Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho rằng thất bại của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga sẽ dẫn đến tổn thất kinh tế to lớn cho các nước thành viên liên minh.
Theo ông Rutte, việc khôi phục khả năng răn đe và tăng cường phòng thủ của NATO trong trường hợp Kyiv thất bại sẽ tiêu tốn không phải hàng tỷ mà là hàng nghìn tỷ USD, viễn cảnh trên sẽ đòi hỏi các nước thành viên phải tăng đáng kể chi tiêu quân sự.
Tại một cuộc thảo luận về Ukraine bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Rutte nhấn mạnh rằng sự thất bại của Ukraine sẽ là một thách thức chiến lược đối với toàn bộ liên minh.
Tổng thư ký NATO lưu ý: “Nếu Ukraine thua, chúng tôi sẽ không nói về 2% GDP như hiện tại dành cho quốc phòng mà là khoảng 3% hoặc thậm chí nhiều hơn”. Theo đó, những chi phí bổ sung này là cần thiết để khôi phục cán cân quyền lực và ngăn chặn xung đột tiếp theo với Nga.
Kể từ khi được bổ nhiệm làm Tổng thư ký NATO, ông Rutte đã tích cực thúc đẩy ý tưởng tăng chi tiêu quân sự của các nước thành viên liên minh.
Tuy nhiên đề xuất này vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia, đặc biệt là những nước đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế. Mặc dù vậy Tổng thư ký NATO nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét lại cách tiếp cận tài chính quốc phòng.
“Bây giờ là lúc chúng ta chuyển hướng suy nghĩ sang thời chiến”, ông Rutte nói trong cuộc họp của Ủy ban quân sự NATO ở cấp tham mưu trưởng một tuần trước đó.
Ông Rutte cũng nhấn mạnh rằng những thành công quân sự của Ukraine đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo ổn định lâu dài ở châu Âu, việc hỗ trợ Kiev hiện nay ít tốn kém hơn nhiều so với chi phí quốc phòng có thể phải triển khai trong tương lai.
Vấn đề nữa cần lưu ý đó là sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump về việc tạm dừng 90 ngày trong việc cung cấp hỗ trợ quốc tế không ảnh hưởng đến các chương trình viện trợ vũ trang cho Ukraine. Lầu Năm Góc đã xác nhận điều này với ban Tiếng Ukraine của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Hỗ trợ an ninh cho Ukraine không bị hạn chế bởi sắc lệnh gần đây về viện trợ nước ngoài, vì nó chỉ áp dụng cho các chương trình phát triển chứ không áp dụng cho lĩnh vực quân sự ”.
Điều này có nghĩa là những hợp đồng sản xuất vũ khí cho Ukraine theo chương trình USAI do chính quyền Tổng thống Biden thực hiện vẫn còn nguyên hiệu lực.