Thanh tra vào cuộc vụ 'phụ huynh tố nhà trường nâng giá thiết bị' ở Thanh Hóa

GD&TĐ - Một số người dân ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã quay video tại Trường Tiểu học Nga Tân rồi phát tán trên mạng xã hội, gây chú ý cho nhiều người.

Người dân vào lớp học ở Trường Tiểu học Nga Tân (Nga Sơn, Thanh Hóa) quay video phản ánh tình trạng lạm thu. (Ảnh: Cắt từ Clip)
Người dân vào lớp học ở Trường Tiểu học Nga Tân (Nga Sơn, Thanh Hóa) quay video phản ánh tình trạng lạm thu. (Ảnh: Cắt từ Clip)

Phụ huynh đột nhập lớp học quay video tố nhà trường

Những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn video do một số người dân quay trong lớp học tại Trường Tiểu học Nga Tân (Nga Sơn, Thanh Hóa).

Nội dung của đoạn video cho rằng, nhà trường mua sắm trang thiết bị, đồ dùng phục vụ các lớp học với giá quá cao so với giá thị trường.

Người dân vừa quay video vừa chỉ ra những thiết bị, đồ dùng trong 1 lớp học, như giá treo tivi, khung ray đỡ tivi, dây cáp nối tivi, rèm cửa... và cho rằng, nhà trường đã nâng giá lên gấp nhiều lần so với thực tế.

Đoạn video đã thu hút hàng chục nghìn lượt xem, chia sẻ và bình luận của cộng đồng mạng.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan vào cuộc xác minh.

Trả lời PV Báo GD&TĐ, ông Mai Ngọc Phi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nga Tân (Nga Sơn) cho biết, sau khi sự việc xảy ra, ông đã có báo cáo giải trình gửi UBND huyện, Phòng GD&ĐT huyện Nga Sơn.

“Nội dung trong video không đúng với sự thật, mọi khoản thu được thông báo mới chỉ là dự thảo, chưa phải là văn bản chính thức theo quy trình làm việc. Nhà trường chưa thu tiền của bất kỳ học sinh nào.

Phụ huynh quay video tại lớp 3B không xin phép, chưa được sự đồng ý của nhà trường, của giáo viên chủ nhiệm và bảo vệ cơ quan.

Việc quay video này có sự tổ chức của một nhóm người. Trong video có sử dụng nhiều ngôn từ mang tính chất kích động, lôi kéo, miệt thị, làm ảnh hướng tới uy tín tập thể, cá nhân của nhà trường; tạo dư luận không tốt tại địa phương, tạo hiệu ứng lan tỏa cho rất nhiều phụ huynh ở địa phương và cộng đồng mạng”, bản giải trình nêu.

Trả lời PV Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nga Sơn cho biết, sự việc người dân vào lớp học ở Trường Tiểu học Nga Tân quay video, bình luận về việc nhà trường mua sắm đồ dùng, thiết bị phục vụ dạy, học có giá cao hơn giá thị trường là có thật.

Khi đoạn video trên được phát tán trên mạng xã hội Facebook, đã thu hút nhiều người xem, bình luận và chia sẻ.

“Ngay trong ngày 7/10, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn đã yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện phối hợp với các đơn vị chức năng vào cuộc xác minh vụ việc.

Chủ tịch UBND huyện cũng đã chỉ đạo Thanh tra huyện thành lập đoàn để thanh tra những nội dung liên quan mà người dân phản ánh ở Trường Tiểu học Nga Tân.

Hiện, Thanh tra huyện Nga Sơn đang vào cuộc theo quy định”, ông Sơn thông tin.

Trường Tiểu học Nga Tân (Nga Sơn, Thanh Hóa) đang sửa chữa cổng, nên chưa treo biển tên. (Ảnh: TL)

Trường Tiểu học Nga Tân (Nga Sơn, Thanh Hóa) đang sửa chữa cổng, nên chưa treo biển tên. (Ảnh: TL)

Theo ông Sơn, cũng trong ngày 7/10, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện, Phòng GD&ĐT đã ban hành công văn về việc: “Chấn chỉnh công tác triển khai thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách năm học 2023-2024 đối với các trường mầm non, Tiểu học và THCS công lập trên địa bàn toàn huyện".

Công văn của Phòng GD&ĐT có đề cập đến việc, từ cuối tháng 9/2023 đến nay, một số nhà trường đã triển khai (chưa thực hiện) các khoản thu ngoài ngân sách năm học 2023-2024 đến các bậc phụ huynh.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh của một số đơn vị không đồng tình, thậm chí bức xúc phản ánh với UBND huyện, Phòng GD&ĐT. Phụ huynh cho rằng trong các nội dung triển khai của một số trường có dấu hiệu lạm thu, không minh bạch.

“Đặc biệt, trong những ngày gần đây đã có một số phụ huynh bức xúc gửi những bình luận và video lên mạng xã hội, phản đối một vài hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm về mức thu...”, công văn nêu.

Nếu lạm thu, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm

Cũng theo công văn của Phòng GD&ĐT huyện Nga Sơn, yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm túc theo văn bản của Bộ GD&ĐT, như: Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT; Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT về xã hội hóa và các công văn liên quan của tỉnh, Sở GD&ĐT.

Phổ biến, triển khai để toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh nắm rõ, đồng thuận và tự nguyện. Không mập mờ các khoản thu, mức thu và không ép buộc phụ huynh.

Định mức các khoản thu do nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh dự kiến triển khai xin ý kiến phụ huynh toàn trường. Không vượt mức cho phép của tỉnh, nhưng cần phải dựa trên tình hình thực tế về điều kiện kinh tế, giá cả, các dịch vụ, giá thuê khoán người lao động tại địa bàn và mức thu của những năm học trước.

Công văn chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). (Ảnh: TL)

Công văn chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). (Ảnh: TL)

Đối với việc vận động để tu sửa, cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất trường, lớp kinh phí nhỏ, đề nghị các trường trích ngân sách Nhà nước cấp để thực hiện.

Những hạng mục công trình cần thiết phải tu sửa để đảm bảo an toàn và phục vụ cho học sinh học tập mà nguồn ngân sách của nhà trường không đáp ứng được thì phải báo báo UBND xã, thị trấn hỗ trợ kinh phí.

Nếu địa phương không hỗ trợ được kinh phí, nhà trường đề xuất UBND xã, thị trấn cho phép xã hội hóa để thực hiện, nhằm đảm bảo điều kiện dạy, học đối với giáo viên, học sinh.

Phải thành lập ban khảo sát (thành phần có nhà trường, địa phương, phụ huynh...), lập biên bản, xác định hạng mục cần tu sửa, cải tạo, bổ sung hoặc xây dựng mới và tổng số kinh phí cần thực hiện xã hội hóa. Sau đó nhà trường thực hiện quy trình các bước xã hội hóa theo đúng quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT.

Nên vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm tặng hạng mục công trình. Phòng GD&ĐT chỉ thẩm định các hạng mục mà người hưởng lợi là học sinh và đầy đủ thủ tục như trên.

Về quỹ hội cha mẹ học sinh của trường, lớp, Phòng GD&ĐT huyện yêu cầu thu để đủ chi những nội dung cần thiết. Mức thu, chi phù hợp với thực tế tại địa bàn huyện Nga Sơn của Hội Cha mẹ học sinh.

Hiệu trưởng phải giám sát, theo dõi quy định hiện hành, không để xảy ra tình trạng lấy danh nghĩa hội Cha mẹ học sinh để lạm thu và chi những nội dung không đúng quy định.

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm giải trình trước Nhân dân, phụ huynh, các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, UBND huyện, Phòng GD&ĐT về các phản ánh, kiến nghị về các khoản thu, chi ngoài ngân sách.

Nếu để xảy ra sai phạm, tùy theo mức độ hiệu trưởng phải chịu xử lý kỷ luật theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ