Tháo “nút thắt” cho cơ chế tự chủ ở trường đại học

GD&TĐ - Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi đã đề cập sâu hơn đến sự tự chủ của các trường. Tuy vậy, để cơ chế tự chủ thật sự trở thành “bàn đạp” nâng bước cho chất lượng hệ thống GDĐH nước nhà, vẫn cần rất nhiều góp ý. PV Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM về vấn này.

SV Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM
SV Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM

Ông đánh giá thế nào về những sửa đổi bổ sung trong Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi (bản cuối) về tính tự chủ của các trường ĐH vừa qua?

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn

- Theo dự thảo luật thì các trường đại học đã được tăng cường tính tự chủ trong hầu hết tất cả các lĩnh vực, các trường được tự chủ về chương trình đào tạo, tổ chức bộ máy, tài chính… và trong dự thảo lần này đã tạo sự bình đẳng hơn giữa các trường công lập và tư thục.

Với các trường công lập thì vai trò của Hội đồng trường đã được nâng cao hơn, đây thực sự là Hội đồng quyền lực để quản trị trường đại học, đồng thời cũng mở rộng đối tượng tham gia và bầu chọn chặt chẽ hơn. Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước được thể hiện trong việc định hướng chính sách vĩ mô và kiểm tra, giám sát là chủ yếu. Đánh giá chung là dự thảo luật lần này đã có nhiều sửa đổi giúp các trường nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm giải trình xã hội nhiều hơn.

Từ thực tiễn thực hiện cơ chế tự chủ mà nhà trường đã theo đuổi, ông có thể chia sẻ đôi điều mà Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đã làm để mang lại sự đột phá trong thời gian qua?

- Với Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩmTPHCM thì từ khi được phép thí điểm cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình xã hội từ năm 2015 đến nay nhà trường đã chủ động hơn trong việc đầu tư về cơ sở vật chất cũng như các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Từ chỗ nhà trường chỉ có gần 35 Tiến sĩ với 12 ngành đào tạo đại học đến nay trường đã có đội ngũ gần 120 GS, PGS, Tiến sĩ để đào tạo 6 ngành thạc sĩ, 23 ngành đại học; Trung tâm Thí nghiệm - Thực hành mới được đầu tư có chiều sâu với kinh phí hàng trăm tỷ; đầu tư gần 120 tỷ để mở rộng khu học tập và thể thao cho sinh viên và cán bộ, giảng viên.

Trường là một trong số 28 trường được kiểm định chất lượng giáo dục đầu tiên theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT; các chương trình đào tạo đại học được tiến hành kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA và tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt trường đã tổ chức được học kỳ doanh nghiệp để sinh viên sớm tiếp cận doanh nghiệp; đưa chương trình huấn luyện về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào chương trình đào tạo cho sinh viên đại học…

Thực sự cơ chế tự chủ đã tạo điều kiện để nhà trường chủ động trong mọi hoạt động của mình và bản thân toàn bộ đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của trường cũng nâng cao được ý thức trách nhiệm của mình với người học, với doanh nghiệp, với xã hội và với chính vị trí việc làm của mình đang đảm nhận.

Tự chủ luôn được nhiều lãnh đạo các trường ĐH nhắc đến như “chìa khóa” tạo cơ chế cho họ. Nhưng khi Bộ GD&ĐT mở thì nhiều đơn vị lại e dè. Theo ông, nguyên nhân đến từ đâu?

- Thực ra thì với cơ chế thí điểm tự chủ thì các trường vẫn bị ràng buộc khá nhiều bởi các luật và các quy định khác, có những việc muốn làm cũng không thể làm vì vướng cơ chế. Nhưng chính các trường tự chủ lại chịu áp lực vô cùng lớn từ xã hội, người học, doanh nghiệp và chính từ khát khao “lột xác” để có một diện mạo mới, để hội nhập nhanh và sâu trong khu vực và quốc tế. Tuy vậy, nếu các trường không khẳng định được thương hiệu hay không vận hành tốt theo cơ chế này sẽ bị đào thải, vì không còn hỗ trợ ngân sách. Vì vậy nhiều đơn vị thận trọng hay chưa tự tin bước vào sân chơi này. Thực tế, cá nhân tôi thấy các quy định về sự tự chủ được nói trong Luật GDĐH lần này đã gỡ được các nút thắt trong cơ chế tự chủ cho các trường.

Cơ chế tự chủ toàn diện sẽ mang đến những thuận lợi gì cho một trường đại học trong quản trị và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học?

- Vớicơ chế tự chủ toàn diện thì các mặt hoạt động của trường đại học sẽ được chủ động hơn, định hướng, chiến lược phát triển của các trường sẽ do các trường tự quyết định chứ không còn dựa dẫm vào nhà nước. Trách nhiệm giải trình với xã hội, với người học, với doanh nghiệp… sẽ làm tăng tính trách nhiệm của từng con người trong trường đại học. Các trường đại học muốn tồn tại và phát triển bắt buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH).

Khi xây dựng cơ chế tự chủ đồng nghĩa với việc các trường phải rời xa “bầu sữa” ngân sách. Lúc đó, học phí sẽ là lực đẩy duy nhất cho sự định hình và phát triển các giá trị học thuật của một trường đại học?

- Quan điểm của nhà trường khi xây dựng cơ chế tự chủ là “tự khẳng định mình” trước xã hội khi điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, “bầu sữa” ngân sách thì chỉ có giới hạn. Nhân văn hơn khi trường không dùng ngân sách thì Nhà nước có điều kiện hơn khi phân bổ ngân sách cho những vùng có kinh tế khó khăn, biên giới, hải đảo để tất cả mọi người dân Việt Nam đều được đến trường.

Muốn phát triển thì các trường cần phải đa dạng nguồn thu, hiện tại thì học phí có lẽ vẫn là nguồn thu chính của các trường để đầu tư phát triển, tuy nhiên sẽ không lâu nữa thì học phí sẽ chỉ là một phần tương đối trong cơ cấu nguồn thu của các trường. Các nguồn thu từ NCKH, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm đào tạo và làm dịch vụ đào tạo, chuyên gia cho doanh nghiệp sẽ dần chiếm vai trò quan trọng trong nguồn thu của trường.

Khi được tự chủ trong hoạt động tài chính của mình thì các trường sẽ phải tìm ra mọi phương án để quản trị tốt nhất nguồn tài chính của mình sao cho thật hiệu quả. Hiện nay thì việc cho phép trường gửi tiền từ các nguồn thu vào ngân hàng thương mại cũng đã tạo ra nguồn tài chính tốt cho các hoạt động hỗ trợ sinh viên. Với trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, nguồn chi cho sinh viên hàng năm khoảng gần 17 tỷ đồng là một minh chứng cho sự hiệu quả của việc tự chủ.

Chúng ta cần gì để mô hình tự chủ-tự chịu trách nhiệm sẽ đi đúng hướng và đạt hiệu quả trong tương lai?

- Thực ra, nói thì to tát nhưnghãy giao quyền tự chủ toàn diện cho các trường chắc chắn họ sẽ làm tốt. Lúc này cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò định hướng vĩ mô, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ, kết nối nhiều hơn.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.