Ngân hàng Nhà nước đề xuất gia hạn nợ cho khách gặp khó khăn

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước đề xuất gia hạn thời gian cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 thêm 6 tháng, đến hết năm nay.

Ngân hàng Nhà nước đề xuất gia hạn thời gian cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 thêm 6 tháng, đến hết năm nay. Ảnh: HDB
Ngân hàng Nhà nước đề xuất gia hạn thời gian cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 thêm 6 tháng, đến hết năm nay. Ảnh: HDB

Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 02 về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm 2024 cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, dự báo tiếp tục kéo dài trong năm 2024.

Việc gia hạn Thông tư 02 để cơ cấu lại hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn là rất tốt trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: Quốc Hải

Việc gia hạn Thông tư 02 để cơ cấu lại hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn là rất tốt trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: Quốc Hải

Trong khi đó, chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024.

Do vậy, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế.

Đối với các tổ chức tín dụng, Thông tư 02 quy định tổ chức tín dụng phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng như trong trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ; đồng thời phải thực hiện trích lập bổ sung đầy đủ vào 31/12/2024.

Do vậy, đến 31/12/2024, tổ chức tín dụng đã có đủ nguồn tài chính để xử lý rủi ro, thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành (Thông tư 11/2021/TT-NHNN).

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng trường hợp kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư đến hết 31/12/2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống.

"Việc kéo dài chính sách này đến ngày 31/12/2024 không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro của các nhà băng song sẽ giúp tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng chưa gia tăng mạnh ngay", phía Ngân hàng Nhà nước lý giải.

Liên quan đến đề xuất gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng, đến hết năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia kinh tế đều tỏ ra đồng tình và ủng hộ chủ trương này.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cho hay, thời gian qua dù nhà nước đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là các gói hỗ trợ về vốn song trên thực tế tỷ lệ thụ hưởng chưa nhiều, chỉ khoảng 10%.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lũy kế từ ngày 24/4/2023 đến 30/11/2023), tổng giá trị nợ gốc và lãi được tổ chức tín dụng cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 171.083 tỷ đồng, với 175.581 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Theo ông Hưng, trong năm 2023, nhiều DN gần như không tiếp cận được các gói tín dụng ưu đãi lãi suất. Lý do là tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp và giá trị tài sản bảo đảm nói chung giảm đến 30%, đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp trong khi DN gần như cạn kiệt tài sản.

Khảo sát của HUBA đối với các hội viên trong quý I/2024 cũng cho thấy các DN đang gặp khó khăn về vốn chứ không phải lãi suất. Với tình hình khó khăn hiện nay, DN không vay vì không có hợp đồng hoặc DN vay vốn không chỉ cho nhu cầu đầu tư mới mà còn để thanh toán các khoản vay cũ đã đến hạn.

Do đó, HUBA kiến nghị chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ, có nghĩa là DN gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn vào năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay vì phải trả ngay khi hết gia hạn, làm gấp lên 2 lần số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây "khó khăn kép" cho DN như thời gian qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ