Thắp sáng ước mơ cho trẻ thiệt thòi

GD&TĐ - Những chuyến thiện nguyện khám bệnh, phát thuốc cho người dân và tặng quà cho các em thiếu nhi vùng dân tộc luôn để lại ấn tượng khó quên với các y bác sĩ. Từ những chuyến đi ấy, nhiều em nhỏ, người già được phát hiện bệnh, tư vấn và điều trị miễn phí. Những mảnh đời khó khăn cũng được bác sĩ nâng bước tới trường nhờ phần quà, học bổng…  

Món quà tuy nhỏ nhưng đủ để tiếp sức cho học trò vùng cao
Món quà tuy nhỏ nhưng đủ để tiếp sức cho học trò vùng cao

Đồng hành cùng thầy - trò

Thường xuyên tiếp xúc với người bệnh miền núi, dân tộc thiểu số nên các bác sĩ luôn thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi mà người dân, trẻ nhỏ phải trải qua. Có lẽ vậy nên họ cứ đau đáu trong lòng việc tổ chức các chuyến đi thiện nguyện để khám bệnh, giúp đỡ người dân và các em nhỏ.

Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cùng tổ chức chuyến thiện nguyện hướng về bà con vùng cao Tây Bắc. Là địa phương khó khăn nhất của tỉnh cộng với đặc thù địa hình phức tạp, Chiềng Xuân (Vân Hồ, Sơn La) là điểm nóng về an ninh trật tự. Đời sống người dân cũng vô cùng khó khăn. Quanh năm suốt tháng, người dân trông vào cây ngô, cây khoai, sắn nên mưa thuận gió hòa thì đủ ăn, nếu không, người dân chịu cảnh đói ăn mùa giáp hạt.

Kết thúc mỗi chuyến đi thiện nguyện là một lần các y bác sĩ thắp sáng ước mơ đến trường cho trẻ em vùng khó. Mỗi đứa trẻ thêm cơ hội đến trường, mỗi người dân vơi bớt khó khăn trong cuộc sống lại tiếp thêm động lực cho họ tiếp tục hành trình hướng về cơ sở. 

Kinh tế khó khăn nên những đứa trẻ nơi đây cũng không được phổng phao như các bạn cùng trang lứa. Việc học hành của chúng vì thế cũng phập phù bởi nhiều gia đình không ưa… cái chữ. Để san sẻ bớt khó khăn với gia đình, nâng bước, thắp sáng ước mơ tới trường cho các em, đoàn thiện nguyện 2 bệnh viện đã trao tặng 204 suất quà cho các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Chiềng Xuân (bao gồm sữa, mỳ tôm, sách vở...). Các thầy cô của trường cũng nhận được món quà đặc biệt, đó là công trình vệ sinh do Bệnh viện Nội tiết xây dựng.

Công trình vệ sinh rộng rãi, đáp ứng các tiêu chí môi trường được bệnh viện đầu tư xây dựng với kỳ vọng giúp thầy cô và các em học sinh vùng cao có nơi vệ sinh sạch sẽ, kín đáo tránh tình trạng quá tải. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện chất lượng giáo dục nhà trường, đặc biệt là các trường vùng cao có học sinh, giáo viên bán trú như Chiềng Xuân.

Chia sẻ với thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Chiềng Xuân, PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Các chương trình thiện nguyện trở thành hoạt động thường niên của bệnh viện. Hàng năm, chúng tôi đều lựa chọn những điểm trường và xã khó khăn tại các tỉnh vùng cao để thực hiện công tác khám chữa bệnh, đồng thời trao những suất quà ý nghĩa tới học sinh và người dân. Những món quà tuy không lớn về vật chất nhưng hy vọng phần nào làm vơi bớt khó khăn trong cuộc sống cho các hộ gia đình cũng như góp phần động viên, khích lệ các em cố gắng phấn đấu đạt thành tích cao hơn trong học tập.

Phẫu thuật miễn phí cho ca bệnh nặng

Phẫu thuật miễn phí cho ca bệnh nặng

San sẻ khó khăn với người bệnh

Hướng về cơ sở là trọng trách nhưng cũng là mong muốn ẩn chứa trong tim mỗi nhân viên y tế. Trong mỗi chuyến đi thiện nguyện, các bác sĩ không chỉ trao quà, hỗ trợ các gia đình, học sinh và thầy cô vùng khó mà họ còn thực thi nhiệm vụ của mình. Đó là khám bệnh, tư vấn, phát thuốc cho người dân. Có rất nhiều người già, em nhỏ được bác sĩ phát hiện bệnh, tư vấn cách điều trị tại tỉnh nhà hoặc chuyển về bệnh viện tuyến cuối.

Trong chuyến thiện nguyện tại Chiềng Xuân vừa qua, đoàn công tác đã thăm khám và phát hiện tỷ lệ lớn người dân mắc các bệnh lý về đường huyết, cao huyết áp, bệnh về mắt… trong đó tỷ lệ người dân mắc bướu cổ ở mức rất cao. Các bác sĩ cũng phát hiện ca bệnh “đặc biệt”, người phụ nữ 70 tuổi tên Lầu Thị Sua nhưng có 30 năm mang khối u khổng lồ ở cổ. 30 năm sống chung với khối u, bà chưa một lần có ý định tìm hiểu nguyên nhân hay điều trị nó. Chỉ biết, khối u to dần lên sau mỗi lần sinh con. Khi con cái đến tuổi trưởng thành, khối u cũng choán hết vùng cổ của bà.

Theo đánh giá của bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, khối u của bà Sua có dấu hiệu chèn ép khiến bà thường xuyên rơi vào tình trạng khó thở, ăn uống kém, người mệt mỏi. Nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ rất nguy hiểm tới sức khỏe. Do khối u quá lớn nên các bác sĩ đã động viên gia đình đưa người bệnh xuống viện để điều trị.

PGS. TS Trần Ngọc Lương cho biết: Bệnh viện sẽ tạo điều kiện tốt nhất để bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật sớm. Đồng thời sẽ cho bệnh nhân làm một số xét nghiệm, đánh giá nguy cơ ung thư trước khi phẫu thuật. Để bệnh nhân yên tâm điều trị cũng như chung vai gánh bớt khó khăn với gia đình, Bệnh viện Nội tiết sẽ miễn phí toàn bộ chi phí phẫu thuật và điệu trị tại viện. Còn chi phí đi lại, ăn ở tại Hà Nội của người bệnh và người nhà sẽ do Ủy ban Nhân dân huyện Vân Hồ hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.
Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.