Số tiền trên không chỉ giúp bệnh nhân có sức khỏe mà còn đảm bảo cuộc sống của họ và gia đình không bị chao đảo, thậm chí bần cùng hóa bởi tiền viện phí.
Thanh toán hàng tỷ đồng cho bệnh nặng
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước có 149.757.094 lượt người đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, đã có 77.547 tỷ đồng bảo hiểm chi trả cho hoạt động khám chữa bệnh. Trong số trường hợp trên có nhiều bệnh nhân nặng được thanh toán từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng. Đặc biệt trong số này, có 27 người bệnh được bảo hiểm thanh toán với mức từ 1 tỷ đến 4,5 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: Những trường hợp được bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh với mức cao như vậy thường là bệnh nhân bị ung thư máu. Căn bệnh này có đối tượng mắc là trẻ em, HSSV khá đông trong tổng số người mắc bệnh.
Năm học 2017 - 2018 là thời hạn cuối cùng để liên ngành GD-ĐT và Bảo hiểm xã hội thực hiện mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế với 100% HSSV. Tuy nhiên, với “vùng lõm” về bảo hiểm trong HSSV hiện nay, đây là công việc khó bởi kinh phí mua bảo hiểm của các em dù đã được miễn trừ nhưng cũng là khoản lớn với gia đình khó khăn.
Giúp phụ huynh hiểu hơn về bảo hiểm
Năm học này, Trường Tiểu học Tân Phượng (Chí Đám, Đoan Hùng, Phú Thọ) có 483 HS, trong đó có 2 em khuyết tật, 9 HS con hộ nghèo và 14 em thuộc diện hộ cận nghèo.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Phượng Nguyễn Mạnh Tài cho biết: Là trường học nằm ở khu vực nông thôn, phụ huynh phần lớn sống bằng nghề nông nên kinh tế còn khó khăn. Địa bàn dân cư phức tạp, một số HS là con đồng bào Công giáo, tiểu thương buôn bán nhỏ nên sự quan tâm tới việc học hành của con em đôi khi giao phó hết cho nhà trường.
Do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ năm học, ngay từ đầu năm học ban giám hiệu đã lên kế hoạch để tuyên truyền, vận động cha mẹ HS cùng đồng hành với trường trong việc chăm sóc, GD trẻ.
Cũng theo thầy Tài, năm học 2017 - 2018 là năm cuối cùng thực hiện bao phủ 100% bảo hiểm y tế tới HS, trừ những em được hỗ trợ hoàn toàn, nhà trường cùng bảo hiểm xã hội huyện tổ chức nhiều buổi nói chuyện để phụ huynh hiểu tác dụng của bảo hiểm với con em họ. Cho đến nay, 100% HS của trường đều tham gia bảo hiểm.
Có được kết quả trên, thầy Tài cho rằng: Ngoài vận động, nhà trường phải “nói đi đôi với làm” thông qua việc duy trì phòng y tế học đường, giữ gìn môi trường học đường an toàn, sạch đẹp.
Hàng năm, nhà trường đều phối hợp với trạm y tế xã và Bệnh xá 24 tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho HS. Từ kết quả khám ban đầu sẽ tổng hợp, phân loại bệnh chuyên khoa và có kế hoạch phối hợp với phụ huynh để đưa các em đến cơ sở y tế điều trị.
Với những trẻ bị bệnh khi đến cơ sở khám chữa bệnh ban đầu là cơ sở có uy tín, lại được bảo hiểm y tế chi trả. Tiếng lành đồn xa nên phụ huynh dù còn khó khăn nhưng khi được vận động đều mua bảo hiểm cho trẻ.
Ngoài hoạt động định kỳ, năm học nào nhà trường cũng chọn ra 1 chủ đề để phối hợp với các tổ chức thực hiện nhằm chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho các em. Năm học 2016 - 2017, nhà trường thực hiện nội dung GD vệ sinh răng miệng, thực hiện súc miệng với flour, tổ chức khám và hướng dẫn các em điều trị bệnh liên quan đến răng miệng tại chuyên khoa. Năm học này, cùng với tổ chức Đông Tây hội ngộ, các em HS được lấy mẫu phân xét nghiệm tìm giun, sán, đồng thời tổ chức uống thuốc giun cho HS toàn trường.
Nhìn vào thành quả của trường học vùng nông thôn sẽ thấy, bảo hiểm y tế HSSV là bắt buộc và tác dụng của bảo hiểm cũng rõ ràng. Nhưng làm thế nào để phụ huynh tin tưởng và mua bảo hiểm là hành trình không dễ với trường học ở vùng khó. Lúc này, nhà trường, các thầy cô giáo là cầu nối duy nhất, tin tưởng nhất để cùng với phụ huynh đưa mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế tới 100% HSSV cán đích sớm nhất có thể.
- Tính đến ngày 27/11, đã có 149.757.094 lượt người đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, đã có 77.547 tỷ đồng được quỹ bảo hiểm chi trả cho hoạt động khám chữa bệnh.
- Trong số những người được thanh toán, có nhiều HSSV không may bị bệnh nặng được bảo hiểm thanh toán với số tiền lên tới 1 tỷ đồng. Điều này không chỉ giúp các em điều trị bệnh, mà còn chung vai chia sẻ gánh nặng với gia đình các em.