Tháo gỡ vướng mắc khi tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em

GD&TĐ - Sáng 31/10, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã chủ trì hội thảo tham vấn "Các giải pháp tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho học sinh".

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì hội thảo.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì hội thảo.

Duy trì hoạt động hiệu quả bể bơi trong trường học còn hạn chế

Đồng chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Phó Trưởng Tiểu ban Giáo dục thể chất, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực; bà Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực; cùng đại diện một số bộ/ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, vấn đề an toàn phòng chống đuối nước, phổ cập kỹ năng bơi an toàn cho học sinh, trẻ em trong các nhà trường, địa phương đang ngày càng cấp thiết. Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều giải pháp cụ thể để kéo giảm tỷ lệ học sinh bị đuối nước hàng năm.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ đầu cầu trụ sở Bộ GD&ĐT tới các địa phương.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ đầu cầu trụ sở Bộ GD&ĐT tới các địa phương.

Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 đã đặt mục tiêu, đến năm 2025 giảm 10% trẻ em bị đuối nước, 50% trẻ em từ 6 đến 16 tuổi biết bơi an toàn.

Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 4501/QĐ-BGDĐT ngày 29/11/2021 về Chương trình phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch triển khai theo từng năm.

Bộ GD&ĐT cũng hoàn thiện Thông tư hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trong đó có các tiêu chí cụ thể về dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước.

Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT.

Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT.

Nói về thực trạng tổ chức dạy bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh tại các địa phương trong thời gian qua, ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong ba năm 2020, 2021, 2022 trên toàn quốc đã xảy ra khoảng 500 vụ đuối nước, làm tử vong hơn 1.900 trẻ mầm non, học sinh.

Các Sở GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch hàng năm xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. Trong đó tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai công tác truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng an toàn, phòng chống đuối nước được tích hợp trong chương trình giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Theo số liệu thống kê của 59/63 Sở GD&ĐT, đến hết năm 2022, tổng số bể bơi trong trường học là 2.184 bể/25.307 trường, chiếm tỷ lệ 8,63% trường học có bể bơi. Trong đó, cấp tiểu học là 1.327 bể/12.475 trường (đạt 10,63%); cấp THCS có 662 bể/10.029 trường (đạt 6,60%); cấp THPT có 195 bể/2.803 trường (đạt 6,95%).

Các đại biểu tham dự trực tiếp tại điểm cầu trụ sở Bộ GD&ĐT.

Các đại biểu tham dự trực tiếp tại điểm cầu trụ sở Bộ GD&ĐT.

Ở nhiều địa phương đã có sự quan tâm, đầu tư xây dựng bể bơi trong trường học với số lượng khá lớn. Trong đó Bắc Giang có 129 bể bơi; Bắc Ninh có 80 bể bơi; Hải Phòng năm 2020 mua sắm bể bơi phao cho 40 trường TH, THCS từ kinh phí Quỹ phòng chống thiên tai thành phố.

Báo cáo của các Sở GD&ĐT cho thấy, đa số giáo viên Giáo dục thể chất đều có thể dạy bơi. Hiện nay có khoảng 70% trong số này đã được tập huấn về dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu.

Tuy nhiên, tỷ lệ giáo viên có chứng chỉ/chứng nhận hoàn thành tập huấn huấn luyện viên môn bơi do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp còn thấp so với nhu cầu thực tế ở rất nhiều nơi. Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh vùng khó khăn, miền núi.

Hiện nay điều kiện về kinh phí, diện tích nên việc xây dựng bể bơi trong nhà trường gặp khó khăn; việc duy trì hoạt động hiệu quả bể bơi trong trường học còn nhiều hạn chế do thiếu kinh phí chi thường xuyên cho việc vận hành, sử dụng, bảo quản và kinh phí tổ chức dạy bơi.

Việc quy định mức thu xã hội hóa khi tổ chức dạy bơi trong trường học chưa thực hiện đồng bộ ở hầu hết các địa phương, giáo viên dạy bơi chưa có chính sách hỗ trợ việc dạy bơi.

Ý kiến từ địa phương

Đại biểu đến từ Sở GD&ĐT Bắc Ninh chia sẻ kinh nghiệm thực tế của địa phương này về dạy bơi an toàn cho học sinh.

Đại biểu đến từ Sở GD&ĐT Bắc Ninh chia sẻ kinh nghiệm thực tế của địa phương này về dạy bơi an toàn cho học sinh.

Đại diện Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho hay, hiện toàn tỉnh có 79 bể bơi đang hoạt động trong các trường học. Địa phương này kiến nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn và chính sách đặc thù với giáo viên dạy bơi trong trường học. Chuẩn hóa các cơ sở đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất, yêu cầu môn bơi là bắt buộc.

Ông Lương Văn Quỳnh, chuyên viên Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, đa số các cơ sở giáo dục có bể bơi đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức dạy bơi cho học sinh theo chủ đề dạy học tự chọn môn Giáo dục thể chất của Chương trình GDPT 2018. Khai thác hiệu quả bể bơi ngoài giờ chính khóa theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT.

Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 11.400 học sinh được học bơi trong nhà trường, đạt tỷ lệ 9,2%. Hiện nay có 35/36 trường tổ chức dạy bơi trong nhà trường. Đa số các trường phổ thông phối hợp bằng nhiều hình thức để tổ chức dạy bơi ngoài nhà trường.

Đại diện đến từ Sở GD&ĐT Quảng Trị nêu ý kiến tại hội thảo thông qua hình thức online.

Đại diện đến từ Sở GD&ĐT Quảng Trị nêu ý kiến tại hội thảo thông qua hình thức online.

Theo ông Lê Ngọc Thạnh - chuyên viên Sở GD&ĐT Quảng Trị thông tin, toàn tỉnh hiện có 399 cơ sở giáo dục với hơn 132.000 học sinh. Trong đó, tỷ lệ học sinh phổ thông biết bơi là 46,5% vẫn còn khá thấp. Tỉnh có 26/232 trường phổ thông có bể bơi, chiếm tỷ lệ 11,2%.

Hiện nay, trong Chương trình Giáo dục thể chất, Bơi là môn học có vị trí khá đặc biệt được Bộ GD&ĐT quan tâm, khuyến khích các địa phương triển khai đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Bơi mang tính quần chúng cao, dễ tập luyện, phù hợp với địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Bộ cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là môn Bơi. Giáo viên cần được tập huấn kỹ về chuyên môn để tổ chức tốt việc dạy bơi an toàn trong trường phổ thông.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh - Trưởng Tiểu ban Giáo dục thể chất, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực phát biểu kết luận hội thảo.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh - Trưởng Tiểu ban Giáo dục thể chất, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực phát biểu kết luận hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh - Trưởng Tiểu ban Giáo dục thể chất, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhấn mạnh, Sở GD&ĐT, Sở VHTT&DL các địa phương phải rà soát lại các hệ thống bể bơi trên địa bàn đã phát huy hiệu quả hay không? Trách nhiệm quản lý trên địa bàn của chính quyền các cấp đến đâu cũng cần làm rõ.

"Giáo dục thể chất trong nhà trường phải hiểu nhu cầu của học sinh thế nào, đăng ký ra sao để phù hợp với năng lực thể chất của các em. Kỹ năng an toàn trong môi trường nước phải kết hợp hài hòa kết hợp với giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Các em phải biết cách xử lý tình huống khi ở môi trường nước, biết cách tự nổi trong nước ra sao", Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng yêu cầu, việc dạy môn Giáo dục thể chất ở các nhà trường cần khảo sát rõ nhu cầu của học sinh. Giáo viên phải để cho các em nhận thức được tầm quan trọng của môn Bơi, cách xử lý các sự cố liên quan đến đuối nước để có thể học bơi trong hoặc ngoài nhà trường. Kỹ năng sống muốn đưa vào nhà trường cần có sự phối hợp tích cực từ phụ huynh học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ