giáo viên đại trà, để khi thực hiện chương trình mới không thấy bị động, mà tự tin chờ đón.

Ngoài bồi dưỡng tập trung, giáo viên sẽ được chia thành từng nhóm lớp để được bồi dưỡng theo môn
 Ngoài bồi dưỡng tập trung, giáo viên sẽ được chia thành từng nhóm lớp để được bồi dưỡng theo môn

Khóa bồi dưỡng kéo dài từ 29 - 31/10, do chuyên gia của Bộ GD&ĐT và giảng viên nguồn của Đại học Vinh đứng lớp.

Tại khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh với đội ngũ nhà giáo: Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo là văn bản pháp lý quan trọng đối với sự phát triển giáo dục Việt Nam.

Trong đó, đặc biệt có 5 thay đổi quan trọng về tư duy giáo dục. Thứ nhất, chuyển tư duy từ việc chú trọng phát triển số lượng sang chú trọng phát triển chất lượng. Đem chất lượng làm mục tiêu hàng đầu, nền giáo dục không chất lượng thì coi như không có giáo dục

Thứ 2, chuyển tư duy dạy học theo hướng chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ nội dung kiến thức, nền giáo dục bằng cấp, sang nền giáo dục theo hướng phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học. Từ thay đổi tư duy này sẽ kéo theo thay đổi về mục tiêu, phương pháp dạy học.

Thứ 3, thay đổi tư duy dạy học trong 4 bức tường qua dạy học mở rộng qua nhiều hoạt động.

Thứ 4 là đổi mới đánh giá theo hướng phát huy năng lực người học. Thời gian qua, thực hiện đổi mới này, Bộ đã ban hành thông tư 30, sau đó là thông tư 22 đối với Tiểu học và thông tư 58 đối với THCS.

Thứ 5, đổi mới tư duy từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, nhu cầu xã hội.

Nhiều trường học đã chú trọng giáo dục kỹ năng cho học sinh, không giới hạn không gian học tập trong 4 bức tường
 Nhiều trường học đã chú trọng giáo dục kỹ năng cho học sinh, không giới hạn không gian học tập trong 4 bức tường

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ mong muốn giáo viên nắm rõ 5 thay đổi tư duy quan trọng này để phát huy trách nhiệm của mình, nhận thức được mình cần phải làm gì trong thực hiện chương trình phổ thông mới và thay sách giáo khoa.

Về chương trình phổ thông tổng thể bắt đầu triển khai từ năm học 2020 – 2021, tuy nhiên những năm qua các bậc học cũng đã có những bước chuẩn bị, áp dụng các mô hình tiên tiến tiệm cận với chương trình phổ thông mới, đặc biệt là bậc tiểu học.

Với THCS, THPT, Bộ GD&ĐT cũng chủ trương không để các thầy cô bất ngờ. Trong đó, Bộ đã ban hành văn bản 4612 yêu cầu dạy học theo hướng tiếp cận năng lực ngay trong chương trình giáo dục hiện hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.