Theo Hội Truyền thông số Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền trên mọi lĩnh vực đang diễn ra hết sức trầm trọng. Bởi vậy, việc thành lập trung tâm bảo vệ bản quyền số là cần thiết với 2 nhiệm vụ chính: Bảo vệ bản quyền số trong các lĩnh vực báo chí, xuất bản, cũng như các tác phẩm văn học, nghệ thuật; khai thác bản quyền số nhằm phổ biến các sản phẩm số nhiều hơn tới các đối tượng khác nhau trên mạng, đồng thời cũng nhằm mang lại lợi ích chính đáng cho các nhà sáng tạo nội dung.
Trung tâm Bảo vệ bản quyền số có phạm vi lắng nghe, dò quét 600 đầu báo, forum, blog, 90 triệu profile Facebook, 2 triệu trang fanpage và 3 triệu group trên mạng xã hội.
Đặc biệt, trung tâm có các giải pháp công nghệ giúp cho các đối tác có sản phẩm cần bảo vệ có thể theo dõi tình trạng của sản phẩm theo thời gian xem có bị vi phạm hay không và vi phạm ở mức độ nào.
Công cụ này sẽ đưa ra các cảnh báo, từ đó giúp đối tác tiến hành ngăn chặn việc vi phạm. Trung tâm này cũng giúp các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện chức năng giám sát và bảo vệ bản quyền.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia. Trong nền kinh tế số, giá trị của một tổ chức, doanh nghiệp không được xác định bằng tài sản hữu hình nữa mà thay vào đó dựa vào tài sản vô hình, chính là dữ liệu số và nội dung số mà doanh nghiệp đó sở hữu như Grab thì không sở hữu bất cứ chiếc xe vật lý nào. YouTube thì không sở hữu bất cứ một video vật lý nào.
Đại diện Hội Truyền thông số cam kết sẽ quan tâm, ủng hộ cho các hoạt động của Trung tâm Bảo vệ Bản quyền số, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các cam kết với đối tác cũng như mục tiêu trung tâm đã đề ra, đảm bảo quyền lợi hợp pháp và đem lại lợi ích cho các nhà sáng tạo nội dung.
Tại lễ ra mắt, Trung tâm Bảo vệ Bản quyền số đã ký kết hợp tác bảo vệ và khai thác bản quyền với Hội Nhà văn Việt Nam và một số cơ quan báo chí.