Thành viên NATO kêu gọi chấm dứt bàn về lằn ranh đỏ

GD&TĐ - Đan Mạch đã kêu gọi NATO áp dụng chính sách không rào cản trong xung đột ở Ukraine, và cho phép Kiev bắn tên lửa tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen

“NATO nên áp dụng chính sách không có rào cản đối với cuộc xung đột ở Ukraine, và cho phép Kiev bắn tên lửa tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga”, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói trong cuộc phỏng vấn mới đây với Bloomberg TV.

Bà lập luận rằng, các cuộc thảo luận công khai về việc các nước NATO nên đi bao xa để đánh bại Nga chỉ có lợi cho Moscow.

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần này để trình bày "Kế hoạch chiến thắng" của mình.

Kiev được cho là đang vận động Washington cho phép các cuộc tấn công tầm xa sử dụng vũ khí phương Tây tài trợ, sâu trong lòng nước Nga, một động thái mà Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, sẽ tương đương với hành động chiến tranh của khối quân sự do Mỹ đứng đầu.

Bà Frederiksen, một người ủng hộ trung thành của Kiev, nói với Bloomberg TV rằng, nên cấp phép như vậy bất kể Moscow có thể phản ứng như thế nào.

"Lằn ranh đỏ quan trọng nhất đã bị vượt qua rồi. Và đó là khi người Nga tiến vào Ukraine. Vì vậy, tôi sẽ không chấp nhận tiền đề này, và tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ ai từ Nga quyết định điều gì là đúng đắn trong NATO, ở châu Âu hay ở Ukraine", bà Frederiksen nói.

“Đã có những cuộc thảo luận liên tục về việc chúng ta có được phép trao tặng điều này không. Tôi nghĩ rằng, các hạn chế về việc sử dụng vũ khí nên được dỡ bỏ?. Trong cuộc chiến này, việc thảo luận công khai về các ranh giới đỏ là một sai lầm, vì điều đó chỉ đơn giản là trao cho người Nga một lá bài quá tốt trong tay họ”, Thủ tướng Đan Mạch thúc giục, bà đồng thời chỉ trích sự thiếu quyết đoán của phương Tây liên quan đến viện trợ quân sự.

Moscow đã tránh nêu chi tiết khi mô tả phản ứng của mình đối với các cuộc tấn công tiềm tàng, trong khi các quan chức Nga tuyên bố rằng, sự cho phép như vậy đã được đưa ra sau cánh cửa đóng kín.

Chính phủ Nga coi cuộc xung đột ở Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ khởi xướng, và là mối đe dọa hiện hữu đối với đất nước, theo học thuyết quân sự của Nga, điều này có thể bảo đảm việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Đan Mạch, quốc gia gia nhập NATO vào năm 1949 với tư cách là thành viên sáng lập, hiện là một phần của “liên minh F-16”, hoạt động để cung cấp máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất cho Ukraine và đào tạo phi công của nước này.

Chính quyền Thủ tướng Frederiksen không cấm Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng máy bay do Copenhagen tài trợ, không giống như một thành viên khác của khối là Bỉ.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhân ngạt khí CO trong tình trạng hôn mê nguy kịch. Ảnh: BVCC.

Người đàn ông nguy kịch do ngạt khí CO

GD&TĐ - Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 46 tuổi, trú tại tỉnh Bắc Giang bị ngạt khí CO trong tình trạng hôn mê nguy kịch.