Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện Thanh tra Chính phủ, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và phương hướng năm 2024, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết: Năm 2023, Thanh tra Bộ đã đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra trong đó có việc bảo đảm trọng tâm, trọng điểm về nội dung, đối tượng thanh tra, nhất là các vấn đề nóng, gây bức xúc dư luận xã hội.
Mặc dù khó khăn về biên chế, số lượng công chức nhưng các cuộc thanh tra đều được giám sát hoạt động và thực hiện thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo đúng quy định.
Năm 2023, Thanh tra đã thực hiện và cơ bản hoàn thành 16 cuộc thanh tra theo kế hoạch đối với 38 cơ quan, đơn vị; 4 cuộc thanh tra đột xuất đối với 7 đơn vị. Đã thực hiện và hoàn thành 14 cuộc kiểm tra theo kế hoạch và 3 cuộc kiểm tra đột xuất; cử công chức phối hợp tham gia 5 cuộc kiểm tra do đơn vị thuộc Bộ chủ trì thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị. |
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát theo chức năng theo dõi quản lý, Thanh tra đã ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân với tổng số tiền là 732.500.000 đồng. Đồng thời, tổ chức theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra theo quy định.
Trong năm, Thanh tra đã tập trung lực lượng tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, đã huy động và tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi cho gần 7000 người tham gia công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi. Thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 tỉnh, thành phố, 63 đoàn kiểm tra chấm thi tại 63 tỉnh, thành phố.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện hạn chế, thiếu sót và kiến nghị Hội đồng thi tổ chức Kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế; góp phần tạo nên thành công của Kỳ thi.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và phương hướng năm 2024. |
Năm 2023, Thanh tra Bộ cũng đã rà soát cơ sở giáo dục đại học có dấu hiệu vi phạm kết quả tuyển sinh trình độ đại học năm 2022, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, đã tổ chức tiếp công dân, thực hiện tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định.
Nhằm tạo thuận lợi cho quản lý và tổ chức nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ đã tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản về công tác thanh tra, bảo đảm tính hệ thống, thống nhất sự phù hợp với văn bản cấp trên và thực tiễn quản lý của Bộ, ngành Giáo dục. Nhiệm vụ này sẽ được Thanh tra Bộ tiếp tục quan tâm đẩy mạnh trong năm 2024.
Năm 2024, theo kế hoạch, Thanh tra Bộ sẽ tổ chức 16 cuộc thanh tra, 12 cuộc kiểm tra. Phối hợp, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện đúng thời hạn, chất lượng tổng số 71 cuộc kiểm tra. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; tiếp tục tăng cường hiệu quả thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra của Sở GD&ĐT, thanh tra nội bộ các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị. |
Phòng ngừa, ngăn chặn là thường xuyên; phát hiện, xử lý phải cấp bách
Nhìn lại công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nói chung, với thanh tra Bộ GD&ĐT nói riêng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá “chúng ta đã làm được số lượng công việc nhiều hơn, tốc độ khẩn trương hơn; chiều sâu và tác động điều chỉnh tốt hơn 3 năm qua”. Thanh tra là một trong số ít các đơn vị của Bộ GD&ĐT được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2023. “Xin chúc mừng các kết quả này”, Bộ trưởng ghi nhận.
Theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục đang trong giai đoạn thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện. Trong trạng thái đang thay đổi, các vấn đề, công việc chắc chắn nhiều hơn; từ đó công việc của Thanh tra sẽ nặng nề hơn, yêu cầu cao hơn, đòi hỏi đặc thù hơn… Thanh tra là một công cụ quản lý nhà nước rất quan trọng. Bên cạnh đó, Thanh tra cũng là công cụ để tiếp tục mở đường cho đổi mới, là “bà đỡ” cho sự đổi mới, làm cho đổi mới đúng hướng hơn, tốt hơn.
Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu đối với cán bộ thanh tra, không chỉ cần tinh thông nghiệp vụ, kỷ cương, còn cần tinh thần thấu hiểu, tinh thần hành động.
“Có những việc đúng về tinh thần, hồn cốt, nhưng chưa chuẩn về mặt thể thức, hình thức. Cũng có trường hợp chuẩn về hình thức nhưng lại đang là vật cản của sự đổi mới. Thanh tra cần thấy rõ điều này.
Cán bộ thanh tra bởi vậy ngoài thông thạo nghiệp vụ phải đi cùng với các cục, vụ khác để thấu hiểu những gì đang đổi mới, đang diễn ra, kể cả ở giáo dục phổ thông và đại học; từ đó nhìn ra được vấn đề, thấy được những gì cần cổ vũ, điều gì cần cảnh báo…" - Bộ trưởng lưu ý, đồng thời cho rằng, Thanh tra Bộ GD&ĐT phải thực sự đem tinh thần, yêu cầu, mục tiêu đổi mới để lan tỏa xuống cơ sở và thu nhận tinh thần của cơ sở đến Bộ. Cùng với đó là làm tốt công tác phối hợp; từ khâu chuẩn bị, xác định đối tượng, xác định nội dung, trọng tâm, huy động nhân lực… Với 63 tỉnh thành, hàng trăm trường đại học, trong khi lực lượng thanh tra còn mỏng, công tác thanh tra phải thông qua “điểm” để giải quyết “diện”.
Đại diện Thanh tra Chính phủ phát biểu tại Hội nghị. |
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác Thanh tra năm 2023.
Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh công việc nhiều, tính chất phức tạp, yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi tính cấp bách ngày càng lớn nhưng số người làm việc ngày càng ít, song với tinh thần đoàn kết, chủ động, kịp thời, năm 2023 Thanh tra Bộ đã hoàn thành 100% công việc theo kế hoạch, trong đó hơn 50% hoàn thành trước kế hoạch.
Đồng tình với các bài học kinh nghiệm rút ra từ năm 2023, Thứ trưởng đề nghị Thanh tra Bộ vận dụng, phát huy hiệu quả những kết quả đạt được trong những năm qua, đặc biệt là năm 2023 để chủ động thực hiện hiệu quả cho năm 2024.
Đại diện các cục, vụ của Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội nghị. |
Thứ trưởng nhấn mạnh các phương châm đối với công tác thanh tra gồm: Phòng ngừa, ngăn chặn là thường xuyên; phát hiện - xử lý phải cấp bách, không để lan rộng; mang tính tư vấn và khắc phục; kiểm tra diện rộng, thanh tra trọng tâm trọng điểm vào địa bàn, lĩnh vực; thượng tôn pháp luật, xem xét kỹ lưỡng nguyên nhân khách quan, chủ quan, bối cảnh của từng đối tượng thanh tra…
Lưu ý đội ngũ cán bộ Thanh tra về tinh thần tự học nâng cao trình độ, Thứ trưởng cũng đề nghị Thanh tra Bộ tiếp tục làm tốt công tác nắm bắt thông tin, nắm bắt tình hình để lựa chọn được trọng tâm, trọng điểm cho công tác thanh tra. Việc nắm bắt thực hiện qua dư luận, báo chí, đơn thư, tiếp dân, dự báo… Cùng với đó là làm tốt công tác phối hợp trong, ngoài; lan toả kết quả thanh tra để từ đó cảnh báo, ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm.