Xây dựng xã hội học tập là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Xã hội học tập là nguồn lực cơ sở của nền kinh tế tri thức cao, phát triển đất nước xã hội đòi hỏi sự học tập thường xuyên liên tục và học tập suốt đời. Khác với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, chính vì vậy sau khi xây dựng và ban hành các quy mô học tập như: Gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập và cộng đồng học tập cấp xã. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội khuyến học Việt Nam tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình Thành phố học tập, hoàn thiện bộ tiêu chí để trình Thủ tướng phê chuẩn.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo GS.TS Phạm Tất Dong Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Trong chương trình xây dựng thành phố học tập mà UNESCO đề xuất, thuật ngữ thành phố được để chỉ một khu vực dân cư, một khu vực đô thị, một khu công nghiệp hay một khu chế xuất mà dân cư thường là dăm bảy ngàn người, chứ không chỉ là những thành phố nhỏ và thành phố lớn.
GS.TS Phạm Tất Dong Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo |
Khi xây dựng một dự án thành phố học tập, không nhất thiết là người ta đồng loạt đưa các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố vào thực hiện Bộ tiêu chí, mà có thể chọn hoặc chỉ định quận nào, huyện nào làm thí điểm, hoặc làm đơn vị để tập trung nguồn lực làm trước, sau đó, đầu tư làm đến quận, huyện khác. Khi chưa có kinh nghiệm thì lại càng không không làm ồ ạt, nhất loạt được.
GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng: Trước hết là phải có được Bộ tiêu chí về thành phố học tập và xác định những đặc trưng cơ bản về công dân học tập sống trong thành phố học tập.
Mẫu số chung của các Bộ tiêu chí mà quốc gia nào cũng cần bảo đảm là: Thành phố phải tạo ra các cơ hội học tập từ cấp phổ thông đến cấp đại học một cách bình đẳng cho mọi công dân của mình; phải thúc đẩy việc học tập trong từng gia đình và từng cộng đồng; thúc đẩy việc tạo điều kiện học cho công việc và học tại nơi làm việc; mở rộng công việc sử dụng các công nghệ học tập hiện đại; bảo đảm chất lượng học tập của người dân, thực hiện được sự đa dạng hóa về các hình thức học tập, các nội dung học tập và các phương pháp học tập của người lớn và xây dựng văn hóa học tập suốt đời...
Bộ tiêu chí của nhóm chuyên gia soạn thảo báo cáo tại Hội thảo cũng tính đến những vấn đề có tính thời sự và cố gắng phản ánh thông qua các chỉ số được đưa ra như vấn đề bình đẳng giới, ước vọng về thành phố thông minh (làm cho người dân hài lòng với điều kiện phát triển) thành phố xanh (những yêu cầu về một thành phố có môi trường sống tốt hơn), thành phố hạnh phúc (người dân hài lòng hơn với cuộc sống trong đô thị của mình), tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 (sử dụng công nghệ học tập, sử dụng ngoại ngữ, học tập sáng tạo…).
Các đại biểu tại Hội thảo đã tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến vào các nội dung cụ thể các tiêu chuẩn trong Bộ tiêu chí xây dựng thành phố học tập như: Bảo đảm xóa mù chữ cơ bản vững chắc; Khuyến khích và tạo điều kiện để các cá nhân tíhc cực tham gia vào các hoạt động chung của khu dân cư, thành phố; Bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững; Tạo cơ hội việc làm cho mọi công dân; Đổi mới học tập trong gia đình và cộng đồng; Củng cố ý chí chính trị, huy động và sử dụng các nguồn lực;... Các ý kiến đóng góp đã được ban tổ chức ghi nhận, nhằm tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí Thành phố học tập.