Tháo gỡ bất cập trong 5 năm thi hành Luật Báo chí 2016 tại Thái Nguyên

GD&TĐ -  Ngày 14/10, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực tiễn 5 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016.

Quang cảnh Hội nghị Tổng kết thực tiễn 5 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Quang cảnh Hội nghị Tổng kết thực tiễn 5 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, sở, ngành và địa phương cùng các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tham dự hội nghị này.

Các đại biểu dự Hội nghị Tổng kết thực tiễn 5 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Các đại biểu dự Hội nghị Tổng kết thực tiễn 5 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Hội nghị đã nghe báo cáo công tác triển khai thực hiện 5 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sau 5 năm thi hành, Luật Báo chí năm 2016 đã tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả và phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định.

Những nội dung cơ bản của Luật báo chí 2016 đã phù hợp và đảm bảo tính hiệu lực trong quản lý, điều hành, phù hợp với tình hình đất nước, thực tế xã hội Việt Nam hiện nay, góp phần xây dựng nền báo chí lành mạnh, tích cực, đáp ứng nhu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Luật báo chí cũng tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho các nhà báo hoạt động đúng pháp luật, nâng cao vị thế và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân.

Ông Đỗ Xuân Hoà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị.

Ông Đỗ Xuân Hoà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị.

Ngay sau khi Luật được ban hành, công tác phổ biến, quán triệt Luật báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn Luật đã được sở Thông tin và Truyền thông triển khai đến các cơ quan báo chí và các địa phương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và hiệu quả như: Tổ chức các lớp về nội dung của luật, tập huấn công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Đồng thời, triển khai Luật Báo chí tại Hội nghị giao ban công tác QLNN về báo chí.

Sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tham mưu để UBND tỉnh ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật; ban hành văn bản về việc nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, tạp chí “hóa báo”… đó là những nội dung nổi bật sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên đã thực hiện trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn.

Mặt khác, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 24/12/2019 về việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Cùng với đó là việc trao thẻ nhà báo, bồi dưỡng các lớp chức danh công việc để người làm báo yên tâm hoạt động, cống hiến.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 8 cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện, cơ quan thường trú, đó là: Báo Giáo dục và Thời đại, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Nông nghiệp Việt Nam...

Tỉnh Thái Nguyên có 03 cơ quan báo chí, là Báo Thái Nguyên, Đài PT-TH tỉnh và Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên với hơn 300 phóng viên, cộng tác viên đang hoạt động.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên phát biểu góp ý tại Hội nghị.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên phát biểu góp ý tại Hội nghị.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, nhà báo Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên đã góp ý: Nhiều cơ sở, doanh nghiệp còn gây khó dễ cho phóng viên, nhà báo tác nghiệp, thu thập thông tin. Họ thường yêu cầu, đòi hỏi trái Luật Báo chí nhiều loại giấy tờ, giấy giới thiệu tỉ mỉ, cụ thể chi tiết từng mảng, đích danh tên cơ quan ... thì mới hợp tác cung cấp thông tin.

Chế độ chấm nhuận bút, thù lao cho phóng viên, nhà báo còn quá thấp chưa đảm bảo đúng quy định của Luật Báo chí. Tình trạng tạp chí “hóa báo”, báo “hóa tạp chí” khiến cho nhiều cộng tác viên, phóng viên báo chí đến cơ sở có biểu hiện dọa nạt doanh nghiệp, nhũng nhiễu vòi tiền cơ sở gây ảnh hưởng lớn đến danh dự, uy tín các nhà báo chân chính...

Nhà báo Nguyễn Nam Hải, Phó Giám đốc Đài PT-TH Thái Nguyên chỉ ra những khó khăn và hệ lụy của cơ chế tự chủ với cơ quan báo chí tại Hội nghị.

Nhà báo Nguyễn Nam Hải, Phó Giám đốc Đài PT-TH Thái Nguyên chỉ ra những khó khăn và hệ lụy của cơ chế tự chủ với cơ quan báo chí tại Hội nghị.

Nhà báo Nguyễn Nam Hải, Phó Giám đốc Đài PT-TH Thái Nguyên đã chỉ ra những khó khăn và hệ lụy của cơ chế tự chủ đối với các cơ quan báo chí. Do cơ chế tự chủ mà các tòa soạn buộc phải giao khoán định mức kinh tế truyền thông cho các phóng viên đã dẫn đến áp lực về việc làm, thu nhập khiến người cầm bút dễ sa ngã.

Vấn đề sáp nhập nhiều cơ quan chức năng khác nhau vào với cơ quan báo chí đặc thù. Cơ chế chính sách cần được sửa đổi, bổ sung rõ ràng để có giải pháp quản lý hiệu quả các hoạt động báo chí nói chung. Đồng thời cũng có phương án giám sát hoạt động của các cơ quan báo chí nói chung, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những sai phạm theo quy định của pháp luật.

Nhà báo Hoàng Thảo Nguyên, Trưởng văn phòng thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Thái Nguyên kiến nghị Quốc hội sửa đổi một số quy định trong Luật Báo chí để phù hợp với thực tiễn.

Nhà báo Hoàng Thảo Nguyên, Trưởng văn phòng thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Thái Nguyên kiến nghị Quốc hội sửa đổi một số quy định trong Luật Báo chí để phù hợp với thực tiễn.

Còn theo nhà báo Hoàng Thảo Nguyên, Trưởng văn phòng thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Thái Nguyên cho rằng: Nhà báo tác nghiệp gặp khó khăn là do quy chế phát ngôn và người đứng đầu chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí còn cồng kềnh, cứng nhắc.

Việc yêu cầu phóng viên phải thực hiện các thủ tục hành chính rườm rà không có trong luật Báo Chí là hành xử kém văn hóa và trái luật. Đề nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng liên quan cần bổ sung các văn bản điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Đồng chí Vũ Duy Hoàng, UVBTV-Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đồng chí Vũ Duy Hoàng, UVBTV-Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Kết luận tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên, sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp thu và đồng hành cùng các cơ quan báo chí, tạo mọi điều kiện cho nhà báo, phóng viên tác nghiệp được thuận lợi hơn trong thời gian tới. Đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn chủ động cung cấp thông tin, giúp đỡ nhà báo, phóng viên tác nghiệp đúng quy định, hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền. Các sở ngành liên quan cũng tăng cường giám sát hoạt động của cơ quan báo chí, nếu thấy sai lệch chủ trương, đường lối, bóp méo sự thật thì cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng IDF tác chiến tại Gaza.

Mịt mù cuộc chiến Israel với Hamas

GD&TĐ - Đài ABC của Mỹ ngày 6/7 dẫn tuyên bố của Tướng Israel thừa nhận cuộc chiến với lực lượng Hamas ở Gaza có thể phải sẽ kéo dài nhiều năm.