Thành phố Thủ Đức (đề án) sẽ có những điểm khác biệt gì?

GD&TĐ - Ngày 1/10, tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 1, Quận 3 và Quận 4 của Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị 1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang đã có những chia sẻ về việc thành lập TP Thủ Đức.

Một góc cơ sở hạ tầng hiện trạng hiện nay của TP Thủ Đức tương lai
Một góc cơ sở hạ tầng hiện trạng hiện nay của TP Thủ Đức tương lai

“Không nhanh chóng hoàn thiện các bước thủ tục để cấp có thẩm quyền phê duyệt, đề án thành phố Thủ Đức sẽ lỡ hẹn ít nhất 5 năm”. 

Thông tin được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đưa ra để trả lời cho băn khoăn của các cử tri về nguyên nhân thành phố vội vã trong việc sáp nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hữu Châu, Quận 3, TP.HCM, cho rằng: 3 quận trước khi sáp nhập làm thành phố Thủ Đức còn nhiều sai phạm về dự án, xây dựng và cán bộ quản lý. Khu Công nghệ cao (quận 9), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) còn nhiều tồn tại gây bức xúc người dân nhiều năm. Vì vậy, việc TPHCM vội vã thành lập thành phố Thủ Đức cần phải xem xét kỹ.

“Người dân hoan nghênh việc Thành phố tổ chức lấy ý kiến dân về việc thành lập Chính quyền đô thị và thành phố Thủ Đức. Dù sao cần thận trọng vì dân là gốc của mọi vấn đề. Thành phố mang tên Bác cần làm giàu chính đáng và cần hơn là làm cho dân hạnh phúc”- cử tri Nguyễn Hữu Châu nói.

Trả lời cử tri, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang cho rằng cử tri không nên quá lo lắng, bởi thực tế đề án trên đã được TPHCM chuẩn bị kỹ lưỡng từ khá lâu. Hiện mọi thứ đang thúc đẩy nhanh để sớm triển khai bởi có lý do của nó.

“Thành phố Thủ Đức sẽ là mô hình tích hợp các lĩnh vực đang là thế mạnh của TPHCM, các ngành nghề chủ lực có độ kết nối cao. Tại đây đào tạo gắn với nghiên cứu, gắn với sản xuất, với logistics. Ứng dụng công nghệ để kết nối các ngành với nhau và tạo nên giá trị phát triển bền vững.

Hiện lãnh đạo TPHCM đang làm việc với các bộ, ngành Trung ương để kịp thời trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp sắp tới bởi nếu không nhanh, TPHCM sẽ phải chờ ít nhất 5 năm nữa. Và nếu mọi việc suôn sẻ thì dự kiến đến tháng 5/2021 sẽ bầu hệ thống chính trị ở đơn vị hành chính mới này”- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang cho biết.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 1/10
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 1/10

Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập TP Thủ Đức (trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9, Thủ Đức hiện nay). Hiện TPHCM đang nghiên cứu, quy hoạch Thành phố Thủ Đức trở thành một điểm nhấn của TPHCM.

Theo đó, TPHCM định hướng TP Thủ Đức trong tương lai sẽ được thiết kế không gian rộng rãi, xanh sạch đẹp, hiện đại, thành nơi đáng sống... Quy hoạch cũng sẽ làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của TP Thủ Đức tương lai, so sánh không chỉ với các thành phố trong nước, mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực Châu Á và một số thành phố phát triển trên thế giới.

Về cơ sở hạ tầng giao thông, TPHCM hướng đến giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó, có việc mở rộng mạng lưới giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng Đông và định hướng kéo dài tuyến metro số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

TP.HCM cũng sẽ mở rộng mạng lưới xe buýt, BRT trong khu vực phía Đông gắn với các trung tâm phát triển, các khu dân cư mới và kết nối với tuyến metro số 1 đang hình thành... Từ đó, nâng tỉ lệ người sử dụng giao thông công cộng (đường bộ, đường sắt, đường thủy) trong khu vực từ 10% lên 25% vào năm 2025.

một góc hạ tầng giao thông khu vực quận 2
một góc hạ tầng giao thông khu vực quận 2

Song song với giao thông vận tải bằng đường bộ, UBND TPHCM cũng yêu cầu nghiên cứu phát triển thêm mạng lưới giao thông thủy (taxi thủy, xe buýt đường sông…) để điều hướng các hành lang kênh rạch lớn và kết nối với mạng lưới sông lớn của thành phố. Bên cạnh đó, TP Thủ Đức trong tương lai cũng sẽ xây dựng nhiều công trình văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm cỡ khu vực…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...