Thầy cô - điểm tựa của học trò

GD&TĐ - Thầy cô hãy là điểm tựa, đồng cảm và mở đường cho học trò vượt qua cám dỗ và bế tắc. 

Học sinh Trường THPT Vĩnh Yên (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) trong giờ ngoại khóa. Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT Vĩnh Yên (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) trong giờ ngoại khóa. Ảnh: TG

Dù trong hoàn cảnh nào, hãy cho trò cơ hội được giác ngộ và thay đổi để hoàn thiện bản thân.

Để được trò yêu quý và nể trọng

Chuyện nghề dạy học được người khen - chê đâu phải bây giờ mới có. Người hiểu giáo dục bàn luận sẽ thấy toàn cục và tích cực, người thiếu thông tin hoặc chưa hiểu bàn luận thành một chiều, đôi khi nguy hại. Sự việc ở Trường THCS Văn Phú, Sơn Dương (Tuyên Quang); chuyện phụ huynh phản đối hay thầy cô bị kỷ luật, phạt tù; chuyện tập thể lớp xin đổi thầy cô… để lại nỗi buồn lo về người làm “nghề cao quý nhất”.

Với kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng, học trò ganh ghét và nổi loạn, trước hết thầy cô hãy tự xét mình, sau mới xét lỗi học trò. Thầy cô không chỉ hiểu rõ công việc dạy người, dạy chữ mà còn phải làm, làm linh hoạt và hiệu quả công tác tiếp cận học sinh.

Các modul tập huấn bắt buộc, không quan trọng bằng việc thầy cô tự trau dồi để nâng dần năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Đó là việc lâu dài của số đông nhà giáo trẻ trong bối cảnh lương thấp và điều kiện làm việc khó khăn; nhất là dạy trường miền núi, thiếu thốn đủ thứ và nhiều học sinh không muốn đến trường.

Bây giờ nghỉ hưu, tôi vẫn nhớ những năm tháng gắn bó, chia sẻ với học trò; hay đợt về thăm nhà trò, cùng đi bộ, leo dốc, lội suối luồn rừng hàng chục km, để được dùng cơm với gia đình học sinh ở miền núi Lạng Sơn, hoặc ngồi hàng giờ nghe phụ huynh chia sẻ về sự bất lực trước con… Nhiều khi phải gặp riêng, lắng nghe, phân xử cả chuyện tình yêu của nữ sinh, chuyện bị bố đánh, đập điện thoại của nam sinh; chuyện thầy cô khác mắng phạt; đánh nhau với người ngoài trường…

May mắn là các trò ấy đã quay lại, nghe thầy để bây giờ thành người tử tế. Kể chuyện cũ, tôi hy vọng thầy cô nhận ra mình trong guồng quay công việc và mưu sinh vẫn thương yêu trò. Tôi cũng biết nhiều thầy cô đã và đang ngồi xuống, trân quý từng trò và được nhiều thế hệ học trò quý trọng, ngưỡng mộ...

Tôi cũng hiểu nỗi niềm oan ức, buồn chán của thầy cô khi bất lực trước trò và cả những góp ý “xây dựng” của cấp trên và đồng nghiệp. Những trăn trở có phần bi quan, khủng hoảng của các thầy cô khi “chịu đựng bão truyền thông” và cả áp lực học trò cá biệt.

Hiểu tâm lý, nhu cầu và mơ ước, hoàn cảnh gia đình, môi trường sống của học trò sẽ giúp thầy cô có hướng xử lý phù hợp. Những học sinh dễ nổi loạn, khác biệt, thường có dấu hiệu khác thường về thân nhân và cảnh ngộ vẫn cần thầy cô che chở, cảm thông hơn là dùng kỷ luật, dù là kỷ luật tích cực. Hiểu học sinh càng nhiều, như cha mẹ hiểu con, thầy cô sẽ giành được lối vào trái tim và được học trò yêu quý, nể trọng.

Tìm đến căn nguyên của sự nổi loạn là cơ hội để trò mở lòng, nói ra điều khó chịu bực dọc từ đó có thể làm thay đổi ý nghĩ và hành vi, giúp các em thoát ra khỏi bế tắc và cô đơn, sự lôi kéo, rủ rê của người khác. Giáo dục theo Chương trình phổ thông 2018 đã thay đổi căn bản cho phép học trò có cơ hội theo đuổi đam mê và sở trường để thành người có ích thay vì môn nào cũng phải giỏi.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Thầy cô cần thay đổi?

Đối tượng giáo dục phổ thông thiếu nhiều kỹ năng và rất yếu thế trước cuộc đời. Sản phẩm của giáo dục phổ thông là con người có kiến thức và kỹ năng cơ bản, tuy chưa hoàn thiện nhân cách nhưng có thể hòa nhập và tồn tại trong xã hội luôn biến đổi. Người kỹ sư có thể vẽ lại thiết kế, chế tạo lại cỗ máy, có thể vứt bỏ làm mới một sản phẩm kém chất lượng và ít nhiều biết nguyên nhân và tránh tái phạm. Nhưng người kỹ sư tâm hồn không thể nghĩ và làm như thế với học trò của mình.

Những sự vụ nhỏ, thầy cô giải quyết chưa phù hợp tâm lý lứa tuổi và tính chất sự việc, qua thời gian tích góp dần làm lung lay niềm tin trong một vài trò và đôi khi lây lan cả lớp. Sự chưa công bằng trong ứng xử của thầy cô thường gây mặc cảm, tự ti và chán ghét, so bì, phản đối của trò.

Sự thiếu tôn trọng của trò còn bắt nguồn từ thầy cô chậm thay đổi về chuyên môn, nghiệp vụ. “Cô dạy chán và buồn ngủ, nhưng lại hay yêu cầu cao”, một trò khi xin chuyển lớp cho biết. Rồi sự chưa hài lòng về công việc, gia đình hoặc kinh tế cũng là nguyên nhân của việc thầy cô “chia” cho trò, dẫn tới những câu chuyện đáng tiếc ở trường học mà chưa biết bao giờ khép lại.

Thiết nghĩ, những ai đã chọn phải chuyên chú nghề, hiểu biết chuyên môn, khoa học và phải ứng xử với trò bằng tình yêu thương và vị tha của trái tim của cha mẹ. Những ai chưa vững thì tự học, tự bồi đắp; chưa sẵn sàng yêu thương học trò thì hãy thay đổi để giành lấy sự kính trọng và yêu quý của người học.

Thầy cô giỏi chuyên môn, đặc biệt là chủ nhiệm, có ảnh hưởng nhiều đến thái độ, tình cảm, suy nghĩ và hành động, đến sự hình thành nhân cách học trò. Sự bắt chước, làm theo hình mẫu thầy cô xưa nay đã tạo nên nhiều lớp người Việt Nam có ích cho xã hội.

Thầy cô hãy là điểm tựa cho học trò; đồng cảm và mở đường cho các em vượt qua cám dỗ và bế tắc, có cơ hội được giác ngộ và thay đổi để hoàn thiện bản thân. Trường học chỉ hạnh phúc, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” khi thầy trò thực sự hiểu và giúp đỡ nhau, tôn trọng và yêu thương như một gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.