Lý do buộc Serbia khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự

GD&TĐ -Chính phủ Serbia mới đây đã đồng ý tái áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự đã bị bãi bỏ cách đây 14 năm.

Tổng thống Serbia, Aleksandar Vucic, tại cuộc diễu hành của quân đội Flag 2024, ngày 20/9/2024
Tổng thống Serbia, Aleksandar Vucic, tại cuộc diễu hành của quân đội Flag 2024, ngày 20/9/2024

Belgrade đã bãi bỏ nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào năm 2010. Sau cuộc họp vào ngày 20/9/2024, chính phủ Serbia đã thành lập một nhóm làm việc có nhiệm vụ "xem xét các hoạt động và biện pháp" nhằm khôi phục nghĩa vụ quân sự bắt buộc 75 ngày cho nam giới. Phụ nữ sẽ tiếp tục được phép phục vụ trên cơ sở tự nguyện.

“Cuộc cải cách sẽ giúp hiện đại hóa lực lượng vũ trang của quốc gia Balkan này, và tăng cường khả năng phòng thủ trước các hành vi tấn công tiềm tàng”, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic phát biểu tại một buổi lễ quân sự ở Batajnica hôm 20/9.

Quyết định khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Belgrade và vùng ly khai Kosovo, nơi người Serbia địa phương đã phản đối chính quyền do người Albania lãnh đạo.

Tuần trước, Phó Thủ tướng Serbia Aleksandar Vulin đã cảnh báo về khả năng leo thang, và cho biết, Belgrade sẽ không đứng yên "khi bạo lực được sử dụng chống lại người Serbia".

Serbia không phải là thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng vẫn duy trì quan hệ làm việc với khối do Mỹ đứng đầu bất chấp chiến dịch ném bom năm 1999 do NATO thực hiện nhằm hỗ trợ cuộc nổi dậy ly khai của người Albania ở Kosovo.

Các viên chức ở Belgrade đã nhấn mạnh rằng, quốc gia này sẽ tiếp tục duy trì “sự trung lập về quân sự” trước cuộc xung đột ở Ukraine cũng như căng thẳng giữa NATO và Nga.

Serbia cũng tuyên bố sẽ không từ bỏ mối quan hệ hữu nghị lịch sử với Nga, và từ chối tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ