Thầy “bảo mẫu” của trẻ Huổi Mắn

GD&TĐ - Mỗi buổi học, thầy Vàng Văn Anh khéo léo, dịu dàng như một người mẹ, mạnh mẽ và nghiêm khắc như một người cha. Thầy đã chiếm trọn tình yêu thương của các bé nơi vùng cao đầy gian khó này!

Lớp học của thầy Vàng Văn Anh luôn rộn rã tiếng cười
Lớp học của thầy Vàng Văn Anh luôn rộn rã tiếng cười

Lớp học trên mây

Tính từ trung tâm huyện lỵ Nậm Nhùn đến Trường Mầm non xã Nậm Chà phải mất khoảng hơn 60km đường rừng. Còn từ Trường Mầm non Nậm Chà đến điểm trường ở bản xa nhất là Huổi Mắn thì phải mất tới hơn 80km, đi ngược về phía huyện lỵ. Ở nơi đó, có vô vàn câu chuyện đặc biệt và thú vị, độc đáo cứ lôi cuốn đoàn công tác chúng tôi muốn đến tận nơi.

Chiều tà, thầy giáo Vũ Tiến Hóa, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn dẫn đoàn công tác băng rừng đến với điểm Trường Mầm non Huổi Mắn. “Ở đây hay lắm các anh ạ! Mỗi một ngày đều có nhiều đợt mây cứ lửng lơ trôi, bồng bềnh, bồng bềnh đẹp lắm. Thế rồi chốc chốc mây lại ùa vào lớp học rồi lại tan biến. Cảnh thì đẹp, nhưng khí hậu khắc nghiệt nên việc dạy và học của thầy trò rất là vất vả”, thầy Vũ Tiến Hóa cho biết.

Đúng như lời thầy Hóa nói. Từ bên này dãy núi, hướng mắt về phía xa xa theo hướng tay chỉ của thầy là hai đỉnh núi cao chót vót. Trên đỉnh Huổi Mắn là trường học, bên kia là khu tái định cư, nhà cửa san sát. Chưa tắt nắng, song chốc chốc mây từ đâu lại ùa về, khiến dãy nhà lớp lại chìm sâu trong màn mây mù đặc quánh, thoắt ẩn, thoắt hiện. Trên đỉnh Huổi Mắn có duy nhất một dãy nhà cấp 4 xây dựng bán kiên cố, đó là lớp học mầm non và nhà ở nội trú cho giáo viên được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ tái định cư.

Nắng tắt, sương ở đâu bay về đặc quánh. Trời bỗng chuyển lạnh. Thầy Vàng Anh trả trẻ cho phụ huynh đưa về. Ngôi trường dần dần chìm trong đêm tối. Tranh thủ thời gian chờ cơm chín, thầy Vàng Anh vội vàng băng rừng đến từng nhà học sinh vắng mặt hôm nay để vận động phụ huynh ngày mai cho con đến lớp. “Các anh chờ em chút. Em tranh thủ đi mấy cái bản gần đây để gặp phụ huynh. Giờ này họ cũng đi nương về rồi. Chứ không lên muộn họ lại đi ngủ rồi vì ở bản chẳng có điện. Các cháu không lên lớp, em rất sốt ruột, muốn lên để xem tình hình các cháu thế nào”, thầy Vàng Anh vội vã nói.

Ngày nào cũng thế, cứ thấy thiếu em học sinh nào thì thầy lại “hạ sơn” về bản tìm cho bằng được. Thế nên, thầy Vàng Anh đều nhớ như in từng ổ voi, ổ gà của mỗi cung đường liên bản vì đã quá quen thuộc. Trong bóng đêm vẫn cứ mò mẫm đi... và đi, miễn sao học sinh đến lớp đông đủ.

Điểm bản Huổi Mắn, điểm cách trung tâm xã Nậm Chà hơn 80 km
 Điểm bản Huổi Mắn, điểm cách trung tâm xã Nậm Chà hơn 80 km

Thầy “bảo mẫu”

Sớm tinh mơ, phụ huynh lần lượt chở con bằng xe máy lên trường. Người chở hai, người chở ba... cứ thế ùn ùn vào mỗi đầu giờ sáng, rồi họ trở về đi nương xa. Thầy Vàng Văn Anh đang phụ trách lớp trẻ 3 tuổi, với 28 cháu. Tất cả đều là con em người Mông ở khu tái định cư Huổi Mắn. Trống trường đã điểm. Học sinh ngay ngắn đợi thầy giảng bài. Có một cậu học sinh ngồi dãy đối diện cứ thút thít khóc mãi không thôi.

Thầy Vàng Anh nhẹ nhàng đến vỗ về, hỏi han. Thì ra hôm nay ở nhà có cỗ. Bố mẹ A Dơ, tên cậu bé, đưa đến lớp học rồi quay về “làm lý” theo phong tục người Mông. Biết vậy, A Dơ nằng nặc đòi về. Vừa nói, vừa hỏi, vừa lau nước mắt cho A Dơ, thầy Vàng Anh động viên, dỗ dành mãi cậu bé mới nghe lời rồi học bài tiếp.

Công việc của thầy Vàng Anh cứ thế trôi đi. Nhìn cách thầy ân cần chăm sóc, từ lau mặt, rửa chân tay, đến cho các cháu ăn, dỗ các cháu ngủ, chẳng chút ngại ngần hay nề hà bất cứ việc gì của một người trông trẻ. Từ lau dọn, làm vệ sinh sạch sẽ, đến dỗ dành cho trẻ nín khóc và không đòi về nhà. Từ dạy các cháu làm quen và hát bằng tiếng phổ thông, đến bày trò chơi, dạy các cháu múa. Tất cả đều tỉ mỉ, cẩn trọng, với tình cảm yêu thương, trìu mến.

Có lẽ vì thế, mà những em nhỏ 3 tuổi người Mông lần đầu đến lớp, đến trường, chưa quen với thầy với bạn, nhưng chỉ qua vài tuần đầu năm học, đến nay, tỉ lệ chuyên cần đến lớp của các cháu đều đạt 100%. Tuy luôn chân, luôn tay chăm sóc học trò, nhưng đôi lúc ánh mắt của thầy giáo trẻ lại hướng về ngọn núi phía trước sân trường.

Xã Mường Mô nơi ấy có vợ và 2 con nhỏ. Bé lớn đã vào lớp 1 và em nhỏ đang học mẫu giáo nhỡ. Nơi ấy đang thiếu hơi ấm của người chồng, người cha. “Nhìn thì gần vậy thôi, nhưng để về thăm vợ, thăm con phải mất vài ba tiếng chạy xe vượt gần 50 km đường rừng, dốc núi. Vì thế, mỗi tháng em chỉ tranh thủ về với gia đình một hoặc hai lần. Cũng nhớ các cháu lắm”, thầy Vàng Anh nói.

Ngoài giờ lên lớp, thầy Vàng Anh luôn chân, luôn tay thể hiện mình là một người đàn ông đích thực, gánh vác những công việc nặng nhọc. Khi thì hì hụi sửa chữa đồ chơi. Lúc lại tay kìm, tay búa, đóng vách, sửa lều, tạo khu vui chơi. Gọi là khu vui chơi chứ nó cũng chỉ là khoảng sân hẹp, thầy dùng mấy thân cây tre, dựng lên rồi tạo hình, lợp mái, rồi thiết kế chiếc bàn tre để trẻ chơi đùa, tránh nắng. Những đồ dùng, đồ chơi thầy tự tạo cũng là dụng cụ để giảng dạy mỗi tiết học thực tế.

Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi đi. Hàng ngày, thầy Vàng Anh vẫn cứ cần mẫn làm người “bảo mẫu”, chăm lo cho các em nhỏ như một người mẹ hiền. Dẫu đôi lúc không khỏi chạnh lòng trước những ánh nhìn nghi ngại, hay những câu trêu đùa vô vị của một số kẻ hiếu kỳ, nhưng với tình yêu dành cho trẻ em vùng cao và lòng tâm huyết với nghề nuôi dạy trẻ, thầy Vàng Anh vẫn kiên định bước đi trên con đường mà mình đã chọn và luôn tự hào là “mì chính cánh” của ngành Giáo dục mầm non.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ