Công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế nhờ bảo hiểm

GD&TĐ - Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, chi phí y tế luôn chiếm một khoản lớn trong chi tiêu của các gia đình ở nước ta. Với mức chi 40% chi phí mỗi gia đình (chưa kể tiền ăn ở, đi lại) dành cho dịch vụ y tế đã khiến cho nhiều gia đình nghèo hóa. 

Công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế nhờ bảo hiểm

Hơn nữa, việc chi tiêu trực tiếp trong lĩnh vực y tế cũng góp phần làm gia tăng tình trạng không công bằng trong tiếp cận dịch vụ giữa người bệnh với người bệnh.

Nghèo thêm vì bệnh tật

Từ ngày con trai 6 tuổi bị ung thư máu phải điều trị thường xuyên tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, hai vợ chồng anh Đức - Hoa (Long Biên, Hà Nội) luôn trong cảnh “khát” tiền.

Anh Đức cho biết: Tổng thu nhập gia đình khoảng 20 triệu thì trung bình mỗi tháng chi tiền chữa bệnh cho con khoảng 5 triệu (sau khi tiền được bảo hiểm chi trả), còn lại chi cho mọi sinh hoạt của 4 người, tiền thuê nhà nên tháng nào cũng thiếu trước hụt sau.

Mọi khoảng vui chơi giải trí, mua sắm hay về quê cũng hạn chế tối đa. Cũng theo anh Đức, hiện con trai đã tìm được nguồn tế bào để ghép nhưng với chi phí xấp xỉ 700 triệu, gia đình không biết lấy đâu ra.

Gia đình anh Đức là một trong rất nhiều trường hợp đang bần cùng hóa bởi chi phí y tế. Nghiên cứu của Trường ĐH Y tế công cộng và Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, tỷ lệ chi viện phí từ tiền túi của người dân năm 2014 là 44% và năm 2016 là 43%, chưa kể chi phí đi lại, ăn ở.

Với mức chi trên, trung bình mỗi gia đình chỉ còn hơn 50% ngân sách hàng tháng cho chi tiêu sinh hoạt, học tập và nhiều khoản phát sinh khác.

Theo bà Nguyễn Kim Phương (Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam), tỷ lệ chi trực tiếp từ túi tiền người dân trong mỗi lần khám chữa bệnh đã giảm từ 50% tổng chi tiêu y tế quốc gia xuống còn 40% trong 10 năm là tín hiệu mừng.

Nhưng hiện tỷ lệ vẫn ở mức cao, khiến cho nhiều gia đình lao đao mỗi khi có thành viên ốm đau cần chữa trị. Việt Nam cần phải giảm tỷ lệ này xuống mức thấp nhất có thể vì trong xã hội cứ 2 đồng chi ra thì có 1 đồng lấy từ túi tiền người dân cho thấy an sinh xã hội chưa tốt.

Hơn nữa, việc chi tiêu trực tiếp khiến nhiều gia đình đang ở mức sống trên trung bình rơi xuống ngưỡng đói nghèo chỉ sau một lần ốm. Như vậy, người dân sẽ không dám đến bệnh viện khi ốm đau hoặc chỉ đến khi ốm nặng sẽ càng làm tăng chi phí điều trị và chi trả. Điều này tạo vòng luẩn quẩn, không lối thoát với người dân có mức sống trung bình.

Phát triển bảo hiểm y tế giảm chi tiêu trực tiếp

Mắc bệnh về máu nên anh Nguyễn Hoàng Quân (Hải Dương) coi bệnh viện là nhà. Theo chia sẻ của anh Quân, nếu không có bảo hiểm y tế, cuộc đời anh đã chấm dứt từ lâu bởi chi phí điều trị quá lớn, vượt quá khả năng chi trả của gia đình.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, 9 tháng đầu năm 2017, cả nước có 122,9 triệu lượt khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế với tổng chi 71.325 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí cho khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng HSSV ở mức 2.067,5 tỷ đồng, với 6.322.851 lượt khám chữa bệnh. Có những HSSV được chi trả từ vài trăm đến cả tỷ đồng để chữa bệnh.

Con số trên với phần lớn người dân là quá lớn, nếu không được hỗ trợ, gia đình bế tắc trong việc điều trị bệnh cho con em.

Từ những trường hợp trên cho thấy, một chiếc thẻ bảo hiểm bình thường không có ý nghĩa nhưng khi ốm đau như chiếc phao cứu sinh giúp người bệnh và người nhà yên tâm chữa trị.

Chính vì vậy, phát triển bảo hiểm y tế toàn dân được coi là biện pháp đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế cho tất cả mọi người. Bảo hiểm y tế cũng là cách để giảm chi phí trực tiếp từ túi người dân.

Theo ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), ngành đặt mục tiêu giảm chi từ tiền túi của người dân xuống dưới 35% vào năm 2020 đòi hỏi rất nhiều chính sách, trong đó tiếp tục tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, giảm việc người dân phải tự đi mua thuốc để điều trị, tăng tỷ lệ chi trả bảo hiểm lên 100% cho người bệnh, giảm tỷ lệ gia đình phải chi trả chi phí y tế ở mức thảm họa xuống dưới 2%.

Mặt khác, việc triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản tại đồng loạt trạm y tế xã, phường, thị trấn cũng là cách tạo công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân ở bất kỳ nơi đâu. Việc còn lại là quyết định của người dân trong việc tham gia bảo hiểm, lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh.

Đến năm 2025, Bộ Y tế hướng tới đảm bảo tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế chất lượng, công bằng, hiệu quả, phát triển hệ thống y tế cơ sở, thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu và tăng cường bảo vệ tài chính cho người dân khi ốm đau. Trong đó, tỷ trọng chi phí khám, chữa bệnh tại tuyến huyện và tuyến xã sẽ chiếm trên 50% chi phí ở tất cả các tuyến, tăng gần gấp đôi so với hiện nay, góp phần quản lý sức khỏe suốt đời và phát hiện sớm bệnh tật cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ