Tháo 'nút thắt' tuyển sinh, đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật

GD&TĐ - Nhiều trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật gặp không ít khó khăn, bất cập trong tuyển sinh và đào tạo. Vì vậy, cần có giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Tiết mục biểu diễn của sinh viên Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: Minh Trí
Tiết mục biểu diễn của sinh viên Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: Minh Trí

Khan hiếm người học

Đào tạo văn hóa, nghệ thuật được xác định là đặc thù. TS Hà Đình Hùng - Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa viện dẫn, với các bộ môn thuộc loại hình nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương, kịch, hát, múa gặp nhiều khó khăn do bị chi phối và phụ thuộc vào các phương tiện nghe nhìn hiện đại.

“Đất sống” của các bộ môn nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị thu hẹp dần bởi tác động từ sự thay đổi thị hiếu. Đây là nguyên nhân sâu xa khiến người học và đội ngũ nhân lực các bộ môn nghệ thuật truyền thống ngày càng thưa dần, thiếu hụt.

“Mặc dù đã có một số chính sách ưu đãi của Nhà nước, song việc tìm tòi, học hỏi, học tập các bộ môn nghệ thuật truyền thống trong giới trẻ ngày càng suy giảm”, TS Hà Đình Hùng quan ngại và nhìn nhận, phát triển đội ngũ sáng tạo của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đang đứng trước nhiều thách thức.

Một phần do tính chất đặc thù của nghề nghiệp, thứ nữa do điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi với việc coi trọng các ngành, nghề liên quan đến kinh tế, kỹ thuật... vốn đem lại thu nhập nhiều hơn so với những ngành, nghề trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Hiện hầu hết đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống bị thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn nhân lực, đó là nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công để duy trì hoạt động biểu diễn, lao động sáng tạo. Có nhiều nguyên nhân (cả khách quan lẫn chủ quan) dẫn đến thực trạng này.

Về phía đơn vị sự nghiệp, do sự già hóa của đội ngũ, trong khi nguồn bổ sung lại khan hiếm, không đủ tính kế thừa. Sự quay lưng của một bộ phận khán giả, công chúng do ảnh hưởng không nhỏ từ sự bùng nổ của phương tiện nghe, nhìn hiện đại thời kỳ công nghệ số và các nền tảng nghe nhìn mạng xã hội. Chưa kể, khi lương và nguồn thu nhập từ nghề không thỏa mãn, nghệ sĩ có xu hướng thoát ra khỏi lĩnh vực công để tìm hướng đi riêng.

Mặt khác, nguồn cung ứng đội ngũ nhân lực chủ yếu là các cơ sở đào tạo trong nước; phần nhiều thuộc loại hình cơ sở đào tạo đặc thù, tức là đào tạo tài năng, năng khiếu. Trong khi đó, kết quả tuyển sinh các ngành nghệ thuật truyền thống thường khá thấp, chỉ giữ tỷ trọng rất nhỏ trong tổng chỉ tiêu của cơ sở đào tạo.

Theo TS Hà Đình Hùng, nhiều trường văn hóa nghệ thuật địa phương phải tiến hành đa ngành để tìm kiếm người học. Cũng có một số chế độ chính sách hỗ trợ đặc thù của Nhà nước, thậm chí có sự kết hợp giữa nhà trường và nhà tuyển dụng nhưng người học chưa thực sự mặn mà.

Có trường hợp đã theo học nhưng sau khoảng 2 năm, người học lại rẽ ngang tìm hướng đi riêng. Tất cả nguyên nhân trên dẫn đến tình trạng thiếu chỉ tiêu, trống ngành trong các cơ sở đào tạo nghệ thuật. Thực trạng này diễn ra trong thời gian dài và chưa có giải pháp triệt để.

tuyen-sinnh-dao-tao-linh-vuc-van-hoa-nghe-thuat-1.jpg
Vở diễn tốt nghiệp của sinh viên lớp Diễn viên Chèo K33, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường

Cải tiến chương trình đào tạo

Cũng theo TS Hà Đình Hùng, phần lớn hiểu biết của xã hội hiện nay “quy đồng” đào tạo tài năng, năng khiếu nói chung và đào tạo bộ môn nghệ thuật nói riêng giống như đào tạo đại trà. Chi phí đào tạo các bộ môn nghệ thuật ở Việt Nam có thể chỉ thua hoặc xấp xỉ bằng ngành Y.

Dù đã có chính sách, cơ chế nhưng chưa thể bù đắp, nhất là trong giai đoạn thực thi tự chủ đại học về tài chính như hiện nay. Một số cơ sở đào tạo chấp nhận trống ngành nhiều năm do chi phí đào tạo lớn, đầu tư cơ sở vật chất đắt đỏ, quy mô tuyển sinh thấp, quá trình tuyển chọn khắt khe và yêu cầu dạy học khác biệt, đòi hỏi sự kéo dài.

Lấy dẫn chứng từ hoạt động đào tạo mỹ thuật, GS.TS Trương Quốc Bình - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận thấy những bất cập trong chương trình đào tạo họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc…

Dù có những thay đổi, nhưng nhìn chung chương trình đào tạo còn lạc hậu, khô cứng, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội. Các kiến thức và phương pháp học hiện đại ít được áp dụng. Kiến thức, trường phái nghệ thuật hiện đại và đương đại hầu như không được đưa vào giảng dạy trong trường.

Theo GS.TS Trương Quốc Bình, đào tạo mỹ thuật là chuyên ngành đặc thù, nên không thể tuân theo khung chương trình cứng như hiện nay. Để thay đổi tình trạng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng và ban hành ngay những quyết sách về chương trình đào tạo. Nên chăng cho phép và tạo điều kiện để mỗi trường mỹ thuật có những phương cách đào tạo riêng biệt theo hướng mở giữa nhà trường và các hoạt động nghệ thuật trong xã hội.

Ngoài ra, mỗi trường phải trở thành trung tâm nghệ thuật với những hoạt động của các xưởng nghệ thuật, phòng triển lãm, các buổi trao đổi và dự án nghệ thuật xã hội. “Để xây dựng được mô hình cụ thể, chúng ta có thể tham khảo các nước như: Pháp, Thụy Điển… hoặc mô hình đào tạo của Trung Quốc”, GS.TS Trương Quốc Bình gợi mở.

Ở Đức, các trường đại học nổi tiếng có hệ thống đào tạo văn hóa nghệ thuật được xem là một trong những mô hình tốt nhất thế giới. TS Đặng Thị Lan - Khoa Piano và Thanh nhạc (Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) cho hay. Với sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và sáng tạo, các trường không chỉ tập trung vào việc truyền dạy kiến thức chuyên ngành, mà còn đặc biệt nhấn mạnh sự phát triển tư duy sáng tạo và khả năng tự do sáng tạo của sinh viên.

Các chương trình đào tạo nghệ thuật được thiết kế linh hoạt và đa dạng, bao gồm nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, hội họa, điện ảnh, thiết kế và kiến trúc. Sinh viên được tiếp cận với những phương pháp và công nghệ mới nhất, từ đó nâng cao khả năng sáng tạo và thực hiện các dự án nghệ thuật độc đáo và ấn tượng.

Ngoài ra, cơ sở vật chất và công nghệ hiện đại tại các trường ở Đức cũng được đánh giá cao. Sinh viên được trang bị phòng học, thực hành, biểu diễn, ghi âm, studio thiết kế và các thiết bị hiện đại nhất để phục vụ quá trình học tập, sáng tạo; từ đó phát triển kỹ năng thực hành và thực hiện các dự án nghệ thuật có chất lượng cao.

“Tại Trung Quốc, chúng ta có thể thấy hệ thống trường đào tạo rất đa dạng, phong phú, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại”, TS Đặng Thị Lan viện dẫn, đồng thời chia sẻ, các trường đại học và học viện nổi tiếng như: Học viện Nghệ thuật Trung ương Bắc Kinh, Học viện Âm nhạc Thượng Hải, Học viện Điện ảnh Bắc Kinh đều chuyên đào tạo các lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, múa, hội họa, điện ảnh và sân khấu.

Ngoài các cơ sở giáo dục công lập, còn tồn tại nhiều trường tư thục và trung tâm đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực nghệ thuật. Các trường đại học, học viện rất chú trọng phát hiện và phát triển tài năng nghệ thuật từ khi tuổi nhỏ. Nhiều trường phổ thông và trung học cũng thiết lập các chương trình đào tạo nghệ thuật chuyên sâu, giúp học sinh phát triển năng khiếu từ sớm.

“Các môn nghệ thuật truyền thống như: Kinh kịch, múa dân gian và thư pháp tiếp tục được giảng dạy rộng rãi. Đồng thời, ngành nghệ thuật hiện đại và đương đại cũng nhận được sự khuyến khích để phát triển mạnh mẽ”, TS Đặng Thị Lan trao đổi

Từ những mô hình đào tạo văn hóa nghệ thuật của các nước phát triển trên thế giới và thực tiễn đào tạo trong nước, TS Đặng Thị Lan đề xuất cải tiến chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa nghệ thuật trong nước. Trước tiên, cần thực hiện khảo sát toàn diện về nhu cầu và xu hướng của thị trường văn hóa nghệ thuật hiện đại, từ đó xác định nội dung chương trình đào tạo phù hợp.

tuyen-sinnh-dao-tao-linh-vuc-van-hoa-nghe-thuat-3.jpg
Thí sinh dự thi năng khiếu vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2024. Ảnh: TG

Cần chính sách hỗ trợ như sinh viên sư phạm

Đào tạo các bộ môn nghệ thuật truyền thống phải được xác định như một loại hình đào tạo đặc biệt. TS Hà Đình Hùng cho rằng, cần có cơ chế đặc thù, phù hợp cho các cơ sở đào tạo theo hướng cởi “nút thắt”. Trước tiên, với những trường có đào tạo bộ môn này, nên cho phép đa dạng bậc, hệ, loại hình theo hướng liên thông, liên tuyến.

Duy trì hình thức giao nhiệm vụ đào tạo gắn với kinh phí theo hình thức đặt hàng. Với các bộ môn nghệ thuật truyền thống, Nhà nước cam kết hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo (học phí) và sắp xếp vị trí việc làm sau tốt nghiệp (các nhà hát, đoàn nghệ thuật trực thuộc) để người học yên tâm học tập, phấn đấu cống hiến.

“Nếu có cơ chế hỗ trợ tài năng, cùng với vị trí việc làm đã được định biên và cơ chế lương, thu nhập ổn định thì các ngành đào tạo văn hóa, nghệ thuật vừa đảm bảo ổn định chỉ tiêu, khắc phục được tình trạng khó tuyển sinh, hiếm người học; vừa được bổ sung nguồn nhân lực thường xuyên cho các đoàn nghệ thuật, nhà hát, đơn vị sáng tạo nghệ thuật trong nước”, TS Hà Đình Hùng nhấn mạnh.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Từ chính sách này, TS Hà Đình Hùng gợi mở, thời gian tới các cơ sở đào tạo nên xem xét đề xuất về tính chất đặc thù đào tạo các ngành nghệ thuật nói chung, đào tạo các bộ môn nghệ thuật truyền thống nói riêng về cơ chế hỗ trợ như đào tạo giáo viên. Song song với chính sách, cơ chế đổi mới để thu hút, hỗ trợ người học cần có cơ chế để động viên, khuyến khích giảng viên trong các cơ sở đào tạo này, đặc biệt về cơ chế lương, hệ số đặc thù và hệ số giờ giảng.

Nghệ thuật là thành tố quan trọng của văn hóa. Do đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Thức - Khoa Sau đại học, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho rằng, các cơ sở đào tạo nghệ thuật cần chú ý đến tính đặc thù, chuyên biệt và yêu cầu đào tạo tài năng để không ngừng đổi mới nội dung và quy trình đào tạo. Cập nhật những thành tựu đào tạo nghệ thuật của các nước tiên tiến trên thế giới.

Cần đổi mới cách tuyển sinh, chú trọng đến phát hiện tài năng. Lâu nay, một số cơ sở đào tạo nghệ thuật thực hiện quy trình tuyển sinh thu hút học sinh theo học bằng cách thi tuyển năng khiếu nghệ thuật, với hệ số điểm cao hơn các môn thi khác. Cách làm này chọn được người học có năng khiếu nhưng có thể bỏ sót nhiều em có năng khiếu nhưng do điều kiện, hoàn cảnh không có cơ hội theo học.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Thức, thời gian tới, Nhà nước cần có cơ chế “mở” hơn trong tuyển sinh, đào tạo nghệ thuật nhằm thu hút các năng khiếu nghệ thuật có cơ hội theo học. Các cơ sở đào tạo cần tìm về những vùng đất khởi nguồn, có truyền thống về loại hình nghệ thuật để khuyến khích con cháu, người dân ở vùng đất đó giữ nghệ thuật truyền thống của quê hương, tiếp nối nghề của cha ông.

Ngoài ra, cần đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất cho việc dạy và học. Trong giáo dục có ba vấn đề quan hệ mật thiết với nhau: Người dạy - người học - công nghệ. Các cơ sở đào tạo cần chú ý đến tính đặc thù, chuyên biệt mỗi loại hình nghệ thuật để đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện công nghệ phù hợp đảm bảo chất lượng dạy và học.

Đào tạo nghệ thuật không chỉ có học lý thuyết trên giảng đường để có kiến thức xây dựng cơ sở lý luận về ngành học, mà rất cần thực hành để có kỹ năng hoạt động nghệ thuật. Có loại hình nghệ thuật thực hành mang tính chất cầm tay chỉ việc, dạy theo cách truyền nghề trực tiếp.

Cho nên, chương trình đào tạo cần cơ cấu có số giờ nhất định thực hành nghệ thuật. Trong khi các trường chưa có đủ cơ sở vật chất chuẩn phục vụ đào tạo thì cần liên kết với các doanh nghiệp, dịch vụ tư nhân, đơn vị nghệ thuật để cùng tham gia.

Theo TS Đặng Thị Lan, cần xây dựng hệ thống đánh giá và phản hồi thường xuyên để cập nhật, điều chỉnh chương trình giảng dạy sao cho phù hợp với sự phát triển của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước. Đồng thời, xây dựng các chương trình đào tạo linh hoạt, tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên phát triển ý tưởng cá nhân, khám phá phong cách nghệ thuật riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...