Thầy A Mik ngồi xe lăn “thắp lửa” tương lai

GD&TĐ - Dù bị khiếm khuyết đôi chân, phải di chuyển bằng xe lăn nhưng thầy A Mik vẫn cố gắng vượt lên số phận để trở thành một giáo viên “thắp lửa” cho học trò nghèo.

Thầy A Mik hướng dẫn học sinh học tập.
Thầy A Mik hướng dẫn học sinh học tập.

Chiếc xe lăn trên bục giảng

Trường Tiểu học – THCS Đăk Rơ Wa (xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum, Kon Tum) có một lớp học “đặc biệt” của thầy A Mik. Ngồi trên chiếc xe lăn, dáng thầy thấp khiến vóc dáng ấy lọt thỏm giữa học trò.

Tranh thủ thời gian nghỉ giữa tiết, thầy A Mik ngược dòng thời gian kể: Khi lọt lòng mẹ, A Mik cũng như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng khi được hơn 1 tuổi sau một trận sốt thì chân phải của A Mik mất cảm giác rồi teo hẳn. Thời thơ ấu nhìn bạn bè tung tăng cắp sách tới trường, A Mik cũng thầm ước mình có được cái cảm giác lành lặn ấy. Lên 5 tuổi, A Mik bắt đầu bám vào tường, mép bàn, thành giường để tập đi.

Thương con hiếu học, bố mẹ A Mik lấy lưng thay chân nâng bước con đến trường. Đến năm A Mik lên cấp 2 nhà cách trường vài km, bố mẹ bận làm nương rẫy nên không thể đưa cậu bé đến lớp. Thương bạn khiếm khuyết, một người bạn gần nhà xung phong cõng A Mik đi học mỗi ngày. Từ đó, đôi bạn thân đội nắng, mưa, vượt suối đến trường.

A Mik nhớ lại, khi đó con đường dẫn đến trường bụi bay mù mịt. Mùa mưa thì trơn như đổ mỡ. Để đến được lớp học, tất cả học sinh trong làng phải vượt qua một con suối. Có những hôm A Mik và cậu bạn ngã sõng soài giữa suối, ướt sũng người.

“Trước đây, con đường đến trường đầy gian nan, khó nhọc, đặc biệt vào mùa mưa. Những hôm mưa mình và người bạn thường xuyên bị té ngã, quần áo và sách vở ướt hết. Để kịp giờ đến lớp, những hôm sau đó chúng mình đều mang thêm 1 bộ quần áo, nếu có té ngã còn có đồ thay. Còn sách vở mình bọc kĩ vào túi nilong để không bị ướt, rách”, thầy A Mik kể.

Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, bạn bè A Mik quyết tâm thi vào Trường PTDTNT tỉnh để ở lại bán trú. Không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, gia đình, A Mik đã đậu vào ngôi trường mà bản thân hằng mong ước. Mặc dù, trường nội trú chỉ cách nhà khoảng 7km nhưng vì đôi chân khiếm khuyết nên A Mik ở lại nội trú trong trường. Để không ảnh hưởng đến mọi người, A Mik tập làm quen với môi trường mới và học cách tự chăm sóc cá nhân.

Thầy A Mik khó nhọc di chuyển từ xe lăn lên xe máy để mang con chữ đến cho học trò nghèo.
Thầy A Mik khó nhọc di chuyển từ xe lăn lên xe máy để mang con chữ đến cho học trò nghèo.

Hạnh phúc giản đơn

Từ nhỏ sống quanh quẩn trong làng, cậu bé A Mik thấu hiểu những khó khăn, vất vả và thiếu thốn mà học sinh nơi đây trải qua. Do đó, A Mik luôn mong muốn trở thành một giáo viên để dạy con chữ cho học sinh nghèo như người bố của mình. Thế rồi A Mik cũng đậu Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum và chạm tay vào ước mơ trở thành giáo viên của mình.

Sau một thời gian giảng dạy tại Trường Tiểu học – THCS Đăk Rơ Wa, năm 2014 thầy A Mik kết hôn với một người phụ nữ ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). Khi con vừa tròn 2 tuổi, cuộc sống quá khó khăn nên vợ thầy vào miền Nam để tìm việc làm. Vợ vắng nhà, con còn quá nhỏ nên thầy A Mik vừa làm cha, vừa làm mẹ. Thời gian đứng trên bục giảng thầy lại gửi con cho bố mẹ ở nhà chăm sóc.

Đêm nào cũng vậy, vì vắng hơi mẹ, đứa con mới tròn 2 tuổi cứ ngằn ngặt khóc. Để con bớt quấy khóc, thầy thường xuyên gọi điện cho vợ để con được nghe giọng mẹ. Tuy nhiên, sau vài lần về thăm nhà vợ thầy A Mik bỗng “bặt vô âm tín”. Dù thầy có cố gắng liên lạc nhưng bất thành, từ đó 2 cha con nương tựa nhau sống qua ngày.

Bất hạnh chưa dừng lại tại đây, năm 2020 trong một lần thăm bạn trở về nhà thầy A Mik gặp tai nạn. Chiếc chân trái từ lành lặn bỗng bị vỡ bánh chè. Thầy A Mik phải nằm viện chữa trị suốt 1 tháng. Tuy nhiên, đến nay thầy vẫn chưa thể di chuyển trên đôi chân của mình. Mọi sinh hoạt thường ngày đều phụ thuộc vào chiếc xe lăn.

Thời gian đầu chưa quen với việc di chuyển trên xe lăn nên không ít lần thầy A Mik ngã nhào. Vết thương ở chân trái chưa lành lại bị va đập nên cơn đau kéo dài ngót tuần.

“Có những lúc mình bất lực với cuộc sống hiện tại vì bản thân không thể đi lại và sinh hoạt như người bình thường. Khi đó mình muốn buông xuôi tất cả. Nhưng thấy người con mới lên 7 tuổi ngây thơ, non nớt mình lại dẹp bỏ những suy nghĩ tiêu cực. Mình động viên bản thân cố gắng vươn lên để con có một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc”, thầy A Mik nói.

Sau nhiều lần té ngã, giờ đây thầy A Mik có thể tự di chuyển từ nhà đến trường để dạy con chữ cho học trò nghèo. Tuy nhiên, việc vệ sinh cá nhân thầy vẫn phải nhờ đồng nghiệp và học sinh hỗ trợ.

“Mặc dù bất hạnh hơn những người khác nhưng mình may mắn có gia đình, đồng nghiệp và các em học sinh ở cạnh bên. Mình hy vọng rằng có thể mang con chữ đến với học sinh nghèo để các em vươn lên, sau này có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mình cũng rất hạnh phúc khi cậu con trai mới lên 7 tuổi nhưng rất hiểu chuyện. Ở nhà cháu là người giúp đỡ mình trong việc vệ sinh cá nhân và dọn dẹp nhà cửa. Do đó, dù có đau đớn, cực khổ thế nào chỉ cần có con bên cạnh là mọi mệt mỏi đều tan biến. Mình sẽ cố gắng kiên cường để làm chỗ dựa vững chắc cho con”, thầy A Mik nói.

Thầy Phan Đình Kiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đăk Rơ Wa, cho biết, mặc dù đôi chân bị khiếm khuyết nhưng thầy A Mik luôn cố gắng, nỗ lực trong công tác dạy học. Bên cạnh đó, thầy A Mik là một trong những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Qua đó, giúp các em học sinh dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ kiến thức. Đồng thời thầy A Mik cũng thường xuyên học hỏi, trau dồi và nâng cao năng lực chuyên môn.

Vị hiệu trưởng còn cho hay, thầy A Mik cũng là người truyền cảm hứng cho giáo viên và học sinh trong trường cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

“Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thầy A Mik nhà trường bố trí cho thầy dạy ở tầng trệt. Khi đến môn học của thầy A Mik học sinh sẽ chủ động di chuyển xuống lớp học”, thầy Kiên nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ