Thầy cô đất Cảng mong muốn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cùng Bộ trưởng

GD&TĐ - Lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đối thoại trực tuyến với giáo viên. Thầy cô giáo TP Cảng mong muốn được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình.

Thầy cô mong muốn được cống hiến hết mình.
Thầy cô mong muốn được cống hiến hết mình.

Sẵn sàng các điều kiện

Ngành Giáo dục thành phố hiện có 29.640 cán bộ, giáo viên. Những năm qua, Ngành luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của thành phố. Chính từ sự quan tâm, động viên kịp thời, thiết thực của thành phố góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhà giáo, thầy cô yên tâm công tác, phát huy tài năng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”.

Ông Bùi Văn Kiệm- Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng chia sẻ, năm học vừa qua, Hải Phòng tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế. Hải Phòng đạt 76 giải học sinh giỏi quốc gia cấp THPT, đứng thứ 4 toàn quốc. Đặc biệt, trong kỳ thi Olympic Toán học quốc tế, Hải Phòng có 2/6 học sinh trong đội tuyển dự thi và xuất sắc giành 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc. Trong kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế, học sinh Hải Phòng đã đạt huy chương Bạc.

Hải Phòng tổ chức thành công các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và kỳ thi Tốt nghiệp THPT với tinh thần minh bạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023: điểm trung bình các môn thi đứng thứ 6 toàn quốc, có học sinh đạt thủ khoa khối D1 toàn quốc.

Song hành với những thành tích mà toàn ngành đạt được còn nhiều khó khăn, tồn tại và vướng mắc từ cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai thực tế tại địa phương. Vì thế, Hội nghị đối thoại trực tuyến với Bộ trưởng là dịp để thầy cô giáo, cán bộ quản lý Giáo dục tại địa phương bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình.

Ngành GD&ĐT Hải Phòng với nhiều thành tích đáng tự hào trong năm học vừa qua.

Ngành GD&ĐT Hải Phòng với nhiều thành tích đáng tự hào trong năm học vừa qua.

Thông tin từ Sở GD&ĐT Hải Phòng, để chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến với Bộ trưởng, Sở đã báo cáo UBND TP, có công văn gửi các phòng giáo dục và đơn vị giáo dục trực thuộc để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ tham gia. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành liên quan như: Nội Vụ, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư… Để chương trình diễn ra thuận lợi, Sở yêu cầu các phòng ban chuyên môn liên quan chuẩn bị tốt các điều kiện, và chạy thử để kiểm tra kĩ thuật kết nối tại các điểm cầu.

Ông Trần Tiến Chinh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hải Phòng thông tin, tại Hải Phòng sẽ có 1 điểm cầu trung tâm Sở GD&ĐT và gần 800 điểm cầu tại các đơn vị giáo dục. Các đơn vị sẵn sàng điều kiện tham gia cầu trực tuyến để cùng trao đổi, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với Bộ trưởng.

Mong muốn được quan tâm, ghi nhận

Ông Vũ Trọng Dũng- Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Lão chia sẻ, công tác chuẩn bị cho Chương trình gặp gỡ nhà giáo, cán bộ, nhân viên ngành Giáo dục với Bộ trưởng đã được Phòng chuẩn bị chu đáo. Các nhà trường, thầy cô rất mong muốn được lắng nghe, chia sẻ những ý kiến thiết thực, bày tỏ ý kiến từ thực tiễn giảng dạy tới Bộ trường.

Theo ông Dũng, trong bối cảnh hiện nay, nhà giáo có rất nhiều áp lực từ xã hội, phụ huynh học sinh. Nhiều đòi hỏi, yêu cầu quá mức với thầy cô, thậm chí là thành kiến. Mối quan hệ giữa phụ huynh giáo viên chưa có sự đồng thuận cao, thầy cô có phần bị yếu thế trong xã hội.

Bên cạnh đó là áp lực đổi mới. Không chỉ thuần tuý công việc chuyên môn trong nhà trường, thầy cô còn tham gia các công việc xã hội, dạy thêm giờ do thiếu đội ngũ. Khối lượng công việc lớn thầy cô đang quá tải. Giáo viên trong ngành mong muốn được nhà nước quan tâm hơn nữa, có cơ chế chính sách kịp thời và ghi nhận những cống hiến của giáo viên.

Giáo viên huyện An Lão với đổi mới giáo dục.

Giáo viên huyện An Lão với đổi mới giáo dục.

Cô Bùi Thị Minh Nguyệt – Hiệu trưởng Trường THCS Quốc Tuấn, huyện An Lão bày tỏ, hiện nay biên chế sự nghiệp ngành giáo dục đang chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp cả nước, điều đó cho thấy đây là một lực lượng đông đảo, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước.

Trong khi đó các quy định, chính sách trong Luật giáo dục, Luật viên chức … còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo. Ngành giáo dục đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật nhà giáo. Thầy cô mong muốn 5 nhóm chính sách chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra được cụ thể trong Luật, đồng thời mong muốn dự thảo Luật nhanh chóng được Quốc hội thông qua nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ