5 ngành mới bắt đầu được tuyển sinh từ năm 2019 của Trường ĐH Hà Nội gồm: Marketing, Truyền thông đa phương tiện (giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh) và 3 chương trình đào tạo chất lượng cao: Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Italia.
“Về yêu cầu đầu vào thì đây coi như một mã tuyển sinh riêng. Nếu các em đăng ký vào khoa tiếng Hàn thì có tiếng Hàn đại trà và tiếng Hàn chất lượng cao. Việc xét tuyển của 3 chương trình đào tạo chất lượng cao cũng giống như các ngành khác, xét tuyển từ trên xuống dưới và hết chỉ tiêu thì dừng lại.
Tại khoa chất lượng cao, nhà trường sẽ tập trung nguồn lực giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, thực tập cũng như trao đổi sinh viên ra nước ngoài để các sinh viên có môi trường học tập, trải nghiệm thực tế tốt nhất, đảm bảo khi ra trường các em trở thành những sinh viên có năng lực ngoại ngữ xuất sắc” – Phó Hiệu trưởng Phạm Ngọc Thạch cho biết.
Năm nay, Trường ĐH Hà Nội tăng thêm 250 chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2018. Những chỉ tiêu này được phân bổ cho 5 ngành mới nói trên, mỗi ngành 50 chỉ tiêu.
Trả lời thắc mắc của thí sinh về phương thức tuyển sinh, ông Nguyễn Tiến Dũng – quyền Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho biết: Năm nay Trường ĐH Hà Nội vẫn có 2 tổ hợp môn là: Toán – Văn – Ngoại ngữ và Toán – Lý – Anh.
Với tổ hợp 1, về ngoại ngữ, học sinh có thể dự thi bằng tiếng Anh, tiếng Nga hoặc tiếng Pháp (ngoại ngữ nhân đôi). Ở tổ hợp thứ 2, tiếng Anh không nhân đôi.
Nhiều nội dung liên quan đến tuyển sinh được đại diện Trường ĐH Hà Nội chia sẻ đến các sinh viên tương lai |
Cùng tư vấn về chương trình đào tạo, học phí, học bổng… cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp được nhiều thí sinh quan tâm.
Về nội dung này, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cúc Phương cho biết: Mới đây, Ban Truyền thông tuyển sinh đã thống kê số lượng việc làm mà các đơn vị, doanh nghiệp đăng tải trên trang truyền thông cộng đồng lớn nhất của Trường ĐH Hà Nội.
Kết quả, trong 2 tuần đã thống kê được 53 yêu cầu vị trí việc làm (đã lọc hết những vị trí việc làm không phù hợp). Cả 53 vị trí đều có liên quan đến ngoại ngữ. Trong 53 vị trí, có 25 vị trí việc làm liên quan đến tiếng Anh, các vị trí còn lại đều liên quan tới tiếng Pháp thậm chí cả các thứ tiếng hiếm như Tây Ban Nha, Italia.
“Đây hoàn toàn là thế mạnh của trường vì ĐH Hà Nội ngoài 11 ngành ngôn ngữ thì trường còn dạy 9 ngành khác nhau hoàn toàn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Như vậy, ngoại ngữ chính là cơ sở thành công và dễ kiếm việc làm” – Bà Nguyễn Thị Cúc Phương cho hay.
Một kết quả thống kê khác cũng cho thấy gần 20% sinh viên Trường ĐH Hà Nội tốt nghiệp làm việc cho các công ty, tập đoàn nước ngoài với mức thu nhập khởi điểm từ 8 triệu đồng/tháng trở lên; sau 2-3 năm có thể lên tới 1.000 USD – 1.500 USD/tháng như tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hoặc hướng dẫn viên du lịch các ngôn ngữ hiếm như tiếng Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.