Thảo luận về giáo dục tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới

GD&TĐ - Hội thảo khoa học quốc tế “Giáo dục tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới” có ý nghĩa thúc đẩy việc nâng cao trình độ giảng dạy tiếng Trung Quốc tại Việt Nam.

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến

Trong 2 ngày 18-19/12, Trường ĐH Hà Nội phối hợp với Trung tâm Hợp tác giao lưu ngôn ngữ giữa Trung Quốc và nước ngoài (Bộ Giáo dục Trung Quốc) và Trường ĐH Sư phạm Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Hội thảo quốc tế “Giáo dục tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới”.

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến, tập trung vào 6 nhóm vấn đề: Biên phiên dịch và Giáo dục tiếng Trung Quốc trong thời đại mới; Văn tự, Văn học và Văn hóa; Ngữ pháp tiếng Trung Quốc; Giáo trình tiếng Trung Quốc; So sánh ngôn ngữ Việt - Trung; Học và Dạy tiếng Trung Quốc.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Nam Tú phát biểu tại hội thảo
 Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Nam Tú phát biểu tại hội thảo

TS Lương Ngọc Minh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội - khẳng định: Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ đặc biệt, với tình hữu nghị sâu sắc, có sự giao lưu hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục. Tại Việt Nam, số người học tiếng Trung Quốc ngày càng nhiều.

“Hội thảo khoa học quốc tế “Giáo dục tiếng Trung Quốc quốc tế trong thời đại mới” có ý nghĩa thúc đẩy việc nâng cao trình độ giảng dạy tiếng Trung Quốc tại Việt Nam. Thông qua Hội thảo, các thầy cô, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này sẽ có cơ hội tốt để mở rộng giao lưu học thuật và nghiên cứu, cập nhật thêm kiến thức mới, nhằm nâng cao trình độ và năng lực nghiệp vụ” – TS Lương Ngọc Minh nhấn mạnh.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Nam Tú, Việt Nam là một trong 10 nước có số lượng lưu học sinh đông nhất tại Trung Quốc (khoảng 13.000 người). Số lưu học sinh Trung Quốc học tập, nghiên cứu tại Việt Nam ngày càng tăng, khoảng trên 4.000 người.

Tại Việt Nam hiện có hơn 30 cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, có 27 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục Trung Quốc và Việt Nam được Bộ GD&ĐT cấp phép.

Hội thảo là diễn đàn giúp cho các học giả, giáo viên dạy tiếng Trung Quốc tại Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, phát hiện và bồi dưỡng thêm nhiều nhân tài xuất sắc trong lĩnh vực này, góp phần quan trọng trong việc tăng cường sự hợp tác, giao lưu văn hoá, kinh tế giữa hai quốc gia, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai đất nước.

TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội phát biểu tại hội thảo. 

Tại hội thảo, GS.Su Gui Fa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc đã chỉ ra "6 điểm mới" của nền giáo dục tiếng Trung quốc tế. Cụ thể đó là: nhu cầu mới, ý tưởng mới, phương pháp mới, con đường mới, mô hình và sự phát triển mới của việc giảng dạy tiếng Trung quốc tế trong bối cảnh bình thường hóa dịch Covid-19.

Tham luận về "Thực trạng và triển vọng về giảng dạy tiếng Trung Quốc bậc phổ thông ở Việt Nam", PGS. TS Nguyễn Hoàng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho hay, xu thế việc giảng dạy tiếng Trung Quốc ở Việt Nam đang tăng lên, nhất là ở các tỉnh thành phố giáp biên giới.

GS.Su Gui Fa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc.
GS.Su Gui Fa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc.

Tiếng Trung Quốc đang dần trở thành một môn học tự chọn ở bậc tiểu học, việc phát triển giảng dạy tiếng Trung Quốc có sự liên quan mật thiết đến giáo dục ở các tỉnh và thành phố. Trong bối cảnh Covid-19, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới đã và đang thu hút ngày càng nhiều người học tiếng Trung Quốc, đặc biệt là học sinh bậc phổ thông, độ tuổi của người học tiếng Trung Quốc đang dần trẻ hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ