Thành phố Hồ Chí Minh: F1 chưa được đi học, đi làm, phải cách ly theo quy định

GD&TĐ - Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, F1 đáp ứng điều kiện theo định nghĩa của Bộ Y tế không nhiều, cách ly F1 vẫn là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Về vấn đề có nên xem Covid-19 là "bệnh đặc hữu", đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết theo báo cáo Bộ Y tế gửi Thủ tướng, "bệnh lưu hành" còn được một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu," là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định. Khái niệm này hướng đến tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.

Theo đó, có 4 tiêu chí để đánh giá “bệnh lưu hành” gồm có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể nhiễm trùng và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm hoặc một quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc có tính ổn định và có thể dự báo.

Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và dự đoán có thể có các biến thể không lường trước được. Tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia vẫn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Bên cạnh đó, tuy tỷ lệ bệnh nặng, tử vong ở trong nước đã giảm nhiều so với giai đoạn trước, số tử vong ghi nhận hằng ngày hiện nay vẫn ở mức trên dưới 100 ca.

Con số này cao hơn số tử vong cao điểm hằng năm do bệnh dại hoặc sốt xuất huyết, sởi-những “bệnh lưu hành” có số tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.

Do đó, Bộ Y tế cho rằng trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi Covid-19 là "bệnh lưu hành." Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ