Tuy nhiên, người dùng internet rất khó phân biệt đâu là môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, an toàn và có bản quyền?
Khe hở cho việc gia tăng tỷ lệ ăn cắp bản quyền
Gần đây, bộ phim truyền hình đang hot của VTV Tuổi thanh xuân (phần 2) đã xuất hiện trên hàng chục trang web lậu, không cách gì ngăn chặn. Những đơn vị chuyên mua bản quyền phim truyền hình Hàn Quốc thì đau đầu “thường trực” vì bất kỳ phim mới nào vừa phát sóng bên Hàn là chỉ vài giờ sau đã xuất hiện trên các trang web xem phim lậu, có phụ đề tiếng Việt hẳn hoi.
Lượng người xem “khủng” trên các trang web lậu chính là thỏi nam châm thu hút các đơn vị làm dịch vụ quảng cáo. Quảng cáo thực sự là “nguồn oxy” cho những website vi phạm bản quyền, mà gián tiếp là các kẻ trộm thông tin mạng.
Bản quyền môi trường số luôn là vấn nạn báo động và là “trận chiến” dai dẳng khó chấm dứt giữa một bên là chủ sở hữu các nhà sản xuất, một bên là những “kẻ cắp”. Những kẻ sống bằng mồ hôi, công sức của người khác bằng việc cho người dùng xem miễn phí những sản phẩm do mình đánh cắp có được. Và đổi lại, nguồn sống của họ chính là nhờ vào quảng cáo của các nhãn hàng, sản phẩm.
Theo thống kê của Casbaa, tại Việt Nam, 39% quảng cáo trên các trang mạng là quảng cáo lậu, có tính chất độc hại cao (quảng cáo rác, game đánh bạc, khiêu dâm...). Như vậy 61% doanh thu quảng cáo của các trang web lậu là từ các nhãn hàng chính hãng. Như vậy, website không bản quyền và trang web đen hoàn toàn chiếm mức doanh thu trong quảng bá thương hiệu qua ứng dụng công nghệ internet.
Bà Ngô Bích Hạnh (đại diện BHD) cho biết: “Có những trang web lậu có đến 4 triệu lượt truy cập/1 tháng. Thậm chí một bộ phim Hollywood vừa đưa lên mạng ngay lập tức có 2 triệu lượt người vào xem. Các quảng cáo, nhãn hàng luôn muốn quảng cáo sản phẩm của mình ở các trang có truy cập lớn…”.
Nói không với sản phẩm vi phạm
Theo ông Quản Tuấn An, Trưởng phòng Quản lý quyền tác giả, quyền liên quan - Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, lĩnh vực âm nhạc, phim, ảnh, tác phẩm văn học... là lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất. Trong đó, môi trường internet được coi là công cụ thuận lợi để “đạo chích” lợi dụng vì các thao tác thuận tiện, đường truyền nhanh, dễ tìm kiếm, dễ đăng lên mà ít bị kiểm duyệt, ngăn chặn....
Mong muốn một môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, sạch và an toàn xem ra vẫn là vấn đề khó. Cuộc chiến này cần đến sự liên minh, liên kết không chỉ từ các chủ sở hữu, các đơn vị cung cấp dịch vụ mà còn là các đơn vị quảng cáo, chủ nhãn hàng, người sử dụng…
Ở Việt Nam, lâu nay chỉ mới có các chủ sở hữu bản quyền nhập cuộc vì “của đau con xót”, chưa hề thấy có sự tham gia của hai bên còn lại. Thực tế, các trang web vi phạm đều thuê máy chủ ở nước ngoài nên cơ quan chức năng dù có muốn xử lý cũng đành chịu. Đơn độc trong cuộc chiến nên việc ngăn chặn các trang web vi phạm của các chủ sở hữu bản quyền đã trở thành chuyện thường ngày.
Trong thời đại mà việc tiêu dùng “sạch” luôn được cộng đồng đặt lên hàng đầu chúng ta ai cũng canh cánh nỗi lo thực phẩm bẩn, môi trường sống bị ô nhiễm, và gần đây là mất an toàn trong việc bảo mật thông tin khi sử dụng các phương tiện công nghệ số với hàng loạt thông tin tài khoản bị đánh cắp, theo dõi do virus mạng tấn công. Vì thế, người dùng cần phải có và sớm được cung ứng những dịch vụ giải trí chất lượng cao, ổn định, an toàn, không còn nỗi lo mã nguồn độc hại xâm nhập từ các trang web lậu và quảng cáo bẩn.