Thanh niên Đức thờ ơ với đào tạo nghề

GD&TĐ -Chương trình đào tạo nghề tại Đức là một trong những hình mẫu học nghề trên thế giới.

Đức vừa thiếu lao động tay nghề cao vừa thiếu lao động trẻ.
Đức vừa thiếu lao động tay nghề cao vừa thiếu lao động trẻ.

Nhưng sau gần một thập kỷ, cơ hội phát triển của mô hình đào tạo này đã sụt giảm, nhiều khả năng kéo theo những thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Thiếu thực tập sinh học nghề

Năm 2021, Hiệp hội Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức đã tổ chức khảo sát 15 nghìn công ty thành viên trực thuộc. Kết quả cho thấy 42% công ty, xí nghiệp không thể lấp đầy vị trí thực tập sinh, công nhân học nghề trong năm 2021. Sự thiếu hụt thực tập sinh tại Đức đang ở mức “cao nhất mọi thời đại”, báo cáo nhận định.

Viện Kinh tế Đức (IW) cũng cho biết trong năm 2021, có khoảng 473 nghìn hợp đồng học việc được ký mới, giảm 10% so với năm 2013.

Các nhà nghiên cứu nhận định thanh niên Đức không còn hứng thú với việc học nghề nên nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp lâm vào “thế bí” do không tuyển được công nhân học việc. Tỷ lệ học việc trống cao nhất là trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm thịt (60,4%), theo sau là các ngành nghề như sửa ống nước (38,9%), phục vụ nhà hàng (37,5%) và thợ xây dựng (33,8%).

Một số lĩnh vực đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các lĩnh vực khác do tình trạng thiếu công nhân học nghề như ngành xây dựng, ngành vệ sinh, kỹ thuật... Thậm chí, bất chấp du lịch phát triển mạnh mẽ sau dịch Covid-19, lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cũng gặp khó khăn khi tuyển dụng thực tập sinh.

Như vậy, không chỉ thiếu lao động tay nghề cao, các doanh nghiệp đang thiếu cả nguồn cung lao động trẻ. Hệ quả đối với thị trường lao động Đức, vốn đã phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động giàu kinh nghiệm, được đánh giá là nghiêm trọng.

Bà Regina Flake, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Kinh tế Đức, cho biết: “Mô hình kinh tế Đức dựa trên lao động có tay nghề cao, đặc biệt là sự phối hợp giữa lao động có kỹ năng nghề và học thuật. Trong trường hợp xấu nhất, nếu thiếu công nhân lành nghề, các doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, kéo theo đó là sự sụp đổ của chuỗi cung ứng và sự suy giảm năng lực đổi mới”.

Học viên trường nghề thực hành làm thợ mộc.

Học viên trường nghề thực hành làm thợ mộc.

Ông Ulf Rinne, Viện Kinh tế Lao động Đức, phân tích: “Các doanh nghiệp đang thiếu trầm trọng vị trí học nghề hoặc thực tập sinh, một phần do ảnh hưởng của hệ thống đào tạo nghề. Đây là một tín hiệu nguy hiểm vì chương trình đào tạo nghề là thế mạnh cốt lõi của thị trường lao động Đức. Sinh viên tốt nghiệp từ chương trình này là xương sống của nguồn cung lao động trong nhiều ngành nghề”.

Trong nhiều năm trở lại đây, Đức đã rơi vào tình cảnh thiếu hụt lao động tay nghề cao. Nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao, đặc biệt là tại những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, đang tăng nhanh chóng.

Nguyên nhân chính của vấn đề trên là lực lượng lao động thuộc thế hệ công nhân sinh ra trong những năm 1950 và đầu những năm 1960 nghỉ hưu ngày một tăng. Ước tính, khoảng 350 nghìn công nhân sinh ra trong giai đoạn này đã rời khỏi thị trường lao động mỗi năm nhưng các doanh nghiệp không tìm đủ người mới thay thế.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, tình trạng thiếu hụt thực tập sinh đang làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao hiện nay và trong tương lai. Nguyên nhân của sự sụt giảm xuất phát từ một trong những chương trình được đánh giá cao trên thế giới – đào tạo nghề tại Đức.

Ông Rinne nhận định hệ thống học nghề của Đức đã dần mất đi sức hút đối với thanh thiếu niên, sau nhiều thập kỷ hệ thống này được coi là trụ cột cơ bản trong chiến lược kinh tế của đất nước và là con đường hấp dẫn để gia nhập thị trường việc làm.

“Chúng tôi đang chứng kiến cuộc chạy đua vào các trường đại học, trường dạy nghề”, ông Rinne cho biết. Tình trạng này không chỉ khiến Đức lâm vào thế khó mà còn khiến thế giới ngạc nhiên bởi đào tạo nghề tại Đức, vốn được đánh giá cao và là hình mẫu của thế giới.

Vai trò của đào tạo nghề kép

Thanh niên Đức ngày nay không mặn mà với việc học nghề.

Thanh niên Đức ngày nay không mặn mà với việc học nghề.

Theo khảo sát năm 2018, hơn 50% người Đức theo học chương trình đào tạo nghề (còn gọi là đào tạo nghề kép, VET), nghĩa là học viên vừa học lý thuyết ở trường nghề vừa học việc tại doanh nghiệp, nhằm tăng cơ hội việc làm sau khi ra trường. Chương trình học bao gồm 326 ngành nghề chuyên môn như cắt kim cương, chế tạo cơ khí máy bay...

Sau khi hoàn thành 4 năm tiểu học, riêng tại Berlin và Brandenburg là 6 năm, học sinh Đức sẽ lựa chọn theo học một trong 5 mô hình giáo dục phổ thông. Đầu tiên là mô hình Hauptschule, thời gian là 4 năm, từ lớp 5 đến lớp 9. Mô hình này thường dành cho học sinh có học lực trung bình hoặc yếu hoặc những học sinh có định hướng kinh doanh và tham gia vào các khu công nghiệp trong tương lai.

Ở đây, học sinh vẫn học văn hóa nhưng khối lượng kiến thức ít hơn, tốc độ học chậm hơn. Sau khi tốt nghiệp, các em thường lựa chọn theo các trường dạy nghề Berufsschule. Học viên sẽ học nghề bán thời gian. Thông thường, các em học chính khóa vào buổi sáng và chiều thực tập tại các nhà máy, doanh nghiệp đến năm 18 tuổi.

Trong quá trình học, nếu có thành tích vượt trội hoặc mong muốn thay đổi định hướng nghề nghiệp, học sinh có thể chuyển sang học trường Gymnasium (kéo dài 7 năm) hoặc Realschule (kéo dài 5 năm). Cụ thể, Gymnasium là trường học dành cho học sinh trình độ cao, mong muốn vào đại học.

Chương trình học tương đối nặng về lý thuyết, đặc biệt là các môn khoa học. Còn Realschule dành cho học sinh có học lực khá, với các môn phổ thông như Toán, Tiếng Đức, Tiếng Anh... Tốt nghiệp Realschule, học sinh có thể chọn học nghề.

Hai mô hình còn lại là Mittelschule, kết hợp của Hauptschule và Realschule và không quá phổ biến ở Đức. Và Gesamtschule, tương đương với chương trình phổ thông tại Mỹ, kéo dài từ 8-9 năm. Trong đó, chương trình đào tạo nghề kép (VET) thường nhận được sự quan tâm của học sinh Hauptschule và phổ biến trong các trường dạy nghề Berufsschule.

Đào tạo nghề có ở nhiều nước nhưng ở Đức mô hình này hoàn toàn khác biệt vì học viên đã được định hướng từ bậc phổ thông và được tham gia vào quá trình lao động ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Hơn nữa, học nghề ở Đức không bị coi là trình độ học vấn thấp mà ngược lại, lao động tay nghề cao rất được coi trọng tại Đức.

Nhiều người trẻ nước này yêu thích chương trình VET hơn là vào đại học mặc dù một số trong đó đủ khả năng học lên cao hơn. VET có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nền kinh tế Đức, quốc gia có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp thấp nhất Liên minh châu Âu (EU) và cũng là quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất. Năm 2017, Đức xuất khẩu hàng hóa trị giá 1,279 nghìn tỷ euro (1,571 nghìn tỷ USD) và nhập khẩu 1,034 nghìn tỷ euro.

Mô hình VET tại Đức được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Bà Ivanka Trump, cựu Cố vấn cấp cao Tổng thống Mỹ, con gái cựu Tổng thống Donald Trump, từng mong muốn đưa các chương trình đào tạo nghề kép từ Đức sang Mỹ. Phát biểu trong một buổi phỏng vấn năm 2017, bà Ivanka đánh giá mô hình VET của Đức là “bước đi tiên phong tuyệt vời”.

Cải thiện chương trình đào tạo nghề

Nhiều người trẻ tại Đức thích học nghề hơn học đại học.

Nhiều người trẻ tại Đức thích học nghề hơn học đại học.

Dù chia thành nhiều ngành nghề để học viên lựa chọn, chương trình đào tạo nghề tại Đức được tiêu chuẩn hóa trên toàn quốc. Mọi học viên phải học cùng một sách giáo khoa, làm quen cùng một quy trình giống nhau nên triển vọng việc làm không bị ảnh hưởng bởi xu hướng ngành nghề, bằng cấp đại học hoặc yêu cầu của nhà tuyển dụng. Hầu hết học viên trường nghề gia nhập doanh nghiệp sau 3 năm làm thực tập sinh có lương.

Quay trở lại những năm gần đây, xu hướng giới trẻ Đức bỏ học việc ngày một rõ ràng. Đại dịch Covid-19 cũng góp phần khoét sâu vào vấn đề này.

Một thách thức trong thời kỳ đại dịch là học sinh phổ thông bị hạn chế tham gia các chương trình định hướng nghề nghiệp. Các doanh nghiệp không thể về trường phổ thông, quảng cáo các vị trí thực tập dành cho học viên, tổ chức ngày hội việc làm... để thanh thiếu niên có cái nhìn sâu sắc hơn về mô hình vừa học vừa làm.

Trước tình hình trên, đầu tháng 9, Bộ trưởng Giáo dục Đức Bettina Stark-Watzinger đưa ra lời kêu gọi Đức cần “nhiều hơn nữa những khối óc thông minh và bàn tay chăm chỉ để hướng đến mục tiêu chuyển đổi, tăng trưởng và thịnh vượng”. Chính phủ Đức thông báo sẽ tăng đầu tư, thay đổi chính sách nhằm đưa đào tạo nghề trở nên hấp dẫn hơn.

Nhận xét về kế hoạch này, ông Rinne bày tỏ tin tưởng sự vào cuộc của các đảng phái tại Đức sẽ là chìa khoá giải quyết vấn đề. Ông nhấn mạnh chính phủ phải xây dựng khung quy định và yêu cầu các doanh nghiệp phải cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt cho các thực tập sinh.

Về phần mình, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi nhanh chóng như thiết kế nơi làm việc hấp dẫn, tăng cường trau dồi văn hóa doanh nghiệp và tích cực bồi dưỡng, trau dồi kỹ năng cho người lao động. Ngoài ra, cần thu hút sự quan tâm của thanh thiếu niên đối với lĩnh vực đào tạo nghề.

Các chuyên gia khuyến nghị rằng các doanh nghiệp, xí nghiệp nên tăng sự hỗ trợ, đầu tư cho thực tập sinh như phương tiện đi lại, chi phí di chuyển hay nhà ở... để thu hút học viên trường nghề đăng ký học việc. Điều này phù hợp với mục tiêu khai thác tiềm năng của lao động trẻ tuổi nhằm chống lại sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao trong tương lai.

“Chúng ta cần định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên ngày càng tốt hơn nhằm mang lại cơ hội và hình ảnh hiện đại về chương trình đào tạo nghề”, ông Rinne bày tỏ.

Theo DW

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.