Thông tin về tình trạng “tín dụng đen”, đòi nợ thuê nở rộ với nhiều hình thức uy hiếp tinh thần, thậm chí vu khống, bôi nhọ nhân phẩm,…Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an thành phố Hồ Chí Minh cho hay, từ ngày 1/12/2020 đến nay, lực lượng chức năng ghi nhận 347 trường hợp ném chất bẩn, dùng sim rác gọi điện đe dọa liên quan đến các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, giảm 32,22% so với thời gian cùng kỳ.
Cũng liên quan đến “tín dụng đen”, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn thành phố đã phát hiện 120 vụ việc. Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 45 vụ án 65 bị can hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê; khởi tố 10 vụ 27 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử phạt hành chính 3 vụ, 4 đối tượng; tạm đình chỉ 12 vụ; đang điều tra xác minh 49 vụ.
Trong thời gian tới, Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ tiếp tục tham mưu chính quyền địa phương có kế hoạch khảo sát những hộ nghèo có nhu cầu vay vốn, đơn giản hóa thủ tục cho vay để người dân có thể tiếp cận các nguồn vay từ ngân hàng chính sách xã hội hoặc thành lập các quỹ cho vay hỗ trợ người nghèo của từng phường, xã, thị trấn gắn với chính sách giải quyết việc làm cho người lao động.
Tổ chức cao điểm đấu tranh tranh trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán 2022 và các sự kiện của đất nước từ ngày 15/12/2021 đến 14/2/2022; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, tiếp tục trấn áp mạnh các tội phạm có tổ chức, nhất là tội phạm có tổ chức liên quan đến “tín dụng đen”.
Cùng với đó, rà soát và quản lý chặt các cá nhân có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn từng khu vực; thường xuyên cập nhật tình hình, hình thức hoạt động biến tướng của các băng nhóm, đối tượng để có giải pháp kịp thời.
Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan hoạt động “tín dụng đen” và đòi nợ thuê; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án, nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận quan tâm, không để lọt tội phạm.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng lưu ý thêm, người dân khi gặp tình huống bị uy hiếp đòi nợ cần khiếu nại đến công ty tài chính về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ; đòi tiền cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ. Đồng thời, gửi đơn tố cáo đến Sở Thông tin và Truyền thông, Công an nếu công ty tài chính tiếp tục có hành vi sử dụng điện thoại, các phương tiện viễn thông để quấy rối, xúc phạm nhân phẩm, đe dọa tinh thần.