Kế thừa và có nhiều đổi mới
Theo Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ khái niệm về trách nhiệm giải trình; quy định cụ thể các nội dung nhà trường phải công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan, đặc biệt là trách nhiệm thực hiện kiểm toán độc lập về tài chính, thực hiện công khai về chất lượng, công khai mức học phí, các khoản thu dịch vụ của nhà trường cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện các quy định, cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo. Dự thảo Luật quy định, để được giao quyền tự chủ nhà trường phải đạt kiểm định của một tổ chức kiểm định được Nhà nước công nhận.
Theo Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và các chuyên gia về lĩnh vực giáo dục đại học. Cụ thể: Tại Điều 7 trước không có quy định về đại học vùng nay đã được thể hiện trong Dự thảo Luật.
“Có thể, qua nhiều bước, dự thảo Luật đã được tiếp thu hoàn chỉnh tương đối hoàn hảo. Tuy nhiên tôi băn khoăn: Những trường như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có thể trở thành đại học được hay không? Vì khi trở thành đại học thì quyền tự chủ sẽ cao hơn” - đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề.
Khẳng định, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này đã được tiếp thu nghiêm túc và tương đối hoàn chỉnh, đại biểu Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: Dự thảo Luật kế thừa được toàn bộ hệ thống giáo dục đại học hiện nay và không xáo trộn. Đồng thời cũng có nhiều đổi mới.
Góp ý về nội dung tự chủ đại học được nêu trong Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Khắc Định trao đổi: Theo quy định trong Dự thảo Luật, số lượng thành viên hội đồng trường phải là số lẻ, tối thiểu là 15 người. Thành viên đương nhiên gồm: Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Công đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên cấp trường và hiệu trưởng. Tuy nhiên theo quy định của Đảng là nhất thể hóa, tức là Hiệu trưởng trường đại học hoặc Giám đốc đại học là Bí thư cấp ủy. Như vậy, bản chất cũng chỉ là 1 người.
Ngoài ra, theo dự thảo Luật thì thành viên hội đồng trường còn bao gồm thành viên trong trường là các giáo sư, phó giáo sư, các giảng viên, người lao động chiếm tỷ lệ 25%, còn thành viên ngoài trường chiếm tỷ lệ tối thiểu 30%. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi tổ chức hội nghị toàn trường, có thể có những nhóm thành viên không có người dự nhưng theo quy định là trên 50% có thể tổ chức hội hoặc cuộc họp và có thể tiến hành biểu quyết. Điều này có thể sẽ dẫn tới những bất cập. Vì thế cần tính toán và nghiên cứu thêm về điều khoản này.
Tạo đà cho các trường đại học phát triển. Ảnh: Sỹ Điền |
Tạo đà cho các trường đại học phát triển
Trước một số ý kiến còn băn khoăn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hay một số trường đại học khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện sẽ có cơ hội để trở thành đại học. Hay như có ý kiến còn băn khoăn sẽ không còn đại học vùng, bây giờ khẳng định là sẽ có đại học vùng.
Cho rằng, hệ thống Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về nội dung, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Chúng ta không cản trở cơ hội mà tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh đại học quốc gia, đại học vùng. Đồng thời tạo cơ hội cho các trường đại học có uy tín phát triển lên.
“Về vấn đề tự chủ, cần làm rõ cơ chế chính sách, điều kiện đảm bảo quyền tự chủ cho các trường đại học và các thiết chế. Nếu không minh bạch cụ thể vấn đề này sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động quản trị, điều hành của hiệu trưởng”.
Liên quan đến quy định về hội đồng trường mà cụ thể là hiệu trưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi: Hiệu trưởng là người đại diện trước pháp luật của nhà trường, có trách nhiệm điều hành hoạt động bộ máy quản trị của nhà trường theo pháp luật và theo nghị quyết của hội đồng trường. Tuy nhiên, nghị quyết của hội đồng trường phải quy định rõ những vấn đề về ủy quyền và phân quyền cho hiệu trưởng, nhằm đảm bảo phát triển mục tiêu theo hội đồng, nhưng vẫn đảm bảo quyền điều hành của hiệu trưởng để phản ứng linh hoạt trước yêu cầu của cơ quan điều hành có tính hành chính và nghiệp vụ. Còn liên quan đến Đảng thì bên Đảng sẽ có văn bản điều chỉnh. Tinh thần là phải có cơ chế quản lý tập thể để đảm bảo trách nhiệm giải trình khi giảm dần vai trò của cơ quan chủ quan, nhưng vẫn phải đảm bảo điều hành của Ban giám hiệu, mà cụ thể là của hiệu trưởng với tư cách là người chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, về quy định trường tư thục lợi nhuận và phi lợi nhuận trong Dự thảo Luật đã cơ bản đảm bảo được tinh thần khuyến khích các nhà đầu tư vào giáo dục đại học. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát kỹ trước khi trình Kỳ họp thứ 6 để Quốc hội thông qua.