Tháo 'điểm nghẽn' trong dạy học tích hợp

GD&TĐ - Sau 2 năm triển khai Chương trình GDPT 2018 cấp THCS, khó khăn lớn nhất với đa số giáo viên là dạy môn tích hợp, đặc biệt là môn Khoa học tự nhiên.

Học sinh Trường Liên cấp Ngôi sao Hà Nội trong giờ học Khoa học tự nhiên.
Học sinh Trường Liên cấp Ngôi sao Hà Nội trong giờ học Khoa học tự nhiên.

Nhiều nỗi băn khoăn

Năm học 2023 - 2024, Chương trình GDPT 2018 sẽ được triển khai ở 3/4 lớp cấp THCS là lớp 6, 7 và 8. Sau những khó khăn về dạy học môn tích hợp gồm Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý ở những năm học trước, việc triển khai chương trình mới trong năm học này nhiều giáo viên tiếp tục băn khoăn.

Cô Hoàng Hải Vân - Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đánh giá, việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội còn bất cập khi giáo viên được đào tạo để dạy từng môn. Giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thực sự hiệu quả. Việc yêu cầu giáo viên bồi dưỡng để dạy tích hợp là do thay đổi từ chương trình nhưng không có chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia bồi dưỡng các môn này. Do đó, giáo viên mong mỏi có chính sách hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho đội ngũ.

Thầy Nguyễn Văn Hùng, giáo viên Vật lý một trường THCS ở Hưng Yên (được giao dạy Khoa học tự nhiên lớp 6), chia sẻ: Việc giáo viên được đào tạo đơn môn, nay dạy chương trình tích hợp sẽ không tránh khỏi khó khăn. Dù được trải qua lớp tập huấn nhưng kiến thức các phân môn còn lại vẫn ở mức độ nhận biết, thông hiểu, khiến các thầy cô bối rối khi giảng bài cho học sinh.

Ở các trường học vùng khó, việc dạy học các môn tích hợp còn bất cập hơn rất nhiều. Ông Phan Như Thắng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) - cho biết: Để triển khai Chương trình GDPT 2018, Phòng đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn căn cứ số giáo viên có trình độ chuyên môn tương ứng với các bộ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý để sắp xếp giảng dạy.

Tuy nhiên, quá trình triển khai đã xuất hiện tình trạng thiếu giáo viên ở một số trường trên cùng địa bàn. Trình độ, kỹ năng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận công nghệ mới trong quản lý và dạy học ở một số cán bộ, giáo viên còn hạn chế. Giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong dạy môn tích hợp, đặc biệt với môn Khoa học tự nhiên do trình độ hạn chế.

Chia sẻ thêm về khó khăn của việc triển khai dạy tích hợp, cô Nguyễn Kiều Anh - Trường Liên cấp Ngôi sao Hà Nội cho biết: Hiện, môn Khoa học tự nhiên được chia theo chủ đề Vật lý, Hóa học, Sinh học. Với các chủ đề liên quan đến môn Hóa, đương nhiên giáo viên môn Hóa thấy đơn giản, nhưng giáo viên môn Lý, Sinh ban đầu cũng gặp khó khăn và ngược lại.

Trước tiên là về mặt chương trình, tiếp theo là tổ chức dạy như thế nào. Bản thân giáo viên khi dạy tích hợp phải có kiến thức nhiều hơn. Để bài học hấp dẫn, sinh động, những kiến thức giáo viên đưa ra cũng phải có tính liên hệ, gắn với thực tế. “Việc liên hệ thực tế, giúp học sinh trả lời các câu hỏi để mở rộng kiến thức, rồi làm sao để xây dựng bài học gắn với thực tế thì giáo viên khác với phân môn chuyên của mình sẽ gặp khó. Tôi nghĩ, chúng tôi cần có thời gian để tiếp nhận các kiến thức mới, và ngẫm sâu hơn”, cô Kiều Anh nói.

Học sinh Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong giờ học.

Học sinh Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong giờ học.

Để giáo viên vững vàng

Bên cạnh một số khó khăn, cô Kiều Anh cho rằng, việc dạy tích hợp có nhiều ưu điểm. Với mỗi lớp, đối tượng học sinh trong cùng một khối, đôi khi giáo án và phương pháp dạy học của giáo viên đã khác nhau, chưa nói đến việc qua mỗi năm khi xã hội phát triển, chắc chắn việc dạy học cũng phải phát triển tương ứng.

Khi thực hiện dạy tích hợp, bắt buộc giáo viên phải nắm được chương trình và lộ trình. Sách thay đổi thì mục tiêu, bài học có thay đổi hay không? Chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của học sinh như thế nào? Nắm được những vấn đề này, giáo viên mới xác định được nội dung nào cần truyền đạt cho học trò.

Bên cạnh đó, giáo viên cần có phương pháp triển khai. Ví dụ, với chủ đề về Oxy trong chương trình Hóa học lớp 8, trước đây giáo viên phải dạy tất cả nội dung về tính chất của Oxy. Khi kiến thức về Oxygen mang xuống lớp 6, nội dung học sinh được học chỉ đơn giản là Oxygen là gì? Oxygen có ở đâu? Các tính chất vật lý cơ bản nhất chúng ta có thể quan sát...

Điều này đã khơi gợi được niềm yêu thích và hứng khởi của học sinh khi học Khoa học tự nhiên, giúp các em thấy mình không phải học những nội dung mang tính hàn lâm, mà là những điều gần gũi trong cuộc sống. Học sinh vừa có kiến thức, vừa được rèn luyện các nhóm kỹ năng, năng lực.

Cô Đỗ Thị Thu Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội) - cho rằng, để gỡ khó cho việc triển khai các môn tích hợp, cần quan tâm đến bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Do đó, nhà trường đã xác định cụ thể lộ trình đào tạo, bồi dưỡng, có biện pháp hỗ trợ thực hiện bồi dưỡng tại chỗ, tạo điều kiện cho giáo viên tự bồi dưỡng để có vốn tri thức rộng và khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức các môn học liên quan.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - chia sẻ: Chương trình GDPT 2018 mong muốn có sự liên môn, xuyên môn. Khi triển khai, phải dùng cách dạy học tích hợp để thể hiện được mục tiêu giáo dục mà chương trình hướng đến.

Qua làm việc với nhiều trường học và các nhà quản lý, PGS Chu Cẩm Thơ đánh giá, hiện có rất nhiều hình thức, cấp độ khác nhau của việc dạy và học tích hợp. Tuy nhiên, chưa trường học nào làm được việc đồng bộ 4 trụ cột để triển khai một chương trình, trong đó có dạy học tích hợp, đó là: Mục tiêu gắn liền với tích hợp; nội dung dạy học và phương pháp dạy học; điều kiện dạy học; hệ thống đánh giá.

Do đó, bà Thơ cho rằng, để giải quyết những khó khăn trong vấn đề dạy các môn tích hợp, cần quyết liệt trong khâu đầu tư các hạ tầng, trang thiết bị cho giáo viên. Đặc biệt cần tạo niềm tin, động lực cho học sinh và giáo viên về ý nghĩa của dạy học tích hợp.

“Khi được bồi dưỡng chuyên môn, giáo viên được đào tạo đơn môn có thể vận dụng các thành tố của các môn học để xây dựng thành bài giảng có tính logic, khoa học. Chương trình cấp THCS có một số chủ đề mang tính tích hợp cao nhưng vẫn bảo đảm tính độc lập tương đối nên giáo viên sẽ lần lượt dạy theo chủ đề phù hợp với chuyên môn của mình và kết thúc chủ đề nào thì kiểm tra đánh giá chủ đề đó”. - Cô Đỗ Thị Thu Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.