Tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm

GD&TĐ - Khoảng 17% dân số chưa tham gia BHYT, trong đó có HSSV cho dù Luật Bảo hiểm có hiệu lực từ lâu chứng tỏ bên cạnh lý do liên quan đến kinh tế thì ở một góc độ nào đó, người dân chưa tìm được niềm tin với bảo hiểm.

Tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm

Bao phủ bảo hiểm toàn dân là việc phải làm, vấn đề còn lại là làm sao để những người còn lại dù có điều kiện kinh tế hay không đều tự nguyện tham gia.

Nhiều khúc mắc

Bảo hiểm xã hội là cơ quan có trách nhiệm thu và chi tiền khi người dân khi họ cần dùng đến (khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế có chi trả bảo hiểm) và ngành y tế là nơi cung cấp dịch vụ, điều trị bệnh cho người dân. Như vậy, hiểu nôm na bảo hiểm xã hội như ngân hàng để người dân gửi tiền vào, ngành y tế là đơn vị cung cấp dịch vụ còn thẻ bảo hiểm như chiếc thẻ ATM. Nhưng cũng là chiếc thẻ nhưng sao với thẻ ngân hàng, người dân được 2 bên chăm sóc kỹ lưỡng, lịch sự còn với thẻ y tế, với nhiều người để sử dụng được thì phải trải qua không ít đắng cay.

Rào cản đầu tiên phải kể đến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, thái độ của nhân viên y tế. Không ít cơ sở y tế, bệnh nhân phải nằm ghép giường và ở đâu đó, cảnh nhân viên y tế quát nạt người bệnh vẫn diễn ra.

Để hạn chế cảnh chướng tai gai mắt trên, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là việc tăng giá gần 2.000 dịch vụ y tế, hướng tới việc viện phí bao gồm cả lương, phụ cấp cho nhân viên y tế (tức người bệnh trực tiếp trả lương cho nhân viên y tế qua viện phí) đã phần nào cải thiện được góc khuất tồn tại trong bệnh viện bấy lâu.

Nhưng từ khi tăng giá dịch vụ y tế lại dẫn đến chuyện ngành bảo hiểm phải chi quá nhiều cho chi phí khám chữa bệnh của người dân khiến quỹ bảo hiểm đứng trước nguy cơ… vỡ. Nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó tăng phí chỉ là một phần, còn lại do tình trạng lợi dụng sơ hở của các quy định để trục lợi. Đối tượng trục lợi cho cả người bệnh lẫn nhân viên y tế và cả cơ sở khám chữa bệnh.

“Khách hàng” của đôi bên

Rõ ràng, dịch vụ y tế không thể đứng yên một chỗ khi khoa học kỹ thuật ngày một phát triển và đòi hỏi của người dân cũng ngày một cao. Cơ quan bảo hiểm cần có tính toán hợp lý để người dân khi không may ốm đau được hưởng đúng với những gì họ đã đóng góp chứ không thể vì lo vỡ quỹ đặt nhiều quy định “gây khó khăn” không thanh toán kịp thời, từ chối thanh toán, chậm không thanh toán. Điều này vừa gây mâu thuẫn giữa 2 ngành vừa khiến người dân mệt mỏi, chán nản.

BHYT là chính sách đảm bảo an sinh xã hội, nên không thể không làm và khi ốm thì người dân bắt buộc phải đi viện. Câu hỏi đặt ra là làm sao để đảm bảo lợi ích người dân và dung hòa mối quan hệ giữa y tế với bảo hiểm.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, trước hết, các cơ sở y tế cần phải tuân thủ chỉ định phác đồ điều trị, toa thuốc đặc biệt là toa thuốc điện tử, bình luận án, sử dụng các vitamin, các chất bổ trợ, các kháng sinh, chẩn đoán cận lâm sàng (huyết học - sinh hóa), chẩn đoán hình ảnh và các chẩn đoán phụ cận hợp lý. Về lâu dài cần đưa vào sử dụng phần mềm để giám định từng bệnh án, qua đó giúp giám sát tình trạng lạm dụng kê đơn, sử dụng thuốc của bác sĩ, bệnh viện.

Về phía bảo hiểm, để khắc phục tình trạng yếu kém trong giám định hồ sơ, cần nâng cao năng lực cho đối tượng này đồng thời tiến tới ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt đưa vào sử dụng hệ thống giám định điện tử. Mặt khác, liên ngành y tế - bảo hiểm cần thống nhất những vướng mắc về thuật ngữ, khái niệm trong điều trị bệnh để vừa đúng chuyên môn, vừa đúng với thực tế đồng thời linh hoạt trong chính sách thanh toán, tránh tình trạng gây khó cho người bệnh như bất ngờ kiểm tra nếu không có bệnh nhân nằm trên giường bệnh thì ngay lập tức bệnh viện sẽ bị xuất toán hay bệnh nhân không biết chữ, phải điểm chỉ cũng bị bảo hiểm từ chối…

Mâu thuẫn giữa việc tiêu và chi bao nhiêu tiền cho mỗi lần khám chữa bệnh của người dân được 2 bên bảo hiểm và y tế đẩy đi đưa lại. Nhiều văn bản được đưa ra và có không ít văn bản thể hiện sự chồng chéo, bên nọ lấn át bên kia… khiến cộng đồng thấy đã oải còn người bệnh khi vào viện cũng không yên bởi không biết hồ sơ của mình có được bảo hiểm thanh toán không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.