Những vấn đề này được PGS TS Phạm Xuân Thạch (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội), thành viên Hội đồng Lý luận và phê bình văn học nghệ thuật trung ương trình bày trong đề dẫn tại tọa đàm góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn tổ chức sáng nay (22/3). Tọa đàm do Hội đồng Lý luận và phê bình văn học nghệ thuật trung ương chủ trì tổ chức với sự tham gia của Ban soạn thảo chương trình Ngữ văn mới và nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Những vấn đề gợi mở
Báo cáo đề dẫn do PGS TS Phạm Xuân Thạch trình bày nêu rõ 9 vấn đề quan trọng của chương trình mới môn Ngữ văn cần được thảo luận, gồm:
Thứ nhất: Chương trình được xây dựng theo hướng mở, chỉ quy định những mục tiêu có tính cốt lõi và dành phần chủ động cho các nhóm biên soạn sách giáo khoa cũng như giáo viên trong việc triển khai hoạt động. Tuy vậy, tính cụ thể của chương trình liệu có đủ để triển khai một cách thống nhất việc biên soạn sách giáo khoa một cách khả thi?
Thứ 2: Tính mở của chương trình Ngữ văn liệu có mâu thuẫn với tính thống nhất của giáo dục phổ thông trong những nội dung có tính cốt lõi liên quan đến kiến thức ngữ văn, đến chuẩn mực thẩm mỹ của người Việt Nam hiện đại cũng như yêu cầu về tính tư tưởng của chương trình giáo dục các môn xã hội nhân văn?
Thứ 3: Tính hệ thống và tính hợp lý của chương trình về kiến thức, kĩ năng?
Thứ 4: Chương trình được xây dựng trên tiếp cận năng lực, hướng đến việc xây dựng năng lực của người học từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy vậy, liệu bên cạnh chuẩn về năng lực, liệu có cần thiết phải có một chuẩn kiến thức đối với chương trình phổ thông môn Ngữ văn? Tính hệ thống và tính hợp lý của hệ thống kiến thức được thể hiện trong dự thảo chương trình liệu đã đạt đến tính hợp lý, khoa học và khả thi?
Thứ 5: Một trong những thế mạnh, thể hiện tính hiện đại của dự thảo chương trình môn Ngữ văn là hệ thống kiến thức mang tính lí luận và thể loại. Tuy vậy, theo dự thảo chương trình, kiến thức lịch sử văn học dân tộc chỉ được học tại lớp 9 và lớp 12 với 2 dòng hết sức ngắn gọn. Liệu việc thể hiện yêu cầu về kiến thức lịch sử văn học dân tộc như vậy có hợp lý, khoa học, cụ thể và khả thi?
Thứ 6: Tính hợp lý, hệ thống, khoa học của hệ thống chuyên đề dành cho đối tượng học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn (dự thảo đưa ra 9 chuyên đề làm ví dụ: đọc hiểu văn bản đa phương thức; đặc điểm ngôn ngữ trong các kiểu loại văn bản; viết, nói trình bày có sự trợ giúp của các phương tiện; sâu khấu hóa tác phẩm văn học và diễn xuất; ngôn ngữ nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều; tập nghiên cứu một số vấn đề và viết báo cáo nghiên cứu; bút pháp ước lệ và tượng trưng trong thơ Trung đại Việt Nam; thành tựu của văn xuôi Việt Nam sau năm 1986 qua một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu; viết ứng dụng hướng nghiệp).
Thứ 7: Vấn đề các phạm trù thẩm mỹ và nội dung thẩm mỹ của văn chương được thể hiện trong dự thảo chương trình?
Thứ 8: Vấn đề lựa chọn tác giả, tác phẩm đưa vào hệ thống ngữ liệu của dự thảo chương trình?
Bên cạnh đó, cũng có hàng loạt những vấn đề quan trọng khác như vấn đề tỉ lệ văn học dân gian và văn học viết; văn học các dân tộc ít người và văn học của người Kinh; việc phân bổ kiến thức theo từng cấp; tính chuẩn xác về những kiến thức mang tính chuyên môn…?
Tọa đàm góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn tổ chức sáng nay (22/3) |
Trọng trách nặng nề của Ban soạn thảo
Đề dẫn hội thảo của Hội đồng Lý luận và phê bình văn học nghệ thuật trung ương nêu rõ: Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn lần này được xây dựng trong bối cảnh các lý thuyết nghệ thuật phương Tât đã thâm nhập sâu rộng và có tác động mạnh mẽ đến tư duy văn học, đến hệ thống quan niệm về giá trị và thẩm mỹ văn chương.
Ngay trong nội bộ đời sống văn học ở nước ta cũng đang có sự va chạm giữa những luồng tư tưởng phức tạp với sự xuất hiện của những biểu hiện lệch chuẩn, lợi dụng văn chương vào những mục đích không lành mạnh.
Một thực tế cũng không thể bỏ qua là những năm gần đây, do sự bất cập của chương trình nói chung và môn Ngữ văn nói riêng đã xuất hiện tình trạng học sinh chán học Văn, quay lưng lại với môn Văn.
Thực tế đó đặt lên vai những người biên soạn chương trình, sách giáo khoa những trách nhiệm nặng nề: làm thế nào để đổi mới môn Văn trong nhà trường để bắt kịp với những tiến bộ về văn chương, vừa đảm bảo được khả năng định hướng về mặt thẩm mỹ, tư tưởng, văn hóa cho những công dân tương lai của đất nước, làm thế nào để “kéo” học sinh lại với môn Ngữ văn, để môn Ngữ văn thực sự là một môn học bố ích và được học sinh yêu quý, say mê.
Nhận định trong báo cáo đề dẫn: Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn là một tài liệu được biên soạn công phu gồm 124 trang, bao gồm 8 mục (đặc điểm môn học, quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình, đánh giá kết quả giáo dục, giải thích hướng dẫn thực hiện chương trình) kèm theo tài liệu tham khảo và phần phụ lục gồm danh mục các ngữ liệu bắt buộc và gợi ý lựa chọn kèm theo chương trình.
Một trong những thay đổi quan trọng của chương trình giáo dục mới là chuyển từ định hướng kiến thức sang định hướng năng lực, nghĩa là thay vì truyền đạt kiến thức chuyên môn khoa học, tiến trình giáo dục sẽ hướng đến việc kiến tạo nên cho học sinh những năng lực phân chia theo những lĩnh vực cụ thể để người học đủ sức giải quyết các vấn đề gặp trong tình huống thực tiễn của đời sống.
Trên thực tế, tiến trình chuyển từ định hướng kiến thức sang định hướng năng lực đã được khởi động trong những điều chỉnh của chương trình giáo dục phổ thông từ đầu những năm 2010. Đối với môn Ngữ văn, tinh thần đó được thể hiện qua việc giảm tải kiến thức và triết lí đọc hiểu là linh hồn của việc điều chỉnh chương trình.
Việc xây dựng chương trình phổ thông mới hiện nay chính là một bước tiếp tục của những đổi mới đã được khởi động từ đầu thập niên 2010 với tinh thần chuyển mạnh từ kiến thức sang năng lực.
Tất nhiên, sự thay đổi đó không đặt ra những vấn đề cần được giới chuyên môn và những người biên soạn chương trình trả lời một cách rốt ráo: liệu tiến trình đổi mới sách giáo khoa có phải là một tiến trình thay đổi hoàn toàn hay là một sự kế thừa những thành tựu của chương trình phổ thông hiện hành?
Liệu việc chuyển sang định hướng năng lực có phải là bỏ quan hoàn toàn vấn đề kiến thức khi mà chính những nhà khoa học giáo dục hiện đại cũng phải thừa nhận kiến thức khoa học chính là cơ sở của tri thức giáo dục và tri thức chính là cơ sở hình thành nên năng lực?
Bên cạnh đó là những vấn đề về mối quan hệ giữa khung chương trình và sách giáo khoa, về mối quan hệ biện chứng giữa tính bắt buộc và tính khả biến của khung chương trình; về việc cần phải cụ thể hóa khung chương trình đến mức độ nào và về việc khung chương trình liệu có thể bỏ qua các vấn đề quy định về nội dung…