60 phút cứu sống bệnh nhân mắc Covid-19 nặng bị xuất huyết

GD&TĐ - Các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa can thiệp thành công trường hợp xuất huyết tự phát mức độ nặng hiếm gặp trên bệnh nhân dương tính với SARS CoV-2.

Tình trạng hiện tại bệnh nhân ổn định. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Tình trạng hiện tại bệnh nhân ổn định. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân nữ T.T.T (sinh năm 1968, ngụ tại Đồng Tháp) nhập viện ngày 19/2/2022 trong tình trạng dương tính với SARS CoV-2 mức độ nặng, viêm phổi, suy hô hấp.

Sau 9 ngày nằm viện có sử dụng kháng đông theo phác đồ điều trị Covid-19, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốc giảm thể tích do mất máu cấp. Kết quả siêu âm bụng và chụp cắt lớp ghi nhận có khối máu tụ vùng thành bụng phải với dấu hiệu xuất huyết nội đang diễn tiến.

Các bác sĩ hội chẩn quyết định chụp và nút động mạch điều trị cầm máu bằng phương pháp thuyên tắc động mạch qua da (PTAE). Quá trình can thiệp ghi nhận bệnh nhân bị đa ổ xuất huyết, xuất phát từ nhánh động mạch thượng vị phải nguy kịch.

Sau 60 phút can thiệp, các mạch xuất huyết được nút lại, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định.

Ngày 2/3, bệnh nhân đã âm tính với SARS CoV-2, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định, bụng mềm, không chướng, phổi thông khí tốt, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ Chuyên khoa II Dương Thiện Phước - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, những bệnh nhân mắc Covid-19 trầm trọng thường có sự tăng đông máu. Điều trị kháng đông được đề nghị để giảm nguy cơ huyết khối, dẫn đến một biến chứng nặng, tiềm ẩn như chảy máu tự phát.

Yếu tố nguy cơ này càng lớn ở nhóm các bệnh nhân Covid-19 nặng, lớn tuổi, đang dùng thuốc kháng đông, béo phì, có các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường…

Việc điều trị chảy máu tự phát ở bệnh nhân mắc Covid-19 thường bắt đầu bằng việc điều chỉnh lại tình trạng đông cầm máu, ngưng thuốc kháng đông, truyền dịch, truyền máu.

Thuyên tắc động mạch qua da là một phương pháp điều trị được lựa chọn do tính chất xâm lấn tối thiểu cũng như tiến hành nhanh chóng và an toàn. Tuy nhiên, ở bệnh nhân mắc Covid-19, các động mạch trở nên mỏng manh hơn, dễ rách thành mạch máu và việc bung các coil cũng có thể bị cản trở do co thắt thành mạch. Do đó, đòi hỏi bác sĩ can thiệp phải giàu kinh nghiệm, cũng như thiết bị hỗ trợ phải hiện đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.