Thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển giáo dục Tây Nguyên

GD&TĐ - Sáng 24/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện nghị quyết số 23 -NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Hầu A Lềnh; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GD&ĐT 5 tỉnh Tây Nguyên…

Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị để triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, nhằm bàn sâu, đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của vùng. Qua đó góp phần quan trọng để triển khai thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.

Các đại biểu tham dự Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các đại biểu tham dự Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ trưởng cho hay, vùng Tây Nguyên là một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia. Đây cũng là nơi cùng sinh sống của gần 6 triệu người thuộc tất cả 54 dân tộc anh em cả nước, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37,5% dân số toàn vùng.

Giáo dục và đào tạo của vùng Tây Nguyên đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ, giáo viên… Tuy nhiên, những chuyển biến của giáo dục vùng Tây Nguyên nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao và vẫn còn đầy thách thức. Do đó cần nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục tháo gỡ.

Bộ trưởng mong rằng qua Hội nghị, các địa phương thảo luận, gia tăng nhận thức để có những giải pháp phát triển giáo dục của vùng Tây Nguyên. Đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của những địa phương, cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục quan tâm để phát triển giáo dục, kinh tế - xã hội của vùng…

Hệ thống trường lớp được củng cố

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây nguyên thì khu vực gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Đắk Nông. Trong những năm qua, hệ thống mạng lưới trường lớp học được củng cố và phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Theo số liệu thống kê, năm học 2021 - 2022, toàn vùng Tây nguyên có 3.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng đã chủ động thực hiện quy hoạch mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm đáp ứng nhu cầu tạo nguồn đào tạo nhân lực người dân tộc thiểu số.

Đến nay, về cơ bản toàn vùng Tây Nguyên đã đạt mục tiêu xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Bên cạnh đó, 40% đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và 74,2% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 cùng với 94% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT tham dự Hội nghị.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT tham dự Hội nghị.

Trong những năm qua, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học khu vực Tây Nguyên tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Không những thế, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục vùng Tây Nguyên cũng gặp không ít khó khăn về quy hoạch mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu…

Nhằm phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập. Bên cạnh đó đa dạng hóa mô hình giáo dục và phương thức học tập. Trong đó ưu tiên củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.