Thắp lên ước mơ đàn ca trên vai cha già

GD&TĐ - Ngoài thời gian chạy xe ôm, ông Nguyễn Văn Hạnh (thôn Thọ Vực, xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) tranh thủ mỗi khi vắng khách nhặt ve chai kiếm đồng ra đồng vào duy trì sự sống cho con trai học năm cuối khoa Nhạc cụ truyền thống chống cự với căn bệnh suy thận.

Hai cha con ông Nguyễn Văn Hạnh thường đợi nhau rồi cùng ăn cơm
Hai cha con ông Nguyễn Văn Hạnh thường đợi nhau rồi cùng ăn cơm

Chàng “Trương Chi” với tình yêu cây sáo

Đến thăm ký túc xá nhà A, Học viện Âm nhạc quốc gia tầng 4 phòng 404 khi đồng hồ đã điểm 20 giờ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì lúc này mới là giờ ăn cơm tối của hai cha con ông Nguyễn Văn Hạnh. 

Bữa cơm giản dị được người cha chạy xe ôm mua vội trên đường về ký túc xá chỉ vỏn vẹn có bún tươi, đậu trắng và một ít rau thơm. Gắp thức ăn cho con trai, ông Hạnh mỉm cười trong nghẹn ngào: 

“Chú thì thế nào cũng xong nhưng lo cho em nó đang bị suy thận phải kiêng khem những thức ăn dầu mỡ, đồ mặn. Cũng bảo chuẩn bị cho nó ăn sớm nhưng Linh không chịu mà bảo chờ bố về rồi cùng ăn cho có bố có con”.

Đón tiếp chúng tôi trong sự niềm nở, Linh nhanh nhảu mời nước mà thoạt nhìn có lẽ chẳng ai tin chàng sinh viên khoa Nhạc cụ truyền thống bị khiếm thị bẩm sinh. 

Ngồi chia sẻ niềm đam mê thổi sáo của mình, giọng Linh tràn đầy lạc quan: Mình cũng chẳng có bí quyết gì ngoài nghe sáo nhiều rồi ngấm chất dần dần. 

Sau đó, lên mạng học hỏi thêm về âm điệu và nghe cách biểu diễn, khi thầy dạy trên lớp mình thu âm lại để rảnh rỗi lại mở ra nghe học hỏi.

Trước khi học tại Nhạc viện, Nguyễn Văn Linh đã học văn hóa tại Trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Ngoài học văn hóa, thầy cô trong trường tạo điều kiện cho cậu học thêm âm nhạc, tin học. 

Chàng “Trương Chi” bén duyên gắn bó với tình yêu cây sáo cũng từ ngày ấy. Khả năng âm nhạc của Linh tiến bộ khá nhanh. Sau đó, Linh tham gia chơi sáo trúc cùng đội văn nghệ của trường.

Năm 2009, Linh thi đỗ khoa Nhạc cụ truyền thống - bộ môn sáo trúc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cậu được mời tham gia trong ban nhạc “Hy vọng” dành cho học sinh khiếm thị) của thầy Tôn Thất Triêm.

Cuộc sống tưởng chừng yên ổn nhưng thật không may, một tai họa tiếp tục xảy đến với cậu sinh viên khiếm thị và gia đình khi phát hiện Linh bị mắc bệnh suy thận. 

Người cha già sắp bước sang tuổi lục tuần lại phải gồng mình chọn cách ra Hà Nội giúp con đi học đồng thời chạy thận. Được nhà trường tạo điều kiện cho hai bố con ở chung ký túc xá, ông Hạnh tiện bề chăm sóc cho Linh và chạy xe ôm để duy trì tiền thuốc cho con trai.

Trên đường chạy xe thấy có vỏ chai, rác có thể đem bán lấy tiền, người cha già với nước da đen sạm, nếp nhăn hằn sâu trên trán cặm cụi tích tiểu thành đại để kiếm đồng ra đồng vào chi tiêu cho hai bố con.

Nói về con trai, ông Hạnh không cầm nổi nước mắt bày tỏ: “Bao nhiêu cái bệnh cứ ám vào thân cháu cả, nếu 15 ngày ngừng chạy thận là mất con. Mong muốn được gánh vác bệnh tật để cháu yên ổn học hành cũng không được”.

Gia đình mỗi nơi một nửa

Tại quê nghèo Thanh Hóa, mấy sào ruộng đều do một tay mẹ của Linh cáng đáng. Anh trai Nguyễn Văn Tùng (1989) sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội mở tiệm sửa chữa điện tử gần nhà để đỡ đần mẹ đồng thời làm kiếm tiền gửi ra cho bố. 

“Mỗi tháng, cả gia đình tôi phải xoay xở cho ra 7 triệu đồng lo cho Linh. Bởi tuần nào cũng đều đưa Linh đến viện chạy thận ba lần, chi phí chạy thận có bảo hiểm nhưng tiền thuốc rất đắt mỗi lần cũng hết ngót nghét 3 triệu. 

Hiện tại tiền xe ôm của tôi cũng chỉ kiếm được ngần đó. Số tiền còn lại chỉ còn cách trông chờ vào mẹ con nó ở quê gửi ra” - Ông Hạnh rầu rĩ tâm sự.

Từ khi biết mình bị suy thận mỗi ngày trôi qua Linh đều lấy tiếng sáo làm niềm vui cuộc sống. Những bản dân ca, quan họ như Bèo dạt mây trôi, Cây trúc xinh… thường được chàng “Trương Chi” cất lên khiến người đối diện không khỏi ngưỡng mộ bởi giai điệu mượt mà sâu lắng. 

Linh chia sẻ: Mình rất thương bố mẹ vì bố mẹ đến tuổi nghỉ ngơi rồi nhưng vẫn phải theo con chữa trị bệnh tật. Bây giờ gia đình mỗi nơi một nửa, hai mẹ con dưới quê, hai bố con trên này, tất cả tình yêu thương của gia đình đều dành cả cho mình. 

Mong muốn bệnh tật được giảm đi phần nào để mình tiếp tục học hết đại học, sau này ra trường có công việc ổn định có thể tự lo được cho cuộc sống.

Công việc học tập và niềm đam mê với cây sáo của cậu sinh viên Nhạc Viện Nguyễn Văn Linh cũng bị ảnh hưởng từ khi bị suy thận. Linh tâm sự: 

“Chạy thận lâu ngày, mỗi ngày 4 tiếng khiến ven nổi to làm mình mệt mỏi, uể oải. Trước mắt mình là kỳ thi tốt nghiệp sắp tới cũng căng thẳng khi sức khỏe mình yếu đi. Đôi khi cũng có những lúc yếu lòng chỉ muốn buông xuôi nhưng vì gia đình, vì mọi người nên mình cố gắng vượt qua”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ