Sáp nhập quận, phường tại TPHCM: Giáo dục có bị ảnh hưởng?

GD&TĐ - UBND TPHCM vừa trình Bộ Nội vụ phương án sáp nhập một số quận, phường, trong đó một số phường được đặt tên mới. Đồng thời, UBND TP cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức phản biện xã hội về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021.

Học sinh Trường MN 2 (Q.4, TPHCM) trong một giờ học hè. Ảnh: FBNT
Học sinh Trường MN 2 (Q.4, TPHCM) trong một giờ học hè. Ảnh: FBNT

Giảm còn 22 quận/huyện và 312 phường/xã

Theo kế hoạch sau khi sáp nhập, TPHCM giảm từ 24 quận huyện còn 22 (16 quận, một thành phố và 5 huyện); giảm từ 322 xã, phường, thị trấn xuống còn 312 (249 phường, 58 xã và 5 thị trấn). Đồng thời, UBND TPHCM cũng yêu cầu các quận có phường bị sáp nhập chuẩn bị các nội dung: Vị trí đặt trụ sở UBND phường mới; phương án sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập.

Bên cạnh đó, UBND TPHCM có văn bản đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM sớm tổ chức phản biện xã hội đối với Đề án sắp xếpđơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 để đề án đạt hiệu quả cao nhất khi trình các cấp thẩm quyền xem xét, thẩm định. Đồng thời, UBND TPHCM cũng yêu cầu UBND các phường bị sáp nhập tổ chức lấy ý kiến cử tri trong ngày 3/10. Nếu có trên 50% tổng số cử tri ở phường tán thành, HĐND các cấp liên quan thảo luận, biểu quyết tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp. HĐND TPHCM họp cho ý kiến ngày 12/10. Sau đó, UBND TPHCM sẽ chính thức trình đề án lên Bộ Nội vụ trước 25/10.

Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn của quận phải có diện tích từ 35 km2 trở lên, dân số ít nhất 150.000 người. Còn quy mô dân số của phường (thuộc quận) từ 15.000 người trở lên; diện tích từ 5,5 km2 trở lên; xã là 5.000 - 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2. Những đơn vị không đạt hai tiêu chí này phải sắp xếp.

Cụ thể, về cấp quận, huyện sẽ sắp xếp nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của Quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức, với tổng diện tích hơn 211 km2 và trên 1 triệu dân. Chính quyền TPHCM kỳ vọng nơi đây sẽ là “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ. Sau khi thành lập, TP Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của TPHCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.

Ở cấp phường xã, 19 phường thuộc Quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận phải sắp xếp. Trong đó, Quận 2 sẽ nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm (cả 2 phường bị giải tỏa trắng để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm) thành phường Thủ Thiêm (diện tích hơn 3,2 km; dân số 428 người); nhập phường Bình Khánh và Bình An thành phường An Khánh (diện tích gần 4 km2; dân số hơn 23.100 người). Trong khi, Quận 3 nhập phường 6, 7, 8 thành phường Võ Thị Sáu (diện tích gần 2,2 km; dân số hơn 36.700 người); Quận 4 nhập phường 2 và 5 thành phường 2 (diện tích 0,35 km2; dân số hơn 17.400 người); nhập phường 12 và 13 thành phường 13 (diện tích 0,84 km2; dân số hơn 18.500 người). Quận 5 nhập phường 12 và 15 thành phường 12 (diện tích hơn 0,57 km2; dân số hơn 17.300 người ); Quận 10 nhập phường 2 và 3 thành phường 2 (diện tích 0,3 km2; dân số gần 25.000 người); Quận Phú Nhuận nhập phường 11 và 12 thành phường 11 (diện tích 0,38 km2; dân số hơn 15.500 người); nhập phường 13 và 14 thành phường 13 (diện tích gần 0,3 km2; dân số hơn 16.600 người).

Giáo dục và người dân thế nào?

Một số người dân sinh sống trên địa bàn có sáp nhập lo lắng việc thực hiện các thủ tục chuyển đổi một số hồ sơ giấy tờ sẽ bị tốn kém, quan điểm chỉ đạo của UBND TPHCM sẽ không thu các loại phí, lệ phí và tạo thuận lợi trong việc chuyển đổi giấy tờ thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công, UBND TPHCM đã yêu cầu quận, phường mới hình thành sau khi sắp xếp chủ động triển khai, hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ. Thành phố sẽ không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi và tạo thuận lợi trong việc chuyển đổi giấy tờ thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp cán bộ dôi, dư cũng đặt ra nhiều vấn đề. Chẳng hạn, liên quan việc sáp nhập Quận 2, 9, Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức, 3 phòng GD&ĐT của 3 quận này cũng sáp nhập thành Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức. Như vậy, sẽ có một số bộ phận cán bộ, viên chức dôi, dư. Theo ông Đỗ Văn Đạo - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, bất cứ một thay đổi, xáo trộn nào cũng đều có khó khăn. Đầu tiên là tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, đời sống, công ăn việc làm của cán bộ, công chức. Người dân cũng gặp sự khó khăn do xáo trộn, thay đổi địa chỉ, thông tin, giao dịch, liên lạc lúc ban đầu. Thành phố quyết tâm tổ chức triển khai việc sáp nhập tốt, căn cơ, làm sao hạn chế ít nhất tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, viên chức và sự xáo trộn với sinh hoạt của người dân.

Hiện, TPHCM đã có phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các quận, phường mới hình thành sau khi sắp xếp. Cụ thể, đối với cán bộ, công chức cấp quận dôi dư sau khi sáp nhập (107 người) thực hiện giảm dần trong thời gian 60 tháng, đồng thời giải quyết nghỉ hưu (đúng tuổi, trước tuổi) hoặc không đủ chuẩn để tái cử; điều động sang quận, huyện khác hoặc xét chuyển thành công chức TPHCM. Trong đó, trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được sang các đơn vị khác thì động viên thôi việc và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định chính sách của TPHCM.

Liên quan đến những tác động với các cơ sở giáo dục trên địa bàn có sáp nhập, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: Trước mắt, trường học vẫn giữ nguyên nên không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, có một thực tế như ở phường 2, 5 của Quận 4 (TPHCM), sáp nhập lại thành phường 2, nhưng hiện chỉ phường 2 có Trường MN 2 là công lập, còn phường 5 không có trường MN. Như vậy, khi ghép phường sẽ dồn dân và các cháu ở độ tuổi mẫu giáo. Trong khi, phường 12, 13 (Quận 4) có 3 trường mầm non trên địa bàn gồm: MN 12, MN Sao Mai 12 và MN Sao Mai 13. Quận 4 có chủ trương ghép Trường Mầm non 12 và Sao Mai 12 thành 1 nhưng chưa có hướng dẫn chính thức.

Về việc một số phường sau sáp nhập khiến dân số tăng cao trong khi hệ thống trường học chưa bảo đảm, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, sở sẽ có rà soát lại hệ thống các trường trên địa bàn có sáp nhập để có sự điều chỉnh phân luồng, phân tuyến phù hợp với tình hình thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.