Thầy chủ động, trò sáng tạo

Năm học 2014 - 2015 là năm học thứ ba các địa phương ở ĐBSCL triển khai mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN). Từ thực tế giảng dạy, học tập, mô hình này đã tạo ra những hiệu ứng tích cực. 

Khi triển khai mô hình Trường học mới thì vấn đề quá tải trong học tập, áp lực về điểm số đã giảm đáng kể. Trong ảnh lớp học VNEN ở trường TH 1 thị trấn Năm Căn, Cà Mau
Khi triển khai mô hình Trường học mới thì vấn đề quá tải trong học tập, áp lực về điểm số đã giảm đáng kể. Trong ảnh lớp học VNEN ở trường TH 1 thị trấn Năm Căn, Cà Mau

Đặc biệt là HS được trải nghiệm, khám phá, được rèn luyện kỹ năng thông qua hoạt động tự học dưới sự hướng dẫn của GV. Theo nhiều GV, khi triển khai mô hình trường học mới thì vấn đề quá tải trong học tập, áp lực về điểm số đã giảm đáng kể...

Thầy, trò “kết” VNEN

Em Mai Đức Trọng đang giới thiệu sơ đồ Hội đồng tự quản của lớp học VNEN
 Em Mai Đức Trọng đang giới thiệu sơ đồ Hội đồng tự quản của lớp học VNEN

Chia sẻ với chúng tôi, cô Lê Thị Hà – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thới 3 (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) - cho biết: Điểm thay đổi cơ bản nhất của mô hình Trường học mới (VNEN) so với mô hình nhà trường truyền thống là chuyển từ hoạt động dạy của GV sang hoạt động học của HS. 

Tức là chuyển từ phương pháp nghe giảng thụ động trước đây sang cách học chủ động, tích cực của các em HS... Đây cũng là chia sẻ của nhiều nhà giáo và các cấp quản lý khi nhận xét về mô hình Trường học mới.

Năm học 2013 - 2014, tỉnh Kiên Giang thực hiện khá thành công mô hình trường học mới tại 45 trường tiểu học, nhân rộng tại 11 trường TH khác và 52 lớp ghép hai trình độ (tổng số có 490 lớp với 13.836 HS các lớp 2, 3 và 4). 

Năm học 2014 - 2015, các trường trong toàn tỉnh Kiên Giang tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình Trường học mới. Theo kế hoạch toàn tỉnh sẽ nhân rộng mô hình VNEN ở 134 trường.

Trên cơ sở đánh giá, lấy ý kiến rộng rãi từ GV, phụ huynh và HS, tất cả đều rất phấn khởi, tin tưởng phương pháp GD này. 

Năm học 2014 - 2015, chúng tôi chỉ đạo duy trì và nâng cao hiệu quả ở các trường lớp đã và đang thực hiện; nhân rộng mô hình trường học mới ở tất cả các lớp học 2 buổi/ngày, các lớp ghép; đối với các lớp học 1 buổi/ngày và những nơi đặc biệt khó khăn không thực hiện được toàn phần thì đổi mới phương pháp, lấy phương pháp của mô hình Trường học mới đưa vào thực hiện bước đầu…

Bà Nguyễn Thị Minh Giang – Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang

Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang – Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, từ khi mô hình được thí điểm, thông qua việc đổi mới cách tổ chức các hoạt động GD, hoạt động dạy học ở trường tiểu học đã thể hiện những mặt tích cực. 

Ở tỉnh Kiên Giang, chương trình đã nhận được những phản hồi tích cực từ các cấp quản lý, từ GV và phụ huynh HS. 

Đây được xem như dấu hiệu khởi đầu cho bước đổi mới tận gốc từ mục tiêu GD đến nội dung, chương trình, cách thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá HS...

Nhận thấy được hiệu quả tích cực của Dự án, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang - Trưởng ban chỉ đạo Dự án - đã đề ra ý tưởng, quyết tâm phát huy những yếu tố tích cực từ mô hình, nhân rộng mô hình. Từ tháng 8/2013, Sở GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo triển khai và nhân rộng Mô hình trường học mới trong toàn tỉnh. 

Toàn ngành đã huy động các nguồn lực để nhân rộng mô hình từ kinh phí của dự án, kinh phí đào tạo và nguồn chi sự nghiệp của địa phương, đến nguồn xã hội hóa… để tập huấn hàng nghìn lượt GV giảng dạy ở một số môn, một số lớp học tại những trường đang giảng dạy học tập 2 buổi/ngày, các lớp ghép và lãnh đạo tất cả các trường TH trong tỉnh; bài trí lớp học theo hình thức lớp VNEN; khuyến khích các lớp ghép và các lớp TH còn lại tham gia bài trí một số bảng biểu phù hợp, GV có thể tham gia dạy một số tiết theo phương pháp, tài liệu học VNEN để tạo sinh khí, GD tính tự quản, tự giác và kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho HS…

Trong năm học vừa qua, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có 268 trường được thụ hưởng từ mô hình Trường học mới. Không riêng tỉnh Kiên Giang, nhiều địa phương ở ĐBSCL cũng đang triển khai mạnh mẽ mô hình này. 

Năm học 2014 - 2015, ngành GD&ĐT Hậu Giang triển khai mô hình VNEN ở khối lớp 5. Ngành GD&ĐT TP Cần Thơ cũng triển khai ở các trường có điều kiện… Đây được xem như tín hiệu khả quan, sự đón nhận của thầy trò với mô hình GD sau mấy năm triển khai thí điểm.

“Vùng ĐBSCL có đặc thù là nhiều địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại hết sức khó khăn, các em HS thường hay nhút nhát, ít phát biểu trong giờ học. Nên khi bắt đầu triển khai mô hình trường học mới VNEN ai cũng tưởng rằng rất khó khăn và không có hiệu quả. 

Tuy nhiên khi đi vào hoạt động, các em HS học theo nhóm, GV sẽ hướng dẫn từng nhóm để các em cùng học, cùng khám phá nên tiến bộ rất nhanh” - Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang cho biết.

Lớp học của sáng tạo

Năm học này, Bộ GD&ĐT áp dụng không cho điểm số cấp TH. Đây được xem như bước tiến tiếp theo, tạo điều kiện thuận lợi để mô hình Trường học mới phát triển và triển khai rộng khắp
Năm học này, Bộ GD&ĐT áp dụng không cho điểm số cấp TH. Đây được xem như bước tiến tiếp theo, tạo điều kiện thuận lợi để mô hình Trường học mới phát triển và triển khai rộng khắp 

Sau một năm thí điểm không đánh giá thường xuyên bằng điểm số đối với HS lớp 1 mà thay bằng tăng cường nhận xét, đánh giá bằng lời của GV năm học này, Bộ GD&ĐT áp dụng cách thức đánh giá này đối với toàn bộ cấp TH. 

Thay vì chấm điểm HS tiểu học, GV sẽ ghi nhận xét đáng chú ý nhất về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn học, hoạt động GD khác, với nguyên tắc coi trọng việc động viên… Đây được xem như bước tiến tiếp theo, tạo điều kiện thuận lợi để mô hình Trường học mới phát triển và được triển khai rộng khắp.

Điều dễ nhận thấy là ở những lớp theo mô hình Trường học mới không khí luôn sôi nổi. GV cũng chạy “hết tốc lực” với các em HS để giải đáp thắc mắc, nhận xét, đánh giá theo từng nhóm, từng đối tượng. 

Điều đặc biệt là ở các lớp này không còn cảnh thầy trên bục giảng viết từng chữ rồi đọc cho trò chép mà thay vào đó là các em HS cùng nhau thảo luận nhóm, phát biểu, nhận xét lẫn nhau rất sôi nổi…

Nhiều GV chia sẻ, ban đầu khi triển khai mô hình Trường học mới, lớp học không khác nào “cái chợ”. Các em ngồi thành nhóm trao đổi rất sôi nổi, có đồng tình, có ý kiến phản biện, đôi khi tranh luận đến nảy lửa. 

Thấy cảnh này phụ huynh tỏ ý không đồng tình, họ sợ không khí ồn ào làm con em không học được; có người còn lo ngại các em sẽ nhìn bài nhau… 

Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn tất cả các em HS tiến bộ rất nhanh, về nhà các em đọc chữ, làm bài tập rành rọt và cha mẹ không cần dạy kèm như trước. 

Nhiều em về nhà còn tổ chức cho cha, mẹ, anh chị em thành nhóm học và thảo luận rất vui vẻ, kèm theo đó là những câu chuyện về kỹ năng sống đã làm cho phụ huynh hết sức bất ngờ...

Cô Lê Thị Thanh Huyền - Giáo viên lớp 2 Trường Tiểu học Âu Cơ (TP Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết: “Chúng tôi là người đứng lớp trực tiếp giảng dạy và thấy rằng mô hình trường học mới rất hiệu quả. Tùy theo từng lớp, từng đối tượng HS thì GV sẽ linh hoạt giảng dạy và phân bổ chương trình một cách hiệu quả… 

Lúc đầu triển khai nhiều phụ huynh có ý không đồng tình, họ sợ con em học theo nhóm gây ồn ào, mất tập trung. Nhiều người cho rằng nếu ngồi theo nhóm như vậy các em nhìn bài của nhau. 

Tuy nhiên đến nửa học kỳ 1 các em tiến bộ lên hẳn, từ đó phụ huynh rất đồng tình và ủng hộ. Nhiều người cho biết các em về nhà học thuộc hết bài vở, cha mẹ không còn phải vất vả dạy kèm như trước…”.

Mặc dù không ít khó khăn, nhưng nỗ lực của những cán bộ, GV ở các trường đã mang lại những sự thành công bước đầu và những kinh nghiệm quý báu. 

Theo cô Lê Thị Hà, hầu hết các GV cho rằng để thực hiện thành công mô hình, việc đầu tiên là phải đầu tư nghiên cứu tài liệu, dành nhiều thời gian chuẩn bị đồ dùng dạy học (phiếu bài tập, tranh ảnh minh họa...). 

Việc tập huấn cho các nhóm trưởng về quản lý và điều hành nhóm là rất quan trọng. GV cũng phải dự kiến trước nội dung, phương pháp, các hoạt động, sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học cho phù hợp với từng đối tượng HS. 

Đồng thời có kế hoạch cụ thể và những tình huống có thể xảy ra trong quá trình hoạt động học tập diễn ra của HS, để kịp thời hỗ trợ các em. Việc chia nhóm HS nên đan xen nhiều trình độ để các em có thể hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động.

Để dạy học theo mô hình VNEN hiệu quả, GV vừa là người thầy, lại là người bạn của HS để có thể tư vấn, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà các em cần được giải đáp. 

Sự ân cần gần gũi, quan tâm đến các em trong quá trình học tập sẽ giúp các em tự tin khám phá, tự tin trong giao tiếp và tham gia các hoạt động học tập. Chính điều này giúp GV thành công rất nhiều trong quá trình giảng dạy.

Mỗi GV cũng cần phải biết tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, có sự hiểu biết sâu sắc về mọi vấn đề trong xã hội để có thể sẵn sàng đáp ứng được những thắc mắc của HS. Điều quan trọng nhất vẫn là tấm lòng tâm huyết của GV, lòng yêu thương HS, giúp các em có động lực để học tốt. 

Vì vậy GV cần khen ngợi và khuyến khích HS cho dù một cố gắng rất nhỏ. Không nên chê trách hoặc có những hình thức quát mắng làm các em mặc cảm, tự ti, không chịu vươn lên và thể hiện bản thân trong quá trình học tập…

Thầy chủ động, trò sáng tạo ảnh 3 
Mô hình Trường học mới VNEN tập trung cho đổi mới sư phạm. Điều đó thể hiện ở tài liệu học tập, trước đây HS phải có sách giáo khoa, GV có sách hướng dẫn và có vở bài tập thì giờ đây chỉ có một tài liệu “3 trong 1”.                                           Sách này giúp HS tự nghiên cứu và học tập, thiết kế dưới dạng hoạt động (cơ bản, thực hành và ứng dụng), có tính liên tục, hỗ trợ hoạt động ở lớp và cả ở nhà… 

Việc tổ chức lớp học cũng thay đổi, trước đây có ban cán sự lớp, có các tổ thì nay các em có Hội đồng tự quản, việc thành lập này tạo cho các em tính mạnh dạn, tham gia vào các hoạt động cộng đồng.                                                                                                           Như việc HS chọn các bạn có uy tín, năng lực để ra ứng cử vào Hội đồng tự quản, từ đó mỗi thành viên mạnh dạng, tự đề xuất ý kiến, đây là điều rất mới và rất hay.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Cà Mau

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ