Trường học phố núi có 100% học sinh đậu đại học

GD&TĐ - Kết thúc kỳ tuyển sinh đại học năm 2021, một trường học ở phố núi Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) có 100% học sinh đậu Đại học, trong đó có nhiều em lọt vào các trường top đầu.

Một giờ học của thầy và trò trường TH, THCS và THPT Hoàng Việt (Đắk Lắk).
Một giờ học của thầy và trò trường TH, THCS và THPT Hoàng Việt (Đắk Lắk).

Chiều 4/10, thông tin từ Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt, tỉnh Đắk Lắk cho biết, 100% học sinh lớp 12 năm học 2020-2021 của nhà trường đã trúng tuyển vào các trường đại học (ĐH) trên cả nước.

3 năm liền có 100% học sinh đậu Đại học

Theo thống kê của ngành GD&ĐT Đắk Lắk, đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, lớp 12 của trường Hoàng Việt đạt được thành tích này.

Để có được “quả ngọt” đó, các thầy cô luôn nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng các kỹ thuật dạy học tiên tiến giúp khai thác và phát triển tối đa phẩm chất, năng lực của học sinh.

Một giờ học của thầy và trò trường TH, THCS và THPT Hoàng Việt (Đắk Lắk).
Một giờ học của thầy và trò trường TH, THCS và THPT Hoàng Việt (Đắk Lắk).

Năm học 2020–2021 vừa qua, Trường Hoàng Việt có tổng số 2.780 học sinh đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, khối 12 có 5 lớp với 122 học sinh.

Sau khi kỳ tuyển sinh ĐH năm 2021 kết thúc, 100% học sinh khối 12 tại ngôi trường này đều trúng tuyển, trong đó có nhiều trường ở Top đầu như, ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh, ĐH Ngoại thương, ĐH Fulbright Việt Nam, Học viện Quân y…

NGƯT Trần Đức Huyên – Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Ngay từ cấp Tiểu học, học sinh đã được tiếp xúc với phương pháp Trải nghiệm sáng tạo (STEAM). Đến cấp Trung học, các em được kết hợp nghiên cứu khoa học nhằm định hướng dần tinh thần khởi nghiệp. Chương trình học còn đan xen đều đặn những tiết học kỹ năng sống diễn ra trong khu trang trại 12ha của nhà trường. Tại đây, học sinh có cơ hội tăng vốn kiến thức thực tế, rèn luyện bản lĩnh và khả năng tự lập”.

“Phương pháp giảng dạy của chúng tôi đang thực hiện cũng nhằm đáp ứng theo tinh thần Định hướng năng lực và phát triển phẩm chất, năng lực người học do Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Thông tư 32 năm 2018”, thầy Huyên nói thêm.

Nỗ lực của thầy và trò

Với định định hướng giáo dục hiện đại “Đạo đức – Trí tuệ – Nghị lực – Thể chất – Kỹ năng”, đội ngũ nhà giáo luôn nỗ lực giúp học sinh phát triển toàn diện.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy – Giáo viên bộ môn Ngữ văn của Nhà trường chia sẻ, Ngữ văn là một môn học khá đặc thù, đòi hỏi học sinh có sự cảm thụ và tư duy ngôn ngữ tốt.

“Trong các tiết học, giáo viên luôn cố gắng áp dụng phương pháp giảng dạy kết hợp giữa học và hành thông qua các hoạt động như thảo luận nhóm, thuyết trình, thực hiện chuyên đề … Phương pháp này tạo không khí sôi nổi trong lớp, vừa tạo cơ hội cho các em tự khai phá tiềm năng vốn có của bản thân và có thể liên hệ nhanh chóng đến bài học thực tế”, cô Thủy nói.

Nữ sinh Phan Thị Thảo Trang, tân sinh viên trường ĐH Fulbright Việt Nam.
Nữ sinh Phan Thị Thảo Trang, tân sinh viên trường ĐH Fulbright Việt Nam.

Còn em Phan Thị Thảo Trang – học sinh lớp 12A3 (năm học 2020-2021) cho biết, em đã trúng tuyển vào ĐH Fulbright, đây là niềm mơ ước lớn nhất của bản thân và gia đình.

“Năm học 2020-2021, bản thân em đạt 2 giải Nhất trong cuộc thi Khoa học kĩ thuật và khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk. Chính sự tận tình và nỗ lực của thầy, cô trong suốt những năm học tại trường đã ảnh hưởng tích cực đến em trên rất nhiều khía cạnh. Trong đó có ý thức tự học và tự giác tìm hiểu để mở rộng vốn kiến thức”, Thảo Trang tự hào kể.

Cũng theo Thảo Trang, nhờ có sự dạy dỗ và hướng dẫn nhiệt tình của thầy cô trong quá trình học tập, đặc biệt là thầy Trần Đức Huyên – Hiệu trưởng, em đã trả lời được câu hỏi “Tôi là ai?” và đạt được mục tiêu đề ra là đậu ĐH Fulbright như mơ ước.

Theo thống kê từ Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt là một trong 3 ngôi trường có phổ điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cao nhất trên địa bàn tỉnh. Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp là 100% với mức điểm bình quân là 7.5.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ