Điểm tựa cho học sinh

GD&TĐ - Từ lâu, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp trở thành chương trình, hoạt động không thể thiếu đối với cơ sở giáo dục đại học và trở thành điểm tựa để thí sinh lựa chọn ngành học, trường học phù hợp.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thực hiện quyền tự chủ, những năm gần đây, hầu hết cơ sở giáo dục đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, nhằm mang đến cơ hội học đại học cho học sinh trên cả nước. Điều này đòi hỏi các trường phải đổi mới công tác tư vấn, hướng nghiệp, nhằm thích nghi với thực tiễn khách quan; đồng thời tạo nên sự đồng điệu với phương thức tuyển sinh.

Không đơn thuần là các buổi tư vấn trực tiếp theo hình thức tọa đàm; rộng hơn là ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Hai năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động này “nở rộ” trên nền tảng công nghệ số: Từ tư vấn online, cho đến livestream trên fanpage, YouTube… Nhiều trường còn xây dựng các app tư vấn, thậm chí mở riêng cổng thông tin điện tử về tuyển sinh dưới hình thức đa phương tiện.

Suy cho cùng, đó cũng là cách để những thông tin chính thống của nhà trường đến với học sinh, phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung, tránh tình trạng “tam sao thất bản”. Ở góc nhìn khác, đây cũng là giải pháp bảo đảm quyền lợi của thí sinh trong việc tiếp cận thông tin đúng, đầy đủ. Qua đó, thí sinh có thêm cơ sở nghiên cứu để định hướng tương lai.

Thực tiễn cho thấy, công tác tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp có vai trò quan trọng, là điểm tựa giúp học sinh có thể lựa chọn được ngành học, trường học phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện của mình. Do đó, các buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, dù là trực tiếp hay trực tuyến đều thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo học sinh và phụ huynh.

Tham gia ngày hội, các em không chỉ được quan sát, tìm hiểu, trải nghiệm, mà còn nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn. Trên cơ sở đó, các em sẽ nhận diện được năng lực cá nhân, hiểu rõ sở thích và điều kiện thực tế của bản thân, để chọn cho mình một ngôi trường và ngành đào tạo phù hợp. Đây chính là chìa khóa đầu tiên của hướng nghiệp.

Nói vậy để thấy tư vấn hướng nghiệp như bộ lọc để thí sinh nhìn rõ điểm mạnh - yếu của bản thân, từ đó có lựa chọn phù hợp. Nhưng thực tế không loại trừ một số khoa, trường tranh thủ buổi tư vấn để giới thiệu, quảng cáo đánh bóng tên tuổi thay vì lắng nghe, phân tích và tư vấn giải tỏa băn khoăn cho học sinh.

Do đó, năm nào cũng vậy, các chuyên gia đều đưa ra khuyến cáo: Giữa một “rừng thông tin”, phụ huynh, học sinh nên chắt lọc những gì mang giá trị cốt lõi, phục vụ cho mục đích của mình, tránh tình trạng “nhiễu” dẫn đến hoang mang và cuối cùng không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào? Chẳng hạn, phụ huynh, học sinh nên quan tâm đến một số thông tin của cơ sở giáo dục đại học mà mình dự kiến đăng ký xét tuyển, như: Hình thức xét tuyển, các ngành thế mạnh, chất lượng đào tạo, học phí, cơ hội học bổng và việc làm sau khi tốt nghiệp.

Thiết nghĩ, bên cạnh sự chủ động của học sinh, phụ huynh, đã đến lúc hoạt động tư vấn hướng nghiệp cần chuyên nghiệp. Các cơ sở GD đại học, cao đẳng muốn tuyển được người học phù hợp phải tìm đúng và hiểu mong muốn của đối tượng mình hướng đến, tránh lan man, thiên về số lượng. Đơn vị nào “chạm” vào suy nghĩ, giải tỏa được trăn trở của học sinh sẽ thành công trong chọn người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ