Thành phố đảo đầu tiên

GD&TĐ - Ngày 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết thành lập TP Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam.

Việc Phú Quốc chuyển từ huyện lên thành phố không chỉ là thay tên gọi về “cấp” mà nó đang mang, càng không phải để cho… oai mỗi khi nhắc đến địa danh này mà cái chính là, hòn đảo được ví như “ngọc” ấy đã trở nên quá chật khi phải khoác lên nó chiếc áo cấp huyện.

Một khi lên thành phố, Phú Quốc sẽ là trung tâm dịch vụ công cộng, thương mại -  tài chính quốc tế, cảng quốc tế, trung tâm tiếp vận, khu phi thuế quan, thương mại, du lịch… những vấn đề mà một đơn vị hành chính của huyện không thể gánh vác được. Đấy là lý do vì sao Phú Quốc phải là thành phố chứ không thể là huyện được nữa.

Thực tế cho thấy, trong suốt 15 năm qua, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2020 tại Quyết định số 1197/QĐ-TTg ngày 9/11/2005, hòn đảo này đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, cả về kinh tế lẫn nếp sống của người dân để tiệm cận với các tiêu chí của một đô thị.

Trước khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình nêu rõ sự cần thiết nâng cấp huyện đảo Phú Quốc lên thành phố: “Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của các thị trấn ở Phú Quốc đã có bước phát triển nhanh và ổn định.

Trên địa bàn tập trung nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, doanh nghiệp, trường học và dự án lớn đã tạo sự chuyển biến trong quá trình phát triển đô thị và từng bước hình thành lối sống đô thị trong nhân dân. Hai thị trấn Đông Dương và An Thới đã được đánh giá đạt 12/12 tiêu chuẩn trình độ phát triển hạ tầng để thành lập phường thuộc TP Phú Quốc”.

Tờ trình của Bộ Nội vụ cũng cho biết, sau 15 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của huyện Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định. Trên địa bàn huyện có 320 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 340 nghìn tỉ đồng. Đây quả là một con số ấn tượng trong việc thu hút đầu tư ở một hòn đảo như Phú Quốc.

Bắt đầu từ 1/3/2021, Phú Quốc sẽ khoác lên mình chiếc áo mới: Thành phố Phú Quốc. Sẽ xuất hiện nhiều vấn đề, có cả lợi thế lẫn những phức tạp có thể xảy ra một khi hòn đảo này lên thành phố. Đã từng xảy ra những vụ việc “nóng” ở Phú Quốc, từ các băng nhóm tội phạm gây án đến những chuyện buồn lòng như có một số lãnh đạo đã bị kỷ luật hoặc vào vòng lao lý vì “ăn đất” ở hòn đảo này.

Khi lên cấp thành phố, Phú Quốc sẽ hút về mình một nguồn lực khổng lồ về đầu tư, tài chính… những mặt trái của xã hội cũng sẽ xuất hiện và đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quản lý ở đây. 

Phú Quốc được ví như đảo ngọc, từng khoác lên mình những huyền tích thuở cha ông đi mở cõi. Mỗi thước đất nơi này đều thấm đẫm mồ hôi lẫn xương máu của tiền nhân. Con cháu hôm nay sẽ không làm phụ lòng vào niềm tin của bao lớp người đi trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ